Thực hư việc Audi Việt Nam bán được nửa lô xe APEC?
- 15:03 01-12-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Xe Audi phục vụ APEC tại Hà Nội. Ảnh: Tuấn Nguyễn |
Tại cuộc họp báo chuyên đề về “Kết quả thu ngân sách nhà nước 11 tháng và các giải pháp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2017 của ngành Hải quan” hôm nay, 30/11, nhiều câu hỏi liên quan đến việc xác định trị giá hải quan, truy thu thuế và thủ tục nhập khẩu, mua bán ô tô đã được đặt ra.
Đáng chú ý, thời gian qua, thông tin về việc Cty TNHH Ô tô Á Châu (Cty Á Châu) rao bán lô xe Audi từng nhập về để phục vụ APEC được dư luận hết sức quan tâm. Và đáng quan tâm hơn khi tuần lễ cấp cao APEC vừa kết thúc giữa tháng 11 báo chí đưa tin Cty Á Châu đã bán được hơn một nửa số xe APEC. Thực hư thông tin này như thế nào?
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, để được tài trợ xe cho APEC, Audi Việt Nam đã phải tham gia đấu thầu với các công ty khác. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài Audi Việt Nam, còn có 2 công ty đấu thầu sự kiện này là Mercedes Benz Việt Nam và Euro Auto (thời điểm chưa bị khởi tố điều tra về tội buôn lậu).
“Sau khi trúng thầu, Audi Việt Nam đã phối hợp với Tiểu ban hậu cần APEC để làm các thủ tục theo quy định. Tổng cục Hải quan chỉ làm thủ tục cho tạm nhập lô xe để kịp thời phục vụ sự kiện APEC. Gần 400 xe Audi phục vụ APEC này được nhập về Việt Nam theo hai đợt. Một đợt cách đây 6 tháng và một đợt vào tháng 9 vừa qua dưới dạng tạm nhập.
Sau khi kết thúc sự kiện APEC, Tiểu ban Hậu cần APEC còn phải tập hợp lại xe, hồ sơ để kiểm tra, đảm bảo xe được phép bán ở Việt Nam. Đồng thời, làm các thủ tục chuyển từ chế độ tạm nhập sang chế độ nhập khẩu chính thức. Tiến độ hoàn tất các thủ tục có liên quan còn phụ thuộc vào Tiểu ban hậu cần APEC và nhà nhập khẩu Audi. Hiện, các xe này vẫn đang đeo biển xanh có chữ APEC ở đầu” – ông Hùng cho hay.
Khi được hỏi: Một số thông tin cho rằng, từ tháng 9, nhà nhập khẩu đã chào bán lô xe với giá cụ thể cho từng loại, trong đó có những xe thuộc diện “bia kèm lạc” không phục vụ APEC? Cục phó Cục Thuế Xuất nhập khẩu cho hay: Toàn bộ số xe được nhập về đều do Tiểu ban hậu cần APEC quản lý chứ không phải do doanh nghiệp, quản lý rất chặt chẽ. Trong thời gian này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhập xe về để kinh doanh bình thường nhưng không được tính trong diện xe phục vụ APEC.
Về việc xác định giá trị hao mòn của chiếc xe, theo ông Lê Mạnh Hùng, trong số những xe phục vụ APEC có những xe đi ít, đi nhiều. Ví dụ, xe phục vụ nguyên thủ thì sẽ lăn bánh ít hơn, trang bị các linh, phụ kiện cao cấp, nhập sát tuần lễ cấp cao APEC; còn xe phục vụ các cấp như bộ trưởng, thứ trưởng, chuyên gia,…thì được nhập sớm hơn, lăn bánh nhiều hơn. Tất cả các thông tin về xe đều được Tiểu ban hậu cần APEC quản lý nên sẽ không thể có việc nhập nhèm.
Cũng theo Cục phó Cục Thuế xuất nhập khẩu, việc doanh nghiệp rao bán xe khi đang phục vụ APEC là quyền kinh doanh của họ. Còn để bán được xe cho khách hàng, doanh nghiệp phải hoàn tất các thủ tục Hải quan, đăng kiểm,...
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, quy trình cụ thể nhập khẩu và bán lô xe APEC của Audi sẽ được thực hiện như sau: Mở tờ khai tạm nhập; đăng kiểm; vận chuyển xe ra điểm tập kết bàn giao cho Tiểu ban APEC; huấn luyện cho tài xế sử dụng xe; Tiểu ban APEC đưa Bộ Công an cấp biển số APEC cho xe; Sau khi có biển số, Tiểu ban APEC có toàn quyền sử dụng xe, nhà nhập khẩu chỉ có trách nhiệm kiểm tra, bảo hành, bảo dưỡng;
Sau khi phục vụ xong APEC, Tiểu ban APEC sẽ bàn giao lại toàn bộ xe cho nhà nhập khẩu để kiểm đếm, mở tờ khai Hải quan để đóng thuế theo đúng hợp đồng ký kết giữa Audi Việt Nam với Tiểu ban APEC. Cuối cùng, nhà nhập khẩu hoàn tất các thủ tục để bán xe cho khách hàng.
Về thông tin nhà nhập khẩu Audi đã bán được quá nửa số xe phục vụ APEC, theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất là số xe này đã được khách hàng đặt cọc, chờ doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục rồi giao dịch.