"Bạo hành trẻ em còn âm ỉ cháy"
- 10:34 30-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thưa ông, tại sao có nhiều vụ việc bạo hành xảy ra trong những năm gần đây, có vụ còn xử lưu động, tại sao những vụ việc như Mầm Xanh vẫn còn xuất hiện, mà mức độ còn khốc liệt hơn?
Về mặt chính sách, chúng ta có đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010 -2015 (Quyết định 239 của Thủ tướng) và Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách giáo dục mầm non giai đoạn 2011 – 2015 (sau này đã được Công văn 2417/TTg-KGVX kéo dài việc thực hiện) và rất nhiều văn bản về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em cả tầm luật lẫn dưới luật.
Những chính sách này có điểm chung là ưu tiên cho việc phát triển các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ tại địa phương để đáp ứng nhu cầu giáo dục mầm non tại chỗ và giải quyết bài toán cho các trường công.
Đây chính là nút mở giúp cho việc hình thành nhiều trường mầm non tư thục một cách thuận lợi và mầm non Mầm Xanh chính là một “quái thai” ra đời từ cơ chế thuận lợi đó.
Việc bạo hành trẻ em luôn đáng bị lên án, nhưng thường chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề khi các vụ bạo hành bị phát giác.
Còn trong quá trình đó, nhiều trường mầm non như Mầm Xanh vẫn công khai hoạt động.
Hình ảnh nuôi dạy trẻ mầm non không đảm bảo tiêu chuẩn |
Tôi không nghĩ rằng còn rất nhiều cơ sở như Mầm Xanh chưa bị phát giác, điều này nằm ở công tác thanh tra, kiểm tra. Cho thấy thực trạng bạo hành trẻ em còn âm ỉ cháy và có thể bùng lên bất cứ lúc nào mà nguyên nhân không chỉ nằm ở chính sách.
Sự xuất hiện của Mầm Xanh xuất phát từ nhu cầu giữ trẻ trong xã hội, nhưng vụ bạo hành ở đó một phần là ý thức con người, một phần do công tác phát giác, thanh tra còn buông lỏng.
Sau vụ việc Mầm Xanh, có người "đếm" có tới 15 cơ quan bảo vệ trẻ em, vậy mà bạo hành vẫn xảy ra. Vậy bóng dáng các cơ quan ấy ở đâu?
Thực tế để dung hòa giữa việc bảo vệ trẻ em và tạo cơ hội cho phát triển mầm non không còn chỉ là câu chuyện của chính sách, pháp luật mà còn là câu chuyện của việc chúng ta thực hiện các chính sách đó ra sao trên thực tế.
Chúng ta có thể kể ra 15 cơ quan bảo vệ trẻ em, điển hình như Công an, Giáo dục, Hội phụ nữ, chính quyền địa phương...
Nhưng tôi nghĩ không chỉ là 15, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em phải là việc của toàn xã hội.
Vấn đề không chỉ nằm ở chính sách phát triển trường tư thục cho lứa tuổi mầm non mà nằm ở cách thực hiện chính sách, quản lý chính sách và thay đổi chính sách khi xã hội thay đổi.
Tôi nghĩ chính thói quen giao phó trách nhiệm quản lý mầm non cho địa phương là nguồn cơn của sự việc.
Vì lực lượng ở nhiều địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp xã hiện nay thì rất yếu và quan liêu.
Điều này khiến cho trách nhiệm lại bị đùn đẩy về nhà trường và gia đình.
Cơ quan giáo dục thì chỉ có thể kiểm tra về chuyên môn, không đủ lực để mỗi ngày đều thanh tra các cơ sở.
Nên đến giờ, đa phần đều phụ thuộc vào sự phát giác của gia đình và quần chúng.
Việc chịu trách nhiêm tập thể như vậy có phải là một nguyên nhân khiến bạo hành trẻ em không thể chấm dứt?
Có thể! Nhưng đây không phải nguyên nhân duy nhất.
Trách nhiệm tập thể hay trách nhiệm cá nhân cũng chỉ nằm ở việc chúng ta giải quyết hậu quả của bạo hành khi nó đã xảy ra.
Bạo hành trẻ em không chỉ nằm ở một hoặc hai nguyên nhân mà thành.
Với tôi, trực tiếp nhất là ý thức con người biến chất, một phần từ chủ quan, một phần từ khách quan.
Nếu là yếu tố chủ quan thì rất khó can thiệp vì nó nằm ở bản chất của họ thích hành hung, nóng nảy.
Nhưng từ khách quan thì đó là do cơ chế quản lý lỏng lẻo, là sự thanh tra kiểm tra chưa thường xuyên, chưa đánh giá được chính xác giáo viên mầm non đủ điều kiện...
Đồng ý rằng truy trách nhiệm tập thể thì ai cũng sẽ thấy an toàn, nhưng nếu là trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, ví dụ trưởng phòng giáo dục, Giám đốc Sở GD-ĐT, Chủ tịch UBND...thì chưa chắc đã giải quyết được triệt để vấn đề của nguyên nhân gây ra bạo hành trẻ em.
Nên quy trách nhiệm cá nhân không chỉ khi phát sinh hậu quả, mà phải ngay từ ban đầu của việc thực hiện chính sách, sai ở đâu trách nhiệm phát sinh và xử lý ngay ở đó chứ không chờ hậu quả cuối cùng để quy trách nhiệm cá nhân hay tập thể.
Với mỗi vụ việc xảy ra, ví dụ như Mầm Xanh, trưởng phòng giáo dục hoặc lãnh đạo liên quan có nên từ chức?
Như đã nói về nguyên nhân, nếu quản lý chặt chẽ và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, siết chặt việc thực hiện chính sách giáo dục mầm non thì nguy cơ của bạo hành trẻ em như ở Mầm Xanh đã có thể được hạn chế rất nhiều.
Các chính sách hiện nay không bắt buộc việc từ chức. Nhưng tôi nghĩ nếu tại địa phương của mình quản lý mà xảy ra các sự việc nhức nhối như vậy trong thời gian dài không hay biết, thì bản thân những người lãnh đạo phải đứng ở địa vị của phụ huynh để thấu cảm với nỗi đau mà họ và con họ đã gánh chịu.
Xin cảm ơn ông!
Đầu tư đúng mực cho giáo dục mầm non Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: Để xảy ra các vụ bạo hành mầm non liên miên là do chưa làm tới nơi tới chốn công tác quản lý. Các cơ quan công quyền phải lấy bài học này để tăng cường giám sát các cơ sở dù mầm non tư thục hay công lập hơn nữa. Còn đơn vị cấp phép khi cấp thì phải “hậu kiểm” thường xuyên vì khi xin phép thành lập họ làm hồ sơ rất đẹp, nhưng khi thành lập được rồi lại mướn người không có bằng cấp, không có chuyên môn, không có lương tâm.
|