Cộng đồng nói về đề xuất bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi SGK: Không nên dùng chuẩn mực đạo đức hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội xưa
- 15:18 06-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những ngày gần đây, đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền đăng trong cuốn sách vừa xuất bản đã gây nhiều tranh cãi dữ dội trong dư luận. Tuy nhiên, câu chuyện này chưa kịp lắng xuống thì mới đây, ý kiến loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" ra khỏi sách giáo khoa để tránh tác động xấu đến mặt nhận thức của học sinh của anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia) lại khiến nhiều người xôn xao, đồng thời nổ ra làn sóng tranh cãi gay gắt.
Theo anh Nguyễn Sóng Hiền cho rằng, nhiều nhà phê bình văn học đã cho rằng Chí Phèo đại diện cho tầng lớp nông dân bị lưu manh hoá, nhưng đây là một nhận xét phiến diện, mang tính áp đặt. Về khía cạnh giáo dục, thì hành động của Chí Phèo là đáng lên án và cần phê phán.
Theo quan điểm của anh Sóng Hiền thì dù đánh giá ở khía cạnh nào đi nữa, Chí vẫn là kẻ xấu.
Anh Nguyễn Sóng Hiền, nghiên cứu sinh tiến sĩ Trường ĐH Newcastle (Australia). |
Hình ảnh nhân vật Chí Phèo và Thị Nở trong bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy" |
Ngay khi thông tin về đề xuất loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo" của nhà văn Nam Cao ra khỏi chương trình Ngữ Văn lớp 11 xuất hiện trên mạng xã hội đã khiến nhiều người xôn xao. Đồng thời cũng nổ ra những cuộc tranh cãi, bày tỏ ý kiến xung quanh đề xuất của vị nghiên cứu sinh tiến sĩ này.
Trong con người Chí Phèo vẫn còn khát vọng của lương thiện
Rất nhiều người cho rằng không thể loại bỏ tác phẩm "Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK bởi tác phẩm này mang ý nghĩa thời đại, tiêu biểu cho giai tầng khi nó ra đời.
Trong group của một CLB Nghệ Ngữ trên facebook, nhiều thành viên cũng đưa ra quan điểm của mình về việc này.
Tài khoản T.T. bày tỏ quan điểm, "Bất cứ dòng Văn học nào cũng có những hạn chế nhất định của nó. Từ Văn học dân gian đến văn học hiện đại đều có những giá trị phản ánh xã hội đương thời rất lớn, tất nhiên nó cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Nhưng muốn hay không muốn, mỗi giai đoạn lịch sử văn học đều có những tác phẩm,tác giả thể hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình. Vậy vì lý do gì mà phải bỏ Chí Phèo? Đây là một tác phẩm thuộc văn học hiện thực phê phán. Đó là một tác phẩm văn học hiện thực điển hình cho xã hội nông thôn trước cách mạng tháng 8/1954. Không những thế tác phẩm có những giá trị nhân đạo hết sức sâu sắc, mới mẻ đối với con người trong mọi thời đại".
Nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh đề xuất này, người cho rằng "Chẳng có gì đáng cho các em học từ tác phẩm này" nhưng cũng có nhiều ý kiến bênh vực. |
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng Chí Phèo chính là nhân vật điển hình của thời đại lúc bấy giờ đã được nhà văn Nam Cao hình tượng hóa không phải chỉ có lưu manh, mà sâu thẳm trong đó vẫn có cả sự lương thiện. "Chí Phèo là nhân vật của thời đại. Cái thời mà người lương thiện bị dồn vào bước đường bần cùng hóa. Khi dạy tác phẩm "Chí Phèo" thì phải đặt nó vào trong hoàn cảnh lúc bấy giờ mới thấy được hết dụng ý nghệ thuật của Nam Cao. Nói tác phẩm là quá trình lưu manh hóa thì hơi phiến diện. Trong con người Chí Phèo vẫn còn sự lương thiện, nói đúng hơn khát vọng của lương thiện. Chính điều đó mà cho đến nay tác phẩm này vẫn còn nguyên vẹn giá trị tư tưởng".
Nam cao đã dùng tác phẩm để lên án phê phán xã hội thực dân nửa phong kiến, để thông cảm với số phận con người khi bị dồn vào chân tường. Bỏ tác phẩm khỏi chương trình Ngữ văn lớp 11 là việc làm không nên. Vì trong gia tài văn chương cận đại Việt Nam, nhắc đến Nam Cao là ta nghĩ ngay đến Chí Phèo. Đọc Chí Phèo để ta nhận thức thêm về người nông dân trong cái quy luật của "con giun xéo lắm cũng quằn", tài khoản T.P nêu ý kiến.
Không nên dùng chuẩn mực đạo đức hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội xưa
Đồng thời nhiều người cho rằng không nên lấy quy chuẩn đạo đức, lối sống và đạo đức của thời hiện đại để đánh giá một tác phẩm xưa. ""Chí Phèo" là một tác phẩm hiện thực phê phán thời phong kiến xưa, do vậy không nên sử dụng văn hóa, chuẩn mực đạo đức của thời hiện đại để phán xét câu chuyện của xã hội thực dân nửa phong kiến trong tác phẩm văn học thời xưa. Việc loại bỏ tác phẩm này ra khỏi SGK thực xự không được bởi nó vẫn mang giá trị giáo dục cao", tài khoản D.K. bình luận.
Nhân vật Chí Phèo trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy. |
Trước ý kiến của anh Sóng Hiền cho rằng việc dạy tác phẩm "Chí Phèo" sẽ có tác động xấu đến nhận thức của học sinh THPT, tài khoản H.P đã phản bác lại ý kiến này, "Chí Phèo chính là một sản phẩm của xã hội xưa, khi con người bị bần cùng hóa. Khi đưa tác phẩm này vào chương trình PTTH giúp học sinh hiểu được lối hành văn và có thêm kĩ năng viết văn và miêu tả nhân vật. Khi giảng dạy, giáo viên đâu nhấn mạnh tính cách xấu của anh Chí như rạch mặt ăn vạ, hay cưỡng bức Thị Nở mà chỉ mượn hình tượng Chí Phèo để phản ánh hiện thực xưa, mang ý nghĩa thời đại. Nhân vật Chí Phèo như một hình tượng hư cấu trong nghệ thuật nên nếu đứng trên quan điểm của ngày hôm nay để phán xét e rằng thiên lệch".