Tổng bí thư: Lò nóng lên, không ai có thể đứng ngoài cuộc
- 13:03 29-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp xúc với cử tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ, Hà Nội.
Không có vùng cấm nhưng có vùng nể?
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ) nói, phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt được kết quả tích cực.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với cử tri |
Tuy nhiên, cử tri nhận thấy các tỉnh thành còn coi nhẹ vấn đề này, thực hiện chưa nghiêm túc chỉ đạo cấp trên.
“Vụ ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái, tự nhiên phát hiện ra ngôi biệt thư to kếch xù, bị xử lý nhưng lại chuyển lên làm Phó chánh văn phòng HĐND tỉnh. Xử lý như vậy là rất vô lý. Tôi thấy nếu cứ nhẹ nhàng như ở Yên Bái thì không thể xử lý được cán bộ thiếu nghiêm túc”, ông Toán nói.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán |
Ông cũng dẫn chứng vụ Thuỷ điện Sơn La có 17 cán bộ bị bắt giam và cho rằng điều này là coi thường pháp luật, coi tài sản của nhân dân không ra gì.
“Trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch tỉnh thế nào trong sự việc này?”, ông Toán đặt câu hỏi.
Ông kiến nghị những cán bộ dính sai phạm cần phải xử lý nghiêm, phải có bản án chính thống chứ không được nghiêng về cảnh cáo về mặt Đảng, khiển trách rồi cho nghỉ hưu.
Cùng vấn đề trên, cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ) cho rằng, nhiều vụ việc sau kết luận lại càng khiến cử tri cả nước thêm bức xúc.
Ông nêu bức xúc của mình sau khi biết kết quả thanh tra những vấn đề liên quan đến ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái.
“Nhân dân cảm thấy không thuyết phục, ông Quý danh hiệu đảng viên vẫn còn, tài sản vẫn còn nguyên vẹn, việc kiểm tra xử lý còn chùn bước. Nhân dân chúng tôi đặt câu hỏi, trong phòng chống tham nhũng không có vùng cấm nhưng liệu còn có vùng nể, vùng tránh hay không?”, ông Nhâm băn khoăn.
Cử tri Phan Văn Nhâm |
Theo ông, vấn đề phòng chống tham nhũng vẫn chỉ “nóng” ở cấp trên - làm quyết liệt, nhưng cấp dưới còn “lạnh” - làm từ từ. Ông chỉ ra nguyên nhân, đặc điểm nhận dạng rất rõ là người đứng đầu có thể có sai phạm nên không dám làm hoặc trong cơ quan có người nhà.
Để khắc phục những bất cập này, cử tri Nhâm kiến nghị sớm thông qua luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Ông cũng mong muốn Đảng, Nhà nước thực hiện cuộc chiến này không ngừng nghỉ.
“Đó là cách làm tốt nhất để bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ tài sản, chế độ”, cử tri Nhâm nói.
Nhúng tay vào rồi thì phải sửa
Trước ý kiến của cử tri về phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. TƯ đã có nhiều nghị quyết nhưng chúng ta vẫn chưa bằng lòng với những gì đã làm được.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng |
“Dù đã rất cố gắng, làm có hiệu quả hơn, bài bản hơn, tâm phục khẩu phục, nhưng rõ ràng so với yêu cầu còn nhiều việc phải làm”, Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư khẳng định đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài, kiên trì, không nóng vội, bước đi phải chắc chắn, làm nhưng phải giữ được ổn định. Không phải thi hành kỷ luật thật nhiều mới là thành công mà cốt là đánh thức người ta dậy để đừng vi phạm khuyết điểm, đấy mới là thành công.
“Mở đường cho người ta tiến mới là thành công”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư cũng nhận định, khâu điều tra còn yếu. Đấu tranh chống tham nhũng, chứng cứ phải rõ ràng, tội phạm phải chịu. Nhưng không thể lấy cớ đấy mà trì hoãn kéo dài, để lâu cho “chìm xuống” là không được.
Nói về vấn đề “trên nóng, dưới lạnh”, Tổng bí thư trấn an, bây giờ bên dưới cũng đang nóng dần lên, một số nơi đang làm.
“Chúng tôi nhiều lần nói không thể không làm được đâu, nhưng muốn thế lòng dân phải thuận, tất cả phải đồng lòng. Nói cái lò nóng lên ý là tất cả phải vào cuộc, đồng lòng nhất trí lại, không ai có thể đứng ngoài cuộc được”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Tổng bí thư cũng cho biết, rất muốn thông qua sớm luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi. Nhưng đây là luật khó, đưa ra phải chuẩn để giải quyết được những khâu yếu.
Theo Tổng bí thư, không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông mà phải bằng luật pháp, giao cho anh quyền phải có “cái roi” để anh không thể, không dám và cũng không muốn tham nhũng. Khi nhúng tay vào rồi thì phải sửa.