Kinh doanh xăng dầu ven biển Nghệ An: Khó do đâu?
- 10:01 07-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuyện ở Tiến Thủy
Tiến Thủy là xã kinh tế biển của huyện Quỳnh Lưu. Vào khoảng cuối tháng 3/2017, ở địa phương này có 8 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu gửi đơn kiến nghị đến Báo Nghệ An với nội dung cho rằng, chính quyền xã không công bằng trong xét duyệt hồ sơ cho thuê đất sản xuất kinh doanh, đi ngược với chủ trương của UBND tỉnh trong việc giải quyết tồn tại, vướng mắc của hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Với đông đảo tàu thuyền vươn khơi bám biển, nhu cầu được cung ứng nhiên liệu của ngư dân xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu) là rất lớn (ảnh chụp tại cửa biển Lạch Quèn). Ảnh: Nhật Lân |
Xác minh nội dung đơn, kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở xã Tiến Thủy là có cơ sở. Các cửa hàng xăng dầu của các doanh nghiệp có đơn nằm ngay tại cảng Lạch Quèn với diện tích chật hẹp, trong vùng dân cư đông đúc nên có nguy cơ mất an toàn cháy nổ cao.
Căn cứ theo các quy định về kinh doanh xăng dầu thì hoàn toàn không đủ điều kiện. Vào năm 2016, xã Tiến Thủy có quy hoạch khu vực đất dành cho sản xuất kinh doanh tại khu bờ kè sông Hàu. Nắm bắt thông tin, 8 doanh nghiệp đã sớm nộp đơn xin thuê đất để được di dời địa điểm kinh doanh, tiếp tục phục vụ ngư dân.
Tuy nhiên, đơn của họ đã không được giải quyết vì quỹ đất tại khu quy hoạch đã được giao cho các doanh nghiệp phục vụ hậu cần nghề cá. Điều đáng nói là việc xét duyệt cho thuê đất có những dấu hiệu chưa minh bạch, thể hiện sự mất công bằng. Từ thực tế được xác minh, tháng 4/2017, Báo Nghệ An điện tử đã đăng tải bài viết: Tiến Thủy (Quỳnh Lưu): Chính quyền “quên” chỉ đạo của UBND tỉnh?” nêu rõ thực trạng và những lời hứa sửa sai của chính quyền xã Tiến Thủy.
Trở lại Tiến Thủy dịp đầu tháng 12/2017, điều đáng ngạc nhiên là những tồn tại trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vùng mạn Bắc cửa biển Lạch Quèn vẫn không có gì thay đổi.
Các cửa hàng xăng dầu với diện tích chật hẹp vẫn nằm trong vùng dân cư đông đúc; các hoạt động cung ứng nhiên liệu cho tàu thuyền vẫn diễn ra bình thường bất chấp những nguy cơ về mất an toàn cháy nổ. Hỏi về sự “vào cuộc, tháo gỡ” của chính quyền địa phương, đại diện các doanh nghiệp cho hay, dù họ rất mong đợi được giải quyết nhưng đến nay vẫn chỉ nhận được những lời hứa.
Khó khăn?
Thực tế cho thấy, ở hầu khắp các địa phương cơ sở có hoạt động kinh doanh xăng dầu ven biển tương tự như xã Tiến Thủy, đều đầy rẫy những tồn tại, không đáp ứng các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định được nêu rõ tại Nghị định số 83 của Chính phủ.
Trong đó, nổi lên những địa phương cơ sở như xã Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai) với 13 cửa hàng xăng dầu; xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) với 6 cửa hàng; xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) cũng có đến 9 cửa hàng xăng dầu ven biển Lạch Vạn cần phải di dời cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đúng quy định...
Theo tìm hiểu, với thực trạng ở xã Diễn Ngọc, sau nhiều lần đôn đốc các doanh nghiệp xăng dầu có cửa hàng phạm quy, UBND huyện Diễn Châu đã gia hạn lần cuối là đến ngày 30/10/2017, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc di dời; cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Tuy nhiên, đến nay tất cả đều chưa hoàn thành.
Hoạt động kinh doanh xăng dầu ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nhật Lân |
Còn với TX. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong tháo gỡ tồn tại, vướng mắc hoạt động kinh doanh xăng dầu ven biển được chỉ ra là tại khu vực ven sông, ven biển, cửa lạch, thiết kế tàu dầu, cây dầu không đảm bảo, trang thiết bị về PCCC hạn chế.
Một số cơ sở có diện tích không đủ 100m2 theo quy định; để được cấp giấy chứng nhận cửa hàng có đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, cần chuyển đổi đất ở sang đất kinh doanh, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đã sử dụng Giấy chứng nhận QSD đất thế chấp ngân hàng để có vốn mua nhiên liệu.
Các cơ sở xăng dầu hỗ trợ khoản vay cho chủ tàu thuyền từ các tổ chức tín dụng khác; sau đó bán hàng cho các chủ tàu này theo hình thức gối chuyến.
Hiện nay, số lượng tàu thuyền trên địa bàn thị xã tương đối lớn gần 900 chiếc. Trong khi đó, lượng phương tiện này ra khơi chỉ nạp nhiên liệu 2 lần/tháng và 2 ngày/lần, dẫn đến khả năng thu hồi công nợ, tái sản xuất của các cơ sở gặp nhiều khó khăn…
Cần hành động cụ thể
Thực tế cho thấy, khó khăn lớn nhất đối với việc giải quyết tồn tại, vướng mắc của hoạt động kinh doanh xăng dầu ven biển là về đất đai và các thủ tục liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu Quyết định số 3744/QĐ-UBND ngày 4/8/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2030, giải pháp về vấn đề này đã được chỉ rõ, đó là: “UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng kế hoạch, lộ trình nâng cấp cải tạo và yêu cầu các thương nhân thực hiện; ưu tiên cho các thương nhân thuê đất mở rộng cửa hàng và ưu tiên thực hiện các vấn đề liên quan đến các thủ tục nâng cấp, cải tạo cửa hàng”.
Ngư dân Quỳnh Lưu kiểm tra ngư lưới cụ và thuyền máy trước khi ra khơi đầu năm mới. Ảnh: tư liệu |
Bên cạnh đó, ngày 7/11/2017, UBND tỉnh có Văn bản số 658/TB-UBND về thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Xuân Đại tại buổi làm việc bàn phương án tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Tại Thông báo số 658, đã nêu khá rõ các giải pháp để chỉ đạo các cấp, ngành liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thực hiện; tiến độ đề ra là đến ngày 30/6/2017 phải hoàn thành.
Qua đó, thấy rõ việc giải quyết tồn tại, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh xăng dầu ven biển của chính quyền các huyện, thị là còn quá chậm. Các khó khăn mà chính quyền các huyện, thị xã có biển đã nêu ra ở trên là thực tế.
Tuy nhiên, dẫn đến không hoàn thành tiến độ mà tỉnh đã chỉ đạo, cần phải đánh giá lại trách nhiệm của một số bộ phận phòng ban và chính quyền các xã có liên quan. Bởi câu chuyện xảy ra ở xã Tiến Thủy là một thực tế hiển hiện cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tổng hợp các báo cáo việc thực hiện tháo gỡ tồn tại, vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu của các huyện, thị xã có biển gửi về Sở Công Thương thời gian gần đây, đều có những kiến nghị, đề xuất để được tháo gỡ khó khăn. Đó là đề nghị tỉnh xem xét, với các cửa hàng xăng dầu ven biển thì không yêu cầu chuyển đổi, đăng ký biến động sang đất sản xuất, kinh doanh; Chấp thuận hiện trạng cửa hàng để đưa vào quản lý (kể cả diện tích cửa hàng), vì không thể thay đổi hiện trạng kể cả thiết kế phòng cháy chữa cháy; Không bắt buộc khảo sát, thiết kế, phê duyệt lại phương án phòng cháy chữa cháy vì các thiết bị đã được lắp đặt, hơn nữa trước đây đã được Sở Thương Mại (nay là Sở Công Thương) cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu…; nếu hiện tại kiểm tra đánh giá vẫn đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy là được chấp thuận. Chỉ đạo lực lượng PCCC tăng cường hơn công tác kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo an toàn phòng cháy đối với các cửa hàng; Cho phép các xã ven biển kiểm tra, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất để bố trí khu đất sản xuất kinh doanh; Gia hạn cho các doanh nghiệp đang thực hiện việc nâng cấp, cải tạo và di dời nhưng gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính và điều kiện thời tiết nên chưa hoàn thành... |