Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


1.000 đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc

Đại hội Đoàn toàn quốc diễn ra từ ngày 10 đến 13/12 sẽ bầu Ban chấp hành mới và xác định mục tiêu cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Hôm nay 10/12, ngày làm việc đầu tiên của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đã diễn ra tại Hà Nội.

Tham dự Đại hội có 1.000 đại biểu là những cán bộ, đoàn viên ưu tú đại diện cho hơn 6,4 triệu đoàn viên và gần 24 triệu thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước.

Tại phiên họp thứ nhất, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong cho hay, với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Việt Nam tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo, phát triển”, Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ vừa qua và xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho nhiệm kỳ 2017-2022; sửa đổi, bổ sung Điều lệ Đoàn; bầu Ban chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI.

 Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI có sự tham gia của 1.000 đại biểu. Ảnh: D. Triều

"Kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh"

Chiều cùng ngày, các đại biểu đã chia thành 8 tổ tham gia diễn đàn gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an; Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa học và Công nghệ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nội vụ; Giáo dục và Đào tạo.

Tại Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Công an và Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Long Hải cùng 125 đại biểu thanh niên đã thảo luận sôi nổi về vai trò của thế hệ trẻ trong công cuộc bảo vệ đất nước.

 Thượng tướng Lương Cường trao đổi với thanh niên. Ảnh: HT

Thượng tướng Lương Cường cho rằng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

“Làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất", ông nói và đề nghị tuổi trẻ cả nước phải thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để triển khai hiệu quả công tác phối hợp giữa đoàn thanh niên và lực lượng quân đội trong công tác hậu phương quân đội, anh Lộc Minh Hiệp - Phó bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Lạng Sơn, đề nghị, Bộ Quốc phòng cần tham mưu để có nhiều hơn chính sách ưu đãi cho thanh niên xuất ngũ trở về địa phương, chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự các tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp để hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên xuất ngũ.

Đại biểu Dương Xuân Khiêm (Bí thư đoàn Học viện An ninh nhân dân) kiến nghị phát triển hơn các kênh truyền thông chính thống của Đoàn thanh niên để thông tin đến được với thế hệ trẻ, như tập trung phát triển website của Đoàn thanh niên, mạng xã hội, truyền hình thanh niên...

 Đại hội diễn ra từ ngày 10 đến 13/12, gồm sáu phiên làm việc. Ảnh: T.P

Lo ngại trước hiện tượng "sống ảo" của một bộ phận giới trẻ

Diễn đàn "Thanh niên với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc" do Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đồng chủ trì đã diễn ra với sự tham dự của 150 đại biểu.

Anh Nguyễn Văn Quyết - Bí thư đoàn than Quảng Ninh, bày tỏ lo ngại trước tình trạng nhiều bạn trẻ Việt Nam hiểu biết về văn hóa nước ngoài, trong khi ít quan tâm đến truyền thống đất nước. Trên mạng xã hội thì tràn lan các video, phim ảnh các nước khác, còn sản phẩm văn hoá của Việt Nam thì gần như không có.

"Trước đây chúng ta từng có những bộ phim rất hay như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, em bé Hà Nội... Ngành văn hoá cần đầu tư để hiện nay có được những bộ phim hay như vậy. Ngoài phim truyện thì làm các video theo các sự kiện lịch sử, ví dụ như kỷ niệm chiến thắng Đống Đa", anh Quyết nói.

Chị Nguyễn Vũ Như Quỳnh - Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) lo ngại trước hiện tượng "sống ảo" của một bộ phận giới trẻ và cho rằng Bộ Văn hóa cần có thêm nhiều chương trình để tăng cường lối sống lành mạnh cho thanh thiếu niên.

Chia sẻ với các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói ông cũng lo ngại trước tình trạng văn hóa dân tộc đang bị mai một. 5 năm qua, Đại học văn hóa không có sinh viên nào học lĩnh vực biên tập, viết kịch bản, phê bình lý luận.

"Bảo tồn nghệ thuật truyền thống thì phải có người trao truyền. Thế hệ già sẽ mất đi, thế hệ trẻ phải gánh vác, nghệ thuật truyền thống phải được thế hệ trẻ phải quan tâm. Song Nhà hát lớn diễn chính thức hơn 260 buổi, phần lớn là nghệ thuật đặc sắc, nhưng rất ít người mua vé. Các buổi biểu diễn tuồng, chèo, cải lương cũng rất ít người xem", ông Thiện nói và khẳng định, các cán bộ, công chức ngành văn hoá luôn suy nghĩ, trăn trở về nguyên nhân để tìm giải pháp cho các vấn đề từ thực tiễn.

Đại hội diễn ra từ ngày 10 đến 13/12, gồm sáu phiên làm việc và sẽ được đón tiếp, nghe phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chén ngọc vẽ bằng vàng tặng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11

 

Một công ty đã tặng Đại hội Đoàn một chiếc chén ngọc. Tác phẩm này tái hiện chân thực các hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tiêu biểu trên ba miền đất nước trong 5 năm.

Phần thân chén có điểm nhấn là hình ảnh của ba phong trào lớn của Đoàn: Thanh niên tình nguyện, thanh niên sáng tạo và thanh niên bảo vệ Tổ quốc.