Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nghĩa trang "không tên" xây bằng tình người

Tại nghĩa trang giáo xứ Thượng Lộc (gồm các xóm 8,9,10 của xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), có một khu vực tập trung nhiều ngôi mộ không có tên. Đó là những ngôi mộ không có người thân, không ai chăm sóc nhưng đã được những tấm lòng hảo tâm quy tụ về đây yên nghỉ “mồ yên mả đẹp”.

Đặt nhẹ bước chân trên con đường bê tông nhỏ chạy giữa chia đôi nghĩa trang giáo xứ Thượng Lộc chắc nhiều người không khỏi trào lên niềm xúc động. Phía tây nghĩa trang lớn của giáo xứ, một khu đất như một nghĩa trang quần tụ khoảng 5 trăm ngôi mộ không gắn bia ghi tên, nhỏ nhắn được xây cất gọn gàng, ngang hàng thẳng lối. Trên thảm bê tông rộng khoảng 500 m2, mỗi hàng mộ xếp thứ tự 25 ngôi, dóng mắt hàng ngang hay hàng dọc đều thẳng tắp. Hơn 1/2 số mộ trong nghĩa trang nhỏ kia đã được ốp gạch men đúc sẵn, số còn lại được xây bằng xi măng sơn màu xanh lá cây. Giữa nghĩa trang là một bàn thờ chung có bát hương, hai bình hoa hai bên, trong bình những bông hoa vẫn còn tươi sắc.

Nghĩa trang nhỏ này nằm cạnh nghĩa trang lớn (nơi an táng người đã khuất của các dòng tộc trong giáo xứ Thượng Lộc), lọt giữa vườn keo chừng 5 năm tuổi. Không gian nơi này không u tịch, thâm nghiêm nhưng cảnh thường gặp ở những nghĩa trang khác. Cảnh sắc ở đây rất gần gũi với cuộc sống, những ngôi mộ có chiều dài khoảng 60 cm, chiều rộng 35 cm xinh xắn nằm chỉ cách vườn nhà người dân xóm 8, xã Nghi Vạn chừng chưa đến năm mươi mét. Hàng trăm ngôi mộ ở nghĩa trang toát lên một màu như tấm thảm phản ánh xanh trong nắng chiều.

 Hàng trăm ngôi mộ tại nghĩa trang người dân tự bỏ công sức, tiền bạc xây cất


Tôi đến nhà ông Trần Xuân Nghiêm ở giáo xứ Thượng Lộc (xóm 8, xã Nghi Vạn). Trong ngôi nhà hai tầng khang trang, tiếp chúng tôi là một người đàn ông tuổi ngoại lục tuần, dáng người dong dỏng. Trong hơi ấm của những cốc chè xanh vẫn được giữ ấm trong thời khắc chiều muộn, ông Trần Xuân Nghiêm hồi tưởng.

Trước đây, chưa có nghĩa trang tập trung, những ngôi mộ ấy nằm rải rác khắp các cánh đồng trên giáo xứ Thượng Lộc (các xóm 8,9,10 xã Nghi Vạn). Gia đình ông cùng với gia đình ông Trần Xuân Tiềm, gia đình ông Trần Xuân Liêm đã phối hợp với nhiều người trong giao xứ cùng nhau cất bốc quy tập về một chỗ là nghĩa trang bây giờ. Họ đã nhiều ngày đào tìm bằng thủ công những gò đất nghi ngờ có hài cốt của người đã khuất để gom nhặt quy tụ về một nơi để họ được gần nhau bớt bơ vơ hoang lạnh giữa đồng đất lúa quanh năm ngập nước.

Năm 2013, con trai ông Trần Xuân Nghiêm đi nước ngoài làm ăn gửi về cho ông 50 triệu đồng để sửa nhà. Khi đó ngôi nhà cấp 4 của ông đã xập xệ, trời nắng thì ở được, mưa gió phải huy động thau xô đầy nhà hứng nước. Nhận được tiền mừng lắm, nhưng ông lại bàn với vợ là bà Phạm Thị Dương: “gia đình ta nhiều năm sống trong căn nhà này rồi, có xuống cấp thì vẫn đang ở được, thương cho những nấm mộ ngoài kia không ai chăm sóc, trâu bò giẫm đạp quanh năm hay là chúng ta để tiền này xây nhà cho họ trước”, nói ra ông cứ vẫn nghĩ đàn bà hay tính chuyện sâu xa chắc gì vợ ông đã đồng ý.

Nhưng khi ông đặt vấn đề bà rưng rưng nước mắt đồng thuận với ý kiến của chồng. Bà xắn tay vào cùng chồng tất bật lo toan công tác hậu cần để xây cất nghĩa trang. Lần đầu tiên, vào năm 2013, ông Nghiêm đêm tiền đi mua lăng đúc sẵn xây được gần 300 ngôi mộ. Bà Dương nhờ anh em trong giáo xứ giúp sức và lo cơm nước cho mấy chục người ăn trong suốt cả tuần. Tất cả không ai tỏ ra mệt nhọc, họ làm việc hăng hái như lo cho vong linh người thân của mình có được một ngôi nhà nhỏ ấm áp.

  Ông Trần Xuân Khiêm (đội mũ) đang nói về ý tưởng và quá trình xây cất nghĩa trang “không tên” được xây dựng bằng tấm lòng của bà con giáo xứ Thượng Lộc


Sự khởi đầu thuận lợi đã động viên được nhiều người trong xứ đạo tham gia, đầu tiên là gia đình ông Tiềm (anh trai ông Nghiêm), tiếp đến là gia đình ông Liêm (em con chú của ông Nghiêm) cả ba gia đình đều đồng lòng cố gắng làm ấm áp nơi an nghỉ của người thiên cổ. Thấy việc làm cao cả của ba gia đình, nhiều người trong giáo xứ đã góp công vào những lần tìm kiếm, cất bốc hài cốt, di dời mồ mả.

Nhiều người bỏ công cả tuần trời đi đào xới từng nấm đất, bốc từng nắm đất đen để người âm thoát khỏi cảnh nằm chìm trong bùn nước nơi hung táng đưa về nơi cát tang khô ráo, thoáng mát. Nhìn việc làm đầy nghĩa cả của những bậc cao niên trong làng, giới trẻ trong xóm 8, 9, 10 xã Nghi Vạn đã tích cực trong việc tìm kiếm, xây cất các phần huyệt mộ.

Nhiều gia đình có con em lao động kiếm sống ở nước ngoài đã vận động họ gửi tiền về để góp vào việc nghĩa. Theo thống kê đã có gần 500 triệu đồng của các gia đình, con cháu xa gần đóng góp kinh phí để xây dựng nghĩa trang.

Gặp ông Trần Xuân Liêm, một trong những người lĩnh xướng việc làm đầy tính nhân văn này. Ông Liêm cho biết, gia đình ông cũng như bao gia đình khác thấy thương người đã khuất mà làm nghĩa trang cho họ an nghỉ. Con gái ông cũng là một trong những người hăng hái cùng cha tham gia vào công cuộc di dời và xây dựng mồ mả cho những người không thân thuộc.

Trong công tác làm nghĩa trang đặc biệt này, ông Trần Xuân Tiềm (anh trai ông Trần Xuân Nghiêm) là người có nhiều công lao trong việc vận động mọi người cùng góp công sức, huy động con cháu xa gần đóng góp tiền của xây dựng cơ sở vật chất cho nghĩa trang. Cũng như nhiều giáo dân khác, ông Tiềm quan điểm làm phúc đức đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, nghĩa là không phô trương, phải kín đáo. Ông Tiềm chia sẻ, việc xây nên nghĩa trang cho những ngôi mộ không rõ lai lịch này là công sức của mọi người trong giáo họ, không phải công lao của riêng anh em gia đình ông.

Người già thì góp công, góp tinh thần động viên con cháu tham gia, người trẻ thì góp sức lực, tiền bạc. Tất cả đều chung mong muốn cho những người đã khuất nhưng không người nhà trông nom có một nơi an nghỉ cao ráo, ấm áp vì phần lớn ruộng đồng của các xóm 8,9,10 của xã Nghi Vạn đều là ruộng lúa, bùn nước nên để họ nằm ở giữa lạnh lẽo không đành.

Chia tay những con người giàu lòng nhân ái ở giáo xứ Thượng Lộc, ấn tượng mạnh nhất đối với tôi là lời tâm sự của bà Phạm Thị Dương, vợ ông Trần Xuân Nghiêm: “ Khi con trai gửi tiền về nhìn cảnh ngôi nhà cấp bốn mà thương chồng con hàng chục năm trời vô ra trong căn nhà ọp ẹp mà muốn tu sửa, nhưng nghĩ lại cảnh hàng trăm ngôi một đắp bằng đất ở ngoài đồng ngày càng tàn tạ. Thôi, người sống còn xây được nhà cho mình ở, còn người chết có ai xây được mồ cho mình đâu nên để tiền xây nhà cho người âm trước”.

Chỉ có tấm lòng thương người của nhiều giáo dân xứ đạo Thượng Lộc mới làm nên một nghĩa trang không chỉ xây công phu bằng gạch, cát, xi măng mà cao cả hơn nó được xây dựng từ những tấm lòng nhân ái cao cả, coi người xa lạ như người thân của mình. Mạch vữa chủ đạo ở nghĩa trang nhỏ này chính là sự kết nối tình cảm gắn bó giữa người với người, giữa dương gian với cõi trường sinh.