Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An: Nhiều đơn vị không khai báo khi lao động nghỉ chế độ thai sản

Hàng trăm lao động nghỉ chế độ thai sản trong năm 2016, nhưng các đơn vị không thông báo cho cơ quan chức năng, dẫn tới hơn 1,5 tỉ đồng ngân sách Nhà nước bị chi sai. Trước thực tế này, UBND huyện Tương Dương đã ra quyết định thu hồi, nhưng việc thu được tiền không dễ…

Vừa hưởng chế độ thai sản vừa hưởng lương

Năm 2016, UBND xã Tam Đình có bà Lô Thị Hải, công chức tư pháp hộ tịch; bà Lương Thị Huệ, công chức kế toán nghỉ sinh, hưởng chế độ thai sản. Tuy nhiên, UBND xã không báo cáo với UBND và các cơ quan chức năng của huyện, dẫn đến việc, trong thời gian nghỉ chế độ thai sản, tiền lương của bà Hải, bà Huệ vẫn được chuyển về UBND xã Tam Đình. Vì lí do này, UBND huyện có quyết định thu hồi hơn 29 triệu đồng vì đã chi sai mục đích.

Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình cho biết: “Bà Hải và bà Huệ nghỉ hưởng chế độ thai sản, nhưng tiền lương của họ vẫn được chuyển về, cơ quan dùng để chi trả tiền công cho những người làm thay, phần còn lại họ vẫn được nhận”. Hỏi, tại sao lại làm vậy? Ông Thắng phân bua: “Tôi mới lên nhận nhiệm vụ, trước làm thế nào thì giờ tôi làm theo như thế”.

Theo kết quả thanh tra của huyện Tương Dương, có rất nhiều xã, thị trấn, trường học có vi phạm như trên. Đáng lưu ý, khối các trường học có số lượng lớn trường hợp nghỉ hưởng chế độ thai sản, nhưng không báo cắt tiền lương.

 UBND xã Tam Đình, nơi có 2 công chức vừa hưởng chế độ thai sản vừa được nhận lương

Ông Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Thái cho biết: “Năm 2016, nhà trường có 3 trường hợp nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản, bị truy thu 53 triệu đồng. Nguyên nhân, khi 3 trường hợp này nghỉ sinh, nhà trường không làm thủ tục báo để cắt lương, tiền đứng lớp. Trường dùng tiền đứng lớp của 3 cô, để hợp đồng thêm giáo viên đứng lớp thay trong thời gian các cô nghỉ sinh”. Đề cập đến trách nhiệm để xảy ra sai sót này, ông Thái cho rằng: “Lẽ ra nhà trường phải chủ động báo lên khi 3 cô nghỉ sinh, nhưng đã không làm. Chúng tôi cũng chủ quan, vì không thấy ai nhắc nhở nên quên”.

Theo quy định, các đơn vị khi có lao động nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản, phải thông báo cắt giảm quỹ tiền lương. Tuy nhiên, các đơn vị không khai báo, tự ý thuê người làm thay, dẫn đến việc chi sai đối tượng.

Trả lời thắc mắc: Vì sao là cơ quan thực hiện quản lí chi trả chế độ bảo hiểm xã hội là Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương lại không nắm rõ được tình hình? Ông Nguyễn Công Hoà, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Tương Dương cho rằng: “Các đơn vị lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản và khi đủ hồ sơ, đủ điều kiện thì chúng tôi giải quyết. Chúng tôi không kiểm soát được việc các đơn vị báo cáo cắt giảm, trách nhiệm này là của chủ sử dụng lao động. Những trường hợp nào huyện yêu cầu thu hồi, là do nhận một lúc 2 chế độ (chế độ thai sản và tiền lương – PV).

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương thẳng thắn: “Đúng là có dấu hiệu trục lợi ngân sách. Trách nhiệm để xảy ra sai sót này là của chủ sử dụng lao động, kế toán các đơn vị”.

Khó thu hồi

Theo tổng hợp, trong năm 2016, toàn huyện Tương Dương có 108 trường hợp tại 52 đơn vị (các trường học và các xã, thị trấn) nghỉ sinh hưởng chế độ thai sản. Do không báo cắt giảm, nên trong quá trình thẩm định quyết toán ngân sách, Hội đồng thẩm định quyết toán ngân sách huyện kiểm tra, phát hiện dấu hiệu vi phạm trong việc sử dụng sai mục đích số tiền thai sản, nên kiến nghị UBND huyện thu hồi. Ngày 28/9/2017, UBND huyện ra Quyết định số 1062, thu hồi hơn 1,5 tỉ đồng tiền chi sai chế độ.

Thế nhưng, việc thu hồi khoản tiền chi sai này đang gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Hưng Thái nói: “Tôi cho rằng khó thu lại, vì những đối tượng hợp đồng dạy thay này đã nghỉ, hoặc chuyển đi nơi khác. Nếu họ đang giảng dạy trong trường cũng khó khăn trong truy thu, vì tiền thì họ đã hưởng và chi tiêu rồi”. Ông Vi Văn Thắng cũng nói: “Chúng tôi đang vận động 2 bên góp vào để trả, nhưng thấy cũng khó khăn”.

Ông Vang Kiên Cường, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch huyện đánh giá: “Sai phạm ở đây là công tác quản lí ngân sách không đúng, trách nhiệm tham mưu của kế toán không trung thực. Họ sử dụng tiền này để mua sắm cơ sở vật chất và thuê người làm thay”. Về phương án giải quyết, ông Cường cho biết: “Nếu đơn vị nào không đồng ý, cần có văn bản phản ánh để huyện biết. Có thể chúng tôi sẽ thu hồi bằng việc giảm dự toán, nếu đơn vị nào đã mua sắm cơ sở vật chất, thì chúng tôi sẽ kiến nghị huyện xem xét”.

Ông Nguyễn Văn Hải nói thêm: “Quan điểm của huyện là phải xử lí nghiêm túc, bằng việc thu hồi những khoản chi không đúng. Nếu các đơn vị nói khó thu, thì họ phải tự bồi thường số tiền này. Các đơn vị không nghiêm túc thực hiện, chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc”.