Chi trả hơn 1 tỷ đồng tiền tàu xe cho giáo viên bị chậm trong 3 năm
- 20:58 06-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 6/12, UBND huyện Tương Dương cho biết, huyện này đang tiến hành chi trả tiền tàu xe cho giáo viên tại hàng chục trường học trên địa bàn bị “quên” trong giai đoạn 2014 - 2016. Tổng số tiền chi trả chậm này lên đến hơn 1 tỷ đồng.
“Huyện cũng đã thành lập hội đồng để rà soát toàn bộ chính sách của ngành giáo dục trong giai đoạn này để tránh bị thiếu sót. Việc rà soát dự kiến sẽ kết thúc trước ngày 15/12” - ông Vy Mĩ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương nói.
Động thái này được đưa ra sau khi nhiều giáo viên phản ánh rằng họ vẫn chưa nhận được phụ cấp thanh toán tàu xe từ năm 2014 đến nay.
Trong khi đó, huyện Tương Dương có diện tích hơn 280.000 hecta, là huyện có diện tích tự nhiên rộng nhất nước; gấp hơn 3 lần tỉnh Bắc Ninh và gần gấp đôi tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, địa bàn bị chia cắt bởi những lòng hồ thủy điện, núi hiểm trở, khiến việc đi lại của người dân nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng gặp nhiều khó khăn.
Tương Dương là huyện rộng nhất nước, địa bàn lại bị chia cắt bởi lòng hồ thủy điện, núi non hiểm trở nên việc đi lại của giáo viên cũng như người dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh. Tiến Hùng |
Làm việc với 57 trường học trên địa bàn, UBND huyện Tương Dương xác định, có 29 trường đến nay vẫn chưa chi trả phụ cấp tàu xe của năm 2014, với số tiền gần 440 triệu đồng. Năm 2015, con số này là 10 trường với hơn 60 triệu đồng. Năm 2016, 26 trường chưa chi trả với số tiền gần 520 triệu đồng.
Theo Nghị định 116/2010/CP, các giáo viên phục vụ tại các địa bàn đặc biệt khó khăn được hưởng 7 khoản phụ cấp, trợ cấp gồm phụ cấp thu hút; công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu; chuyển vùng; ra khỏi vùng khó khăn hoặc nghỉ hưu; tham quan, học tập bồi dưỡng chuyên môn và khoản tiền thanh toán tàu xe đi và về thăm gia đình trong kỳ nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, Tết.
Giáo viên dạy học tại một điểm trường gần biên giới ở huyện Tương Dương. Ảnh. Tiến Hùng |
Trần tình về việc chậm chi trả khoản tiền này cho giáo viên, ông Vy Mỹ Sơn cho hay, tất cả những chính sách này đều được giao dự toán từ đầu năm nhưng trong quá trình sử dụng kinh phí được cấp hàng năm, các trường không phân khai chi tiết từng mục chi cụ thể, dẫn đến có mục thì thừa, có mục thì thiếu.
“Trong báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của các trường không thể hiện số tiền đang còn thiếu của chế độ tiền tàu xe, hơn nữa UBND huyện cũng không nhận được văn bản đề nghị cấp bổ sung” - ông Sơn nói và cho hay, công tác rà soát các chế độ giữa Phòng Tài chính kế hoạch với các đơn vị dự toán hàng năm cũng không kịp thời, không thường xuyên theo yêu cầu của UBND huyện.
Thừa nhận việc huyện cấp chưa đủ kinh phí để chi trả toàn bộ chính sách này trong các năm qua, tuy nhiên vị Phó Chủ tịch UBND huyện nói rằng, trong trường hợp này, nhà trường nên linh động hơn.
“Ví dụ như huyện mới chỉ cấp được 70% kinh phí trong một năm thì nhà trường cũng phải lên danh sách, làm sao để rải đều để chính sách nào cũng được trả. Có thể mỗi chính sách tạm thời chỉ trả 70% số tiền cho giáo viên đã. Tuy nhiên, khi cấp tiền xuống, nhà trường lại chia đủ hết, đến khi dồn lại thì còn khoản cuối cùng chưa có” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, một hiệu trưởng xin được giấu tên cho rằng, huyện đổ lỗi cho các trường là không đúng. “Hàng năm, Phòng Tài chính kế hoạch không lập danh sách chi tiết mà chỉ cấp cho một cục tiền về cho các trường để các trường tự chia. Trong khi, kế toán trường đã lập dự toán, danh sách chi cụ thể mang lên lại bị gạt. Ngoài ra, số tiền cấp về cũng không đủ, một số trường chỉ đủ chi trả khoảng 25% thì làm sao mà nhà trường xoay sở được” - vị hiệu trưởng bức xúc.
Trước đó, ngày 17/11, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy đã công bố kỷ luật hai đảng viên có vi phạm trong việc chậm chi trả hơn 5,6 tỷ đồng tiền hỗ trợ học sinh nghèo ở huyện Tương Dương.
Theo đó, ông Trịnh Minh Châu - nguyên Chủ tịch UBND huyện bị khiển trách, ông Vang Kiên Cường, Trưởng Phòng Tài chính kế hoạch huyện bị cảnh cáo.
Trong năm học 2013 - 2014, Phòng Tài chính kế hoạch Tương Dương không chuyển hơn 5,6 tỷ đồng cho Phòng Giáo dục đào tạo huyện để chi trả cho học sinh mà sử dụng sai mục đích. Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy xác định ông Trịnh Minh Châu - vào thời điểm năm 2015 là Chủ tịch UBND huyện - thực hiện không đúng các quy định về chính sách an sinh xã hội.
Ông Vang Kiên Cường là người chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác tham mưu để xảy ra các sai phạm. Ngoài ra, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy còn phê bình nhắc nhở đối với lãnh đạo UBND huyện Tương Dương có liên quan trong giai đoạn 2013 - 2015, đồng thời yêu cầu kiểm điểm và đề nghị lãnh đạo huyện cho thôi chức ông Cường.