Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cơn bão ma túy, HIV - AIDS tràn về các khu tái định cư cùng với tiền đền bù

Năm 2010, công trình Nhà máy thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong, Nghệ An) chính thức khởi công. Đó cũng là thời điểm đánh dấu cơn bão ma túy, HIV-AIDS tràn về các khu tái định cư (TĐC)...

Hệ lụy không chỉ riêng người dân TĐC mà cả người dân bản địa cũng phải gánh chịu.

Mơ ước ăn no và bố mẹ trở về

Dân bản tại các khu TĐC Thủy điện Hủa Na kể lại, khi đền bù TĐC, nhiều hộ đồng bào cầm trong tay tiền tỉ. Chưa bao giờ cầm trong tay món tiền lớn đến thế, nhiều hộ chỉ dành một số ít để di dời nhà cửa, mua sắm các vật dụng như xe máy, ti vi, tủ lạnh. Nhưng hàng mua sắm chủ yếu là đồ rẻ tiền, dùng chẳng được bao lâu thì hỏng hóc.

Nhưng tệ hại nhất là những cuộc nhậu diễn ra thâu đêm suốt sáng; những bữa tiệc có cả ma túy trở thành những “lò đốt tiền” không thương tiếc.

"Miệng ăn núi lở", chẳng bao lâu, khi những túi tiền vét sạch, đồng bào mới chợt tỉnh. Khi những chum gạo vơi dần theo năm tháng, những chum rượu cần đã cạn, đã chếnh choáng men say, cái ăn ngay một hiếm, họ lại lầm lũi vác mai, vác thuổng vào rừng. Nhưng nguồn lâm sản phụ khai thác mãi cũng cạn kiệt. Chỉ có những hệ lụy của những cuộc vui vô bờ bến thì vẫn dai dẳng. Phụ nữ trong bản cũng trở thành nạn nhân của những gã trai đã trót sa vào con đường nghiện ngập.

Đã có vợ và con ở huyện Sầm Tớ (Lào) nhưng mấy tháng nay, Lương Văn T. tại bản Na Chảo, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) không dám sang thăm gia đình mà ru rú trong căn nhà sàn ngay đầu bản cùng với người mẹ. T. cũng không còn dám đi ra đường mỗi ngày để tụm năm tụm bảy cùng đám trai bản trước đây từng chén chú chén anh.

 

 Lương Văn T. hối hận vì lỡ sa vào ma túy

T. tự trách mình vì sao không đủ bản lĩnh để chỉ một phút khờ dại trót rơi vào con đường nghiện ngập. Để giờ đây, ngoài căn nhà sàn kia là tiếng nói cười vui nhộn thì T. lại đang đau khổ, vật vã với căn bệnh thế kỷ. Cũng chính căn bệnh này, cách đây 2 năm đã cướp đi sinh mạng người bố của T. khi đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Căn bệnh đã khiến người mẹ của T. bao năm nay tiều tụy vì bị lây nhiễm từ người chồng quá cố.

Nhưng bản thân T. cũng không rõ thời điểm mình mang bệnh. Vì thế, T. hoang mang, lo cho vợ, cho con.

“Mấy tháng trước ta ra Hà Nội làm thuê nhưng cứ ốm đau suốt nên phải bỏ về. Xét nghiệm, bác sĩ bảo, ta bị nhiễm con virus HIV rồi, nếu không uống thuốc thường xuyên thì sẽ chết sớm như bố của ta thôi. Vợ con ta cũng đã đi xét nghiệm, nghe nói là không bị nhưng ta sợ lắm vì không biết mình nhiễm bệnh từ lúc nào. Con ta mới 16 tháng tuổi, chỉ cầu mong vợ, con không bị như ta”. T. ngồi dựa lưng vào cột căn nhà sàn xiêu vẹo, quay mặt lau vội dòng nước mắt lăn trên gò má.

Trong căn nhà sàn tuềnh toàng nay chỉ có 2 mẹ con và bà cụ già đã gần 100 tuổi sống lầm lũi. Mấy tháng nay, nhờ các chương trình điều trị HIV miễn phí, hai mẹ con được uống thuốc ARV đều đặn nhưng khuôn mặt T. tiều tụy, hốc hác hẳn khi vẫn còn những nỗi lo phía trước nếu mai đây phải đi về thế giới bên kia.

“Một lần trót dại, dùng chung kim tiêm mà ta rước bệnh vào người. Nay trong gia đình, cái ăn, cái mặc không có, không có sức lao động, 3 miệng ăn không biết trông chờ vào đâu. Nếu mai đây ta và mẹ chết đi, còn bà ngoại ta, vợ con ta sẽ sống ra sao?”, T. day rứt.

Rời căn nhà sàn heo hắt ngay đầu bản, chúng tôi ghé thăm nhà cháu Lô Khánh D. Thực ra, sau khi bố mẹ sớm qua đời, D. và chị gái về ở cùng với ông bà ngoại. Căn nhà của bố mẹ D. nhiều năm qua không ai ở, mối mọt ăn lên tận mái, mưa gió xô đổ nay gần như mất tích. Ông bà ngoại của D. năm nay đã gần 60 tuổi, cái tuổi mà ở vùng miền núi cao này người ta chỉ ở nhà nghỉ ngơi, không còn đủ sức lên nương rẫy mỗi sớm mai. Thế nhưng, ông bà ngoại của D. vẫn lên rẫy chưa về.

 Em D. chỉ mong được ăn no và bố mẹ trở về

Hình ảnh khiến chúng tôi xúc động nhất là khi D. vào chái bếp được lợp đơn sơ bằng hai ba tấm proximăng vô tư lục tìm cơm nguội, chỉ ngoảnh lại trả lời mỗi khi khách hỏi chuyện.

- Bố mẹ em đâu rồi?

- Bố mẹ em chết khi em mới học lớp 1. Bố bị bệnh ung thư, lây nhiễm sang mẹ nên mẹ em cũng chết rồi.

Người dẫn đường chúng tôi là một cán bộ phụ trách dự án 30 a của xã Đồng Văn cho biết, bố mẹ D. đều chết vì căn bệnh HIV. Thời điểm đó chưa có chương trình uống thuốc ARV nên những cái chết liên quan đến căn bệnh thế kỷ diễn ra rất nhanh. Hiện nay, D. học lớp 5, người chị học lớp 7 đang sống cùng ông bà ngoại. Nhà ngoại cũng thuộc diện khó khăn nhất xã này.

- Bây giờ em ước nhất điều gì?

- Em chỉ ước được ăn no và bố mẹ về với em thôi!

 Huyện có 1.815 người bị nhiễm HIV

Theo thống kê của Trạm Y tế xã Đồng Văn, danh sách nhiễm HIV tại địa phương hiện có 67 người. Trong đó có 17 người nhận thuốc ARV tại địa phương. Số còn lại nhận thuốc và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong. Tính từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn đã có 3 người chết vì HIV; hộ nhiều nhất có 3 người cùng nhiễm. Toàn xã hiện có 6 người nghiện ma túy.

Nhưng theo ông Lô Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Văn, những con số thống kê trên chỉ là phần nổi của tảng băng.

 

  Ông Lô Văn Quang lo ngại về nguy cơ lây lan HIV ở các khu tái định cư

“Hiện nay đang có dự án tư vấn, hỗ trợ miễn phí người nhiễm HIV, giúp người bệnh xét nghiệm nhanh và sử dụng miễn phí thuốc ARV. Nhờ chương trình này, trong năm 2017 xã đã phát hiện thêm 6 người nhiễm HIV. Nhưng thực chất, ở địa phương này, số người nhiễm có thể cao hơn và nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Nguyên nhân là do nhiều người còn sợ dân bản kỳ thị không dám đi xét nghiệm, nhiều người biết mình mang bệnh nhưng giấu giếm, đi làm ăn xa, nhận thức về căn bệnh chưa cao kém không chịu điều trị… Có nhiều người đang ở trong diện nghi ngờ bị nhiễm HIV, chúng tôi rất lo lắng”, ông Quang cho biết.

Đại diện Trạm Y tế xã Đồng Văn cũng nhận định, nghiện ma túy và lây nhiễm HIV tăng đột biến tại địa phương trong khoảng thời gian từ năm 2009-2013. Đây cũng là thời điểm công trình Nhà máy thủy điện Hủa Na khởi công xây dựng.

“Khi thi công nhà máy thủy điện Hủa Na, có rất nhiều công nhân khắp nơi về đây. Ngoài các công nhân của công ty thì còn có nhiều công nhân thời vụ. Hàng loạt quán mọc lên ở khắp nơi, tệ nạn ma túy, mại dâm thời điểm đó rất nhiều. Lây nhiễm HIV là điều đương nhiên thôi", một cán bộ Trạm Y tế xã Đồng Văn khẳng định.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, toàn huyện có 1.815 người bị nhiễm HIV trong đó có 1.265 người đang sống; xếp thứ 2 về số người nhiễm HIV tại Nghệ An, chỉ sau TP Vinh. Riêng 3 xã TĐC Thủy điện Hủa Na là Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong có 681 người (167 người đã tử vong).

 Bệnh nhân nhiễm HIV đến nhận thuốc tại trung tâm y tế huyện

Ông Sầm Văn Lâm, chuyên trách chương trình phòng chống HIV-AIDS thuộc Trung tâm Y tế huyện Quế Phong cho biết: “Số người có nguy cơ cao tại Quế Phong còn nhiều. Số này đa phần không chịu hợp tác cùng với chúng tôi trong việc phát hiện và điều trị bệnh HIV.

Đa phần người bị lây nhiễm HIV ở Quế Phong nói chung và các xã TĐC nói riêng đều có đặc điểm là cuộc sống khó khăn, nhận thức chưa cao. Vì vậy, khi chương trình sử dụng thuốc ARV miễn phí kết thúc, bệnh nhân sẽ khó tiếp cận hơn với thuốc điều trị. Điều đó có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm HIV lúc đó sẽ cao hơn rất nhiều”.