Đề xuất chuyển đổi 7 trường THCS thành trường PTDT bán trú
- 11:25 07-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dạy học theo mô hình VNEN tại Trường Tiểu học Yên Thắng 2 xã Yên Thắng (Tương Dương). Ảnh: Hoài Thu |
Học sinh THCS phải đi thuê trọ
Thầy giáo Đinh Xuân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Kiền (xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương) cho biết: “Trường có 100% học sinh là con em các dân tộc Thái và Mông với 8 lớp 228 học sinh; trong đó có 132 em ở bán trú, đạt gần 60%. Bởi trường quản lý học sinh của 6 bản nhưng có 3 bản cách đèo cách suối học sinh không thể đi về trong ngày”.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất Trường THCS Lưu Kiền hiện chưa thể đáp ứng nhu cầu ở bán trú (hiện trường có 132/228 học sinh ở bán trú). Do khuôn viên hiện tại của trường quá nhỏ, nên chỉ đủ phòng cho 42 học sinh của bản xa nhất ở, còn lại 90 em đang phải làm lán ở tạm hoặc thuê ở khu vực gần trường để ăn ở, sinh hoạt và học tập.
“Về lâu dài không thể để học sinh phải thuê trọ và tự phục vụ cơm nước hàng ngày và phải đối mặt với nhiều rủi ro, cám dỗ từ các tệ nạn xã hội. Vì thế, dù không nằm trong quy hoạch chuyển đổi sang mô hình PTDT bán trú, nhưng dựa vào tình hình thực tế, Trường THCS Lưu Kiền đã xây dựng Đề án thành lập trường PTDT bán trú đề nghị cấp trên phê duyệt được chuyển đổi mô hình, nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học”, thầy Hồng khẳng định.
Về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Tương Dương, bà Vy Thị Bích Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết, dự kiến đến năm học 2020 - 2021 huyện sẽ có 61 trường công lập, 1 trung tâm GDTX.
Đến năm 2025, Tương Dương sẽ sáp nhập 10 trường tiểu học thành 5 trường tại các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh và Tam Quang, tổng sẽ còn 56 trường; đề nghị chuyển đổi mô hình thành trường PTDT bán trú đối với một số trường.
Học sinh Trường Tiểu học Yên Na, huyện Tương Dương quét dọn vệ sinh khu vực bán trú. Ảnh: Hoài Thu |
Hoặc như tại Trường THCS Châu Thành (xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, hiện nhà trường có học sinh của 6/9 bản được hưởng chế độ bán trú với 9 lớp 313 học sinh. Là địa phương có 42% hộ nghèo nên không thể huy động đóng góp của người dân để xây dựng phòng bán trú cho học sinh, vì vậy toàn bộ 142 học sinh thuộc diện được hưởng chế độ bán trú của Trường THCS Châu Thành hiện đang phải thuê trọ ngoài khuôn viên nhà trường.
Hiện xã bố trí di dời trạm y tế xã đến địa điểm khác để dành 6 phòng cho học sinh ở bán trú, nhưng do chưa có kinh phí nên việc sửa chữa, tân trang các phòng ở vẫn chưa thực hiện được.
Nên việc chuyển đổi mô hình thành Trường THPT bán trú đối với trường THCS Châu Thành là cần thiết để đảm bảo điều kiện học tập cho học sinh. Được biết, Châu Thành là trường THCS duy nhất của huyện Quỳ Hợp đã được phê duyệt chuyển đổi mô hình.
Tương tự tại các huyện khác như Kỳ Sơn, Thanh Chương, Anh Sơn… việc thành lập các trường THCS bán trú đối với một số trường là hết sức cần thiết, phù hợp để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn cho học sinh học tập có hiệu quả.
Còn đối với bậc mầm non và tiểu học, hiện vẫn còn tình trạng 1 trường có nhiều điểm trường lẻ, hoặc có số lượng dưới 8 lớp học trở xuống dẫn đến sự cồng kềnh, lãng phí trong bố trí cán bộ, nhân viên và giáo viên giảng dạy cũng cần phải sắp xếp lại, biện pháp chủ yếu là sáp nhập các điểm trường và sáp nhập các trường cùng cấp có quy mô lớp học dưới 8.
Ví như xã Yên Thắng (Tương Dương) hiện có 2 trường tiểu học với 7 điểm trường lẻ. Để đảm bảo việc dạy và học tại 2 trường này, huyện phải bố trí đầy đủ đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên và giáo viên; tuy nhiên do phải “trải” giáo viên tại nhiều điểm trường nên xảy ra việc thiếu hoặc thừa cục bộ giáo viên bộ môn tại các điểm trường.
Vì thế, việc sáp nhập 2 trường Yên Thắng 1 và Yên Thắng 2 sẽ giúp giải quyết được các vướng mắc trong bố trí giáo viên, lại tinh giản được bộ máy quản lý. Và việc sáp nhập trường sẽ không ảnh hưởng đến việc đi lại, học tập của học sinh khi vẫn giữ nguyên địa điểm dạy và học.
Nói cách khác, là việc sáp nhập chỉ thực hiện trên góc độ quản lý và sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo, quản lý và giúp bố trí giáo viên hợp lý, hiệu quả hơn. Đây cũng là chủ trương chung của lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo sáp nhập các trường học trên địa bàn tỉnh.
Chuyển đổi 7 trường THCS thành trường PTDT
Từ những đánh giá, khảo sát thực tế tại các địa phương trên toàn tỉnh, các phòng giáo dục và sở, ban, ngành cấp tỉnh đã thực hiện xem xét, điều chỉnh quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trên toàn tỉnh.
Theo lộ trình đến năm học 2019 - 2020 toàn tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập 7 trường tiểu học và 11 trường THCS; số còn lại đề xuất không sáp nhập vì quy mô học sinh tăng và giao thông đi lại khó khăn.
Học sinh khối lớp 4 Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 ở điểm trường lẻ tại bản Na Ni xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) cách điểm trường chính 7km. Ảnh: Hoài Thu |
Thực hiện lộ trình đó, đến nay toàn tỉnh đã giảm 2 trường THPT ngoài công lập; giảm 283 điểm trường lẻ, trong đó bậc mầm non giảm 130 điểm trường và tiểu học giảm 144 điểm trường và THCS giảm 9 điểm trường; tăng 2 trường THCS và phổ thông cơ sở ngoài công lập.
Đối với loại hình trường THCS PTDT bán trú, theo quy hoạch toàn tỉnh có 43 trường, hiện đã thành lập được 31 trường, 5 trường đang thực hiện.
Trong số đó, dựa vào điều kiện cụ thể của từng trường, từng địa phương và đề xuất của các nhà trường, các phòng giáo dục - đào tạo, Sở GD&ĐT đã đề xuất UBND tỉnh cho phép không chuyển đổi thành trường PTDT bán trú đối với 6 trường THCS tại các huyện Tân Kỳ, Thanh Chương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn và Con Cuông.
Bổ sung chuyển đổi thành trường PTDT bán trú đối với 7 trường: THCS Châu Thành huyện Quỳ Hợp; 5 trường THCS ở Tương Dương gồm Lưu Kiền, Tam Đình, Yên Thắng, Yên Na, Nga My và THCS Bình Chuẩn của huyện Con Cuông.
Cùng đó, tiếp tục chỉ đạo thành lập 6 trường PTDT bán trú THCS gồm: 3 trường THCS Yên Tĩnh, Xá Lượng, Lượng Minh ở huyện Tương Dương; Trường THCS Thành - Bình - Thọ ở huyện Anh Sơn, Trường THCS Châu Khê ở huyện Con Cuông và Trường THCS Tà Cạ của huyện Kỳ Sơn.
Nói về việc quy hoạch lại mạng mạng lưới trường lớp thời gian qua, bà Nguyễn Thị Kim Chi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Qua thực tế khảo sát và những phản ánh, đề nghị từ các địa phương, Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và phối hợp với các ban, ngành, chính quyền các địa phương rà soát, xem xét điều chỉnh hợp lý việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp.
Đặc biệt là đối với việc chuyển đổi hay không chuyển đổi mô hình các trường PTDT bán trú đối với cấp THCS và sáp nhập các điểm trường lẻ ở cấp tiểu học, mầm non ở các huyện miền núi. Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã điều chỉnh quy hoạch trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung vào Nghị quyết số 70/2012/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh về Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo Nghệ An giai đoạn 2012 – 2020 trình HĐND tỉnh phê duyệt tại phiên họp thứ 5 sắp tới”.
Mục tiêu sáp nhập mạng lưới trường lớp đến năm 2020 toàn tỉnh có 557 trường mầm non, 533 trường tiểu học; 399 trường THCS, trong đó có 43 trường PTDT bán trú THCS và 91 trường THPT. Tính đến năm học 2017 - 2018 toàn tỉnh còn 10 trường tiểu học và 23 trường THCS chưa thực hiện sáp nhập. |