Lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo của người đàn ông mắc ung thư
- 09:54 07-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chuyện làm đơn xin rút ra khỏi diện hộ nghèo không quá xa lạ với người dân huyện vùng cao Con Cuông, bởi vài năm gần đây đã có đến hàng chục hộ thực hiện. Nhưng xin rút khỏi diện hộ nghèo khi đang trong quá trình điều trị ung thư có lẽ anh Lương Văn Quang (SN 1971) là người đầu tiên.
Nhà anh Quang ở bản Đồng Thắng, xã Thạch Ngàn (Con Cuông), xung quanh là những dãy núi và khe suối bao bọc. Hôm chúng tôi tìm đến, anh cũng vừa từ bệnh viện trở về sau đợt hóa trị nên nước da tái mét, thần sắc ốm yếu và giọng nói thường bị ngắt quãng lúc chuyện trò. Anh cho biết, năm 18 tuổi anh lập gia đình với chị Lô Thị Hiền (SN 1972) và sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái).
Vợ chồng anh Lương Văn Quang bên tập giấy tờ liên quan việc điều trị căn bệnh ung thư dạy dày trong suốt thời gian hơn 2 năm qua. Ảnh: Công Kiên |
Vùng đất Thạch Ngàn xưa nay nổi tiếng bởi sự cách trở và nghèo khó, chỉ có một ít ruộng nước nằm dọc khe suối và những quả đồi bạc màu vì canh tác nương rẫy từ bao đời nay. Quanh năm bám lấy ruộng nương để làm ăn, vợ chồng anh Quang có được cuộc sống tạm ổn, cách đây khoảng 3 năm, với số tiền tích cóp được, vợ chồng anh quyết định vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà cấp 4.
Khi nhà vừa hoàn thành, anh Quang thấy bụng ậm ạch khó chịu, rồi những cơn đau dữ dội xuất hiện với tần suất ngày càng cao. Bệnh viện đa khoa Khu vực Tây Nam kết luận bị viêm dạ dày, nhưng điều trị mãi, hết thuốc Tây đến thuốc Bắc, thuốc Nam bệnh vẫn không thuyên giảm. Xuống Bệnh viên Ung bướu Nghệ An xét nghiệm sinh thiết và kết quả cho biết anh bị ung thư dạ dày.
Từ khi phát hiện mắc căn bệnh ung thư, tài sản tích lũy được sau bao nhiêu năm làm lụng vất vả lần lượt “đội nón ra đi”, từ trâu, bò, lợn, gà đến lúa, ngô đều phải bán đi để lấy tiền điều trị. Đến khi gia tài khánh kiệt, chị Lô Thị Hiền chạy vạy khắp nơi để với quyết tâm giành lấy người chồng yêu thương từ tay tử thần, các con cũng ra Bắc, vào Nam làm công nhân kiếm tiền chữa chạy cho bố.
Đơn thuốc điều trị ung thư dạn dày của anh Lương Văn Quang. Ảnh: Công Kiên |
Thương hoàn cảnh anh Quang, năm ấy Ban quản lý và nhân dân bản Đồng Thắng thống nhất bình xét cho gia đình anh vào diện hộ nghèo để nhận được sự ưu đãi trong khám và điều trị bệnh. Trong lúc khó khăn, túng thiếu, bệnh tật trầm trọng, đó là một chiếc “phao cứu sinh”, là một sự chia sẻ vô cùng quý giá, thể hiện sự thương yêu, đùm bọc của cộng đồng.
Đến nay, sau hơn hai năm với 1 lần phẫu thuật, 8 lần hóa trị, tế bào ung thư trong cơ thể anh Quang đang được kiểm soát, có thể nói tạm thời anh đã thoát khỏi bàn tay tử thần. Nhưng hàng tháng, anh vẫn phải xuống bệnh viện để kiểm tra diễn tiến của bệnh, nhận thuốc về nhà uống và tiêm đều đặn hàng ngày.
Là người trụ cột của gia đình, từ khi lâm bệnh anh Quang không còn làm được việc gì, chị Hiền phải thay chồng gánh vác mọi công việc. Gia sản bao năm gây dựng được chỉ còn ngôi nhà cấp 4 trống hoác, anh chị quyết định vay vốn mua trâu, mua lợn để phát triển chăn nuôi và làm lại từ đầu. Chị Hiền vốn chịu thương, chịu khó, suốt ngày lam lũ với công việc, gắng hết sức vì cuộc sống gia đình.
Đơn thuốc điều trị ung thư dạn dày của anh Lương Văn Quang. Ảnh: Công Kiên |
Trời thương, không phụ công lao của chị, con trâu đã sinh được nghé hơn gần 1 năm tuổi, đàn lợn đã phát triển lên 6 con. Ngoài đồng, cây lúa, cây ngô và cây sắn cũng luôn phát triển tốt, cho gia đình nguồn thu nhập khá ổn định. Cùng với đó, các con đang làm công nhân ở Hà Nội, Vĩnh Phúc cũng chăm chỉ làm ăn, hàng tháng đều gửi tiền về giúp đỡ bố mẹ.
Bệnh tình thuyên giảm, kinh tế gia đình đang dần ổn định, anh Lương Văn Quang bàn bạc với vợ về việc xin ra khỏi diện hộ nghèo. Ban đầu, chị Hiền tỏ ra phân vân, nhưng trước lý lẽ thuyết phục của chồng, chị lập tức ủng. Lá đơn của anh Quang có đoạn: “... Trong những năm qua, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, bản thân tôi mắc bệnh ốm đau liên tục phải đi viện điều trị lâu dài.
Gia đình lâm vào cảnh đặc biệt khó khăn. Được sự quan tâm của cấp trên, trong những năm qua đã xét cho gia đình tôi được diện hộ nghèo, được Đảng, Nhà nước ưu tiên các chính sách đối với hộ nghèo. Trong những năm tôi đi điều trị bệnh cũng được bệnh viện miễn giảm một số kinh phí.
Đến nay bản thân tôi cảm thấy bệnh tình cũng có phần bớt giảm, hoàn cảnh gia đình cũng cảm thấy đỡ hơn. Vào cuối năm nay có đợt điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 – 2018, tôi đã bàn bạc với gia đình thống nhất rút ra khỏi hộ nghèo để bớt phần gánh nặng cho thôn, xã...”.
Chị Lô Thị Hiền (vợ anh Quang) chăm sóc trâu để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: Công Kiên |
Anh Quang cho chúng tôi xem tập giấy tờ, nào bệnh án, giấy chuyển viện, kết quả xét nghiệm và hàng chục đơn thuốc. Những thông tin và dữ liệu ấy nói lên rằng việc chiến đấu với bệnh tật của anh còn lắm vất vả, gian nan và chưa biết khi nào sẽ đến hồi kết.
Nhưng người đàn ông ấy vẫn đầy bao dung và tự tin chia sẻ: “Có đi bệnh viện mới biết nhiều người còn có hoàn cảnh éo le, và ngay trong bản vẫn có những hộ khó khăn hơn mình. Vì thế, tôi bàn với vợ xin ra khỏi diện hộ nghèo để dành sự ưu đãi cho những người khó khăn hơn, vừa tạo động lực để mình vượt lên trong cuộc sống”.
Ông Võ Đình Thành – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Ngàn cho biết: “Lãnh đạo xã đã nhận được đơn của anh Lương Văn Quang, quan điểm của chúng tôi là khuyến khích bà con nhân dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại nhà nước, nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo. Gia đình anh Quang có thể xem là một điển hình, là tấm gương để mọi người học tập”.
Ông Thành cho biết thêm, với hộ anh Quang, khi có chương trình, chính sách vay vốn hỗ trợ sản xuất và phát triển kinh tế, xã sẽ lưu ý quan tâm, tạo điều kiện để được tiếp cận.