Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đấu giá Becamex trở thành 'bom xịt'

Becamex đã đưa ra đấu giá hơn 311 triệu cổ phần nhưng chỉ có gần 19 triệu được đăng ký mua.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM vừa thông báo kết quả đấu giá cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex). Theo đó, hơn 311 triệu cổ phần được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 31.000 đồng, tuy nhiên khối lượng đấu giá thành công chỉ gần 19 triệu, chiếm hơn 6% tổng số cổ phần đấu giá.

Nhà đầu tư đặt mua khối lượng cao nhất 3,5 triệu cổ phần và thấp nhất 200 cổ phần. Trong đó các nhà đầu tư nước ngoài mua hơn 10,6 triệu đơn vị, chiếm 56% tổng số cổ phần đã bán.

Trước phiên đấu giá, đợt chào bán cổ phần của Becamex từng được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của nhiều thương vụ IPO mới thực hiện. Tuy nhiên kết quả thực tế lại cho thấy nhà đầu tư không mấy mặn mà với một tổng công ty đứng đầu về hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản tại Bình Dương.

Có nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho diễn biến bất ngờ từ phiên đấu giá này, tuy nhiên đứng đầu vẫn là vấn đề định giá. Mức giá khởi điểm 31.000 đồng cho mỗi cổ phần được đánh giá là quá cao so với hiệu quả kinh doanh và cơ cấu tài sản của tổng công ty này.

 Chỉ có hơn 6% số cổ phần đấu giá của Becamex được nhà đầu tư đăng ký mua.

Becamex là tổng công ty trực thuộc quản lý của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương. Đơn vị này không chỉ là một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam, mà còn là một tập đoàn đa ngành với hàng chục công ty thành viên trong nhiều lĩnh vực. Trong đó đứng đầu là bất động sản và hạ tầng khu công nghiệp.

Theo giới thiệu, Becamex đang sở hữu 14 khu công nghiệp, đứng đầu cả nước với tổng diện tích gần 10.500 ha, chiếm 11,4% tổng diện tích đất khu công nghiệp. Quy mô hạ tầng khu công nghiệp của Becamex cũng lớn gấp 1,5 lần so với Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), doanh nghiệp xếp hàng thứ 2.

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, mảng kinh doanh này là điểm mạnh lớn nhất của Becamex hiện tại. Liên doanh VSIP mà Becamex sở hữu 49% vốn góp cũng là một trong những nhà phát triển đứng đầu hiện nay và đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của tổng công ty.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh bất động sản lại ở chiều hướng ngược lại.

Dự án lớn nhất mà Becamex thực hiện là Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương với tổng diện tích 1.000 ha. Từng được kỳ vọng sẽ thu hút được 400.000 người, tuy nhiên dự án có quy mô gần 10 tỷ USD đang trở thành gánh nặng tài chính cho Becamex.

Mặc dù về cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng dự án này chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ dân cư. Phần lớn diện tích còn lại được đánh giá kém hấp dẫn. Điều này dẫn tới thực tế là tổng tài sản ghi nhận vào giá trị của Becamex có thể rất lớn nhưng tính thanh khoản lại không tương xứng.

Đây cũng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư trở nên e ngại với mức giá 31.000 đồng cho mỗi cổ phần. Bởi việc định giá căn cứ vào tình hình tài sản và triển vọng của Becamex.

Tổng tài sản của Becamex tính đến giữa năm 2017 đạt gần 43.000 tỷ đồng nhưng có đến gần một nửa là hàng tồn kho bất động sản. Trong khi đó, nguồn vốn của tổng công ty này vẫn chủ yếu được tài trợ từ nợ vay. Điều này dẫn tới thực tế là khả năng thanh toán các khoản nợ sẽ không được đảm bảo, trong khi gánh nặng lãi vay ăn mòn phần lớn lợi nhuận làm ra.

Theo báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2017 của Becamex chỉ đạt gần 600 triệu đồng, so với mức 42 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chủ yếu do chi phí lãi vay tăng đột biến lên gần 72 tỷ. Với quy mô vốn điều lệ gần 8.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận mà tổng công ty ghi nhận thực sự không tương xứng.