Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Sống ngột ngạt bên trại lợn ô nhiễm

Năm 2010, trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc đưa vào hoạt động tại khu vực đồi Cột Cờ, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Từ đó, hàng chục hộ dân quanh đây chấp nhận sống chung với... phân lợn.

Trại lợn ở vị trí không hợp lý

Theo người dân xã Nam Hưng, trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc nằm ở vị trí không hợp lý. Toàn bộ trại chăn nuôi, khu hành chính nằm trên đồi Cột Cờ, thượng nguồn đập Ba Khe, chảy ra đập Tràng Đen. Đây là đập thủy lợi cấp nước sản xuất cho hầu hết diện tích đất nông nghiệp trong xã và còn ảnh hưởng lớn đến nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân.

 Trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc nằm ở thượng nguồn đập Ba Khe

Người dẫn đường nói với chúng tôi: “Anh đi hôm nay, trời hửng thế này không thấy trại lợn xả thải đâu. Trời mưa, họ lợi dụng xả ra đập mới gây ô nhiễm”. Dù trại lợn nằm cách QL15A và khu dân cư chưa đến 1 km nhưng mất 1 giờ đi bộ vòng đường mòn, chúng tôi mới tiếp cận được. Đúng như lời người dẫn đường, trời tạnh mưa, hửng nắng nên hoạt động xả thải im ắng. Tuy nhiên, mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc.

Theo quan sát, trại lợn có khu xử lý biogas, nằm ở phía trên cùng. Vị trí xả thải dẫn ra hồ lóng nằm trong hàng rào dây thép gai và chảy ra đập Ba Khe khuất dưới lùm cây lớn không thể quan sát được miệng cống. Chỉ biết, ngay phía dưới điểm xả thải, một hố nước chừng vài chục m2 nước sủi tăm, đóng váng bốc mùi nồng nặc. Thượng nguồn đập Ba Khe là dòng nước thải chảy nhẹ, màu đen ngòm đang chảy ra đập Tràng Đen.

 Hệ thống biogas trong trại lợn vẫn không xử lý hết ô nhiễm

Từ trại lợn, theo đường chim bay chỉ cách tượng đài 13 thanh niên xung phong Truông Bồn (huyện Đô Lương) chừng 3km. Hiện tỉnh Nghệ An đang đầu tư đường 15A mới vắt qua ngọn núi sát lưng trại lợn. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và tâm lý du khách khi hành hương về khu di tích.

Ông H (xin giấu tên), đã sống gần hết cuộc đời tại xóm Tiền Phong bức xúc: “Ngày xưa, đập Tràng Đen là nơi trẻ con, người lớn tắm rửa, giặt giũ, quanh năm nước trong xanh. Nhưng giờ đây, lội xuống là chân tay nổi mẩn ngứa, nước đen ngòm. Ban đêm chúng tôi thường phải dùng giẻ bịt kín các chỗ hở để mùi hôi thối không bay vào nhà. Sống ở đây ngột ngạt lắm, không chịu nổi”.  

Dân phản đối gay gắt ngay khi lập dự án

Người dân xã Nam Thái khẳng định, ngay từ khi dự án phê duyệt đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía nhân dân. Tuy nhiên, bất chấp người ta vẫn triển khai. “Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi không đồng tình làm dự án. Đấu tranh mãi nhưng trại lợn chỉ cách khu dân cư chưa đến 1 km vẫn được xây dựng. Nghe nói, chủ trại lợn là một người có thế lực nên mọi sự can thiệp đều vô nghĩa”, một người dân nói.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho biết, phản ánh của người dân là có cơ sở. Tuy nhiên, địa phương chưa ghi nhận việc xả thải trộm chất thải chưa qua xử lý ra đập Ba Khe. Năm 2010, dự án chưa hòan thiện nhưng vẫn đi vào hoạt động.

Khi đó, Công ty Đại Thành Lộc dùng công nghệ xử lý môi trường do Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh phê duyệt nhưng vẫn gây ô nhiễm. Năm 2013-2014, Cty phải thay công nghệ xử lý nước thải mới nhưng không cải thiện được là bao.

 Điểm xả thải của trại lợn, nước đóng váng bốc mùi hôi thối

“Từ khi hoạt động đến nay, Công ty Đại Thành Lộc đã 2 lần bị lập biên bản, xử phạt 330 triệu đồng. Năm 2016, hệ thống xử lý nước thải của công ty được kết luận đạt chuẩn nhưng tháng 8/2017 lại bị phạt 60 triệu đồng vì nước thải sinh hoạt chưa đưa vào hệ thống xử lý; đường dẫn nước thải trong trại để lộ thiên; hệ thống chuồng trại, quạt chưa đảm bảo, bốc mùi hôi thối; chưa có hệ thống xử lý phân sau thu gom; chưa có lò xử lý lợn chết. Cơ quan chức năng yêu cầu khắc phục trong vòng 90 ngày nhưng vẫn chưa xong”, ông Xuân cho biết.

Cũng theo ông Xuân, trại lợn của Công ty Đại Thành Lộc có quy mô 2.200 lợn nái, 30-40 lợn đực giống, 2.000-3.000 lợn thịt. Năm 2016, cơ quan chức năng về phân tích mẫu nước tại 3 điểm thì chỉ 1 điểm đạt tiêu chuẩn. Tháng 8/2017, cơ quan chức năng tiếp tục lấy mẫu nước nhưng UBND xã Nam Hưng không được nhận kết quả.

Một cán bộ xã Nam Hưng cho biết: “Lúc triển khai dự án, người dân kịch liệt phản đối. Nhưng thường vụ Huyện ủy Nam Đàn lúc đó “ép” nên chúng tôi phải chấp nhận. Chứ bản thân chúng tôi thấy trại lợn nằm ở vị trí này không ổn”. 

 Màu nước đen ngòm đổ ra đập Tràng Đen

Các bà Trần Thị Thới, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Mùi... là những hộ dân sống ngay sát trại lợn. Không chỉ không khí nặng mùi mà nước giếng cũng có mùi khang khác.

“Năm trước thấy các đoàn về lấy mẫu nước đi kiểm nghiệm nhưng không báo kết quả về. Giờ chúng tôi vẫn phải sống chung với hôi thối, nước giếng ô nhiễm nhưng không biết dời đi đâu. Tháng 4/2017, cá trên đập Ba Khe nổi chết hàng loạt. Sau đó, trại lợn có thả bèo Nhật Bản nhưng tình hình cũng không cải thiện là bao”, bà Trần Thị Thới cho biết.