Giật mình tài sản của 2 người em ông Đinh La Thăng tại PVSD
- 09:28 11-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ông Đinh Mạnh Thắng - em trai ông Đinh La Thăng. |
Đường công danh thuận lợi
Ông Đinh Mạnh Thắng - em trai ông Đinh La Thăng, người vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi tham ô tài sản từng là người nắm giữ chức vụ cao nhất tại CTCP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD, mã cổ phiếu SDP) ngay từ khi thành lập. Trước đó, ông Thắng từng có thời gian dài công tác tại các đơn vị thuộc Sông Đà.
Cụ thể, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành xây dựng, năm 1983, ông Thắng bắt đầu công tác tại Xí nghiệp bê tông Sông Đà, tỉnh Hòa Bình. Ba năm sau, tháng 9/1986, ông Thắng chuyển sang làm cán bộ Phòng vật tư tiêu thụ - Công ty cung ứng vật tư Sông Đà. Ông công tác tại vị trí này trong suốt 13 năm trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Sông Đà 12-6, công ty Sông Đà 12 vào năm 2001.
Từ tháng 1/2004, ông Đinh Mạnh Thắng giữ chức Giám đốc công ty, sau đó đến tháng 5/2006, ông được bầu làm Chủ tịch PVSD. Đến ngày 15/4/2017, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên công ty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà, ông Đinh Mạnh Thắng có nguyện vọng thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT để trở thành thành viên HĐQT vì lý do cá nhân. Tuy vậy, cho đến nay, ông Thắng hiện vẫn là cổ đông lớn cá nhân duy nhất tại PVSD với số lượng cổ phiếu nắm giữ là 746.000 CP - tương ứng 6,71% vốn điều lệ.
Ngoài ông Đinh Mạnh Thắng, một người em trai khác của ông Đinh La Thăng là ông Đinh Mạnh Hưng hiện cũng giữ vị trí Ủy viên HĐQT của PVSD. Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2017 của PVSD, ông Hưng sở hữu 46.000 CP công ty - tương ứng 0,41% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, với thị giá cổ phiếu ở mức thấp, chỉ 3.900 đồng/CP (theo giá chốt phiên giao dịch 8/12), trước khi bị bắt, tổng tài sản của 2 người em ông Đinh La Thăng tại công ty PVSD là hơn 3 tỷ đồng.
Mắc kẹt tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2
PVSD (tiền thân là Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Sông Đà) là cái bắt tay giữa tập đoàn Dầu khí Việt Nam và tập đoàn Sông Đà, được thành lập năm 2003 với số vốn ban đầu chỉ 15 tỷ đồng. Sau nhiều lần tăng vốn, PVSD hiện có vốn điều lệ hơn 111 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của PVSD là xây lắp các công trình xây dựng công nghiệp, dân dụng. Ngoài ra, giống như hàng loạt công ty con khác trong hệ thống công ty của tập đoàn PVN, PVSD cũng lấn sân sang mảng kinh doanh bất động sản với các dự án như là chủ đầu tư cấp II dự án Nam An Khánh (Hà Nội), dự án khu dân cư Vĩnh Thanh (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Về tình hình kinh doanh của PVSD thời gian qua, công ty đang trong giai đoạn khó khăn trầm trọng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo thừa nhận là do sự ngưng trệ tại hai công trình chính: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1. Đây cũng chính là hai "vũng lầy" khiến hàng chục lãnh đạo cấp cao của tập đoàn PVN, tổng công ty PVC... vướng vào vòng lao lý.
Trong báo cáo tài chính năm 2016, lãnh đạo PVSD cho biết, sản lượng thực hiện của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ đạt 58,7% kế hoạch đặt ra do bị chậm thiết kế và thiếu mặt bằng triển khai thi công tại một số hạng mục. Còn tại dự án NMNĐ Sông Hậu 1, công ty chỉ hoàn thành 100% các hạng mục cọc móng (Nhà máy chính) nhưng không thể triển khai được hạng mục nền kho than do chủ đầu tư thay đổi thiết kế so với phương án ban đầu và đang phê duyệt thiết kế. Tổng giá trị sản lượng chỉ đạt 30,4% kế hoạch.
Tính đến hết tháng 9/2017, công ty do em trai ông Đinh La Thăng từng làm Chủ tịch HĐQT vẫn còn gánh khoản lỗ luỹ kế gần 2 tỷ đồng. Doanh thu, lợi nhuận các năm gần đây đều không đạt kế hoạch đề ra.