Hành trình tìm chỗ đứng của nông sản Pháp trên đất Việt
- 10:44 26-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện nay, Chính phủ Pháp đang tiếp tục đàm phán để Việt Nam mở cửa thị trường nông sản nước này vào Việt Nam, mới nhất là mặt hàng khoai tây với khoảng 3.000 tấn đầu tiên sẽ cập cảng trong quý I/2018. “Để đạt được điều đó, chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều rào cản”, ông Alexandre Bouchot – Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Pháp cho biết.
Truy xuất nguồn gốc từ "nông trại tới bàn ăn"
Ông Bertot Thierry, chủ trang trại nuôi bò rộng 135 ha ở vùng Normandie (Pháp), nhẹ nhàng kẹp vào tai con bê mới sinh một ngày tuổi tấm giấy màu vàng với những thông số về trang trại, ngày sinh… Ông Thierry giới thiệu đó là tấm giấy khai sinh và cũng là thị thực (passport) mà mỗi con bò từ khi sinh ra đều phải mang cho tới lúc chết. Phải trả khoảng 5 euro cho mỗi "tấm thị thực" này, nhưng nhờ đó mà những chủ trang trại như ông không bao giờ phải lo mất trộm bò, còn cơ quan quản lý có thể truy xuất nguồn gốc thịt của trang trại sau này.
“Chúng tôi sẽ bị phạt rất nặng nếu quên mang tấm thị thực này cho bò. Nhờ có nó mà sau này khi thịt được bán cho doanh nghiệp chế biến hay siêu thị, các nhà chức trách cũng có thể truy xuất rõ nguồn gốc thịt của con bò sinh ngày nào, đến từ trang trại nào, vùng nào…”, ông chủ trang trại chia sẻ.
Mỗi con bò tại Pháp khi sinh ra đều có tấm "thị thực" riêng và phải đeo mã số truy xuất nguồn gốc cho tới cuối vòng đời. Ảnh: H.T |
Không chỉ với sản phẩm thịt mà ngay cả các mặt hàng rau, củ quả của Pháp cũng được dán mã số để truy xuất nguồn gốc được trồng, và táo Juliet là một ví dụ. Giống táo này được trồng tại 20 tỉnh thuộc nước Pháp, chủ yếu ở khu vực miền Nam và là sản phẩm sinh thái nổi tiếng khi không dùng bất kỳ loại hoá chất gì trong quá trình trồng, bảo quản.
Những người nông dân như ông Figuet Sage (Lyon, Pháp) khi trồng loại táo này chỉ sử dụng các phương pháp tự nhiên như bẫy, mắc lưới để chống côn trùng cho cây táo. Táo sau khi được hái, sẽ đưa vào dây chuyền phân loại và dán tem truy xuất nguồn gốc do cơ quan an toàn vệ sinh cấp. “Các bạn ăn táo Juliet ở Việt Nam nhớ gửi cho tôi mã số, tôi có thể nói cho các bạn biết quả táo đó được trồng ở trang trại nào, thu hoạch giờ nào, chủ trang trại là ai…”, ông dí dỏm.
Bảo quản táo cũng là việc những người trồng táo như ông Sage nghĩ ngay từ khi hái quả. Trang trại của ông có gần chục kho lạnh, mỗi kho chứa được 50-60 tấn quả. “Táo khi đưa vào kho sẽ được rút hết không khí ra để duy trì mật độ ôxy khoảng 1% và bảo quản lạnh ổn định ở nhiệt độ 0,8 – 1 độ C. Nhờ đó táo có thể tươi ngon trong vòng vài tháng. Chi phí bảo quản chiếm gần 10% giá bán táo”, ông Sage cho biết.
“Sản xuất theo cách khác” và trợ lực từ Nhà nước
Là sản phẩm sinh thái có giá bán cao hơn nhưng năng suất táo Juliet chỉ đạt khoảng 40 tấn một ha, bằng một nửa so với loại táo trồng theo cách truyền thống. Tuy nhiên, những nông dân như ông Sage vẫn miệt mài với công việc của mình và đảm bảo có lãi mỗi vụ trồng, cũng không phải lo bị cạnh tranh hay ép giá đầu ra.
Điều này có được là nhờ những người nông dân trồng táo Juliet đã lập một Hội đồng những người bạn của táo Juliet. Hội đồng sẽ căn cứ vào tình hình mùa vụ, thị trường tính toán và quyết định mỗi vụ từng hộ được trồng diện tích bao nhiêu, trang trại nào sẽ xuất hàng trước, sau…
“Cơ chế giám sát của Hội đồng rất chặt chẽ để đảm bảo giá táo bán ra là cao nhất và chúng tôi đều tuân thủ quyết định đó. Không ai có thể bán nửa vườn táo của họ mà không theo kế hoạch”, ông cho biết và giải thích thêm, vì thế mà người nông dân luôn đảm bảo có lãi.
Những trái táo Juliet được trồng theo phương pháp sinh thái, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong trồng và bảo quản sau thu hoạch. Ảnh: H.T |
Tương tự, 900.000 lít sữa tươi mỗi năm cung cấp ra thị trường từ trang trại của ông Thierry đều có đầu ra và mức giá ổn định nhờ Hợp tác xã trong vùng tổ chức thu mua, đảm bảo về giá. Ba ngày một lần người của Hợp tác xã sẽ tới trang trại thu mua. Họ kiểm nghiệm chất lượng sữa, hàm lượng protein, vi khuẩn và đặc biệt là dư lượng kháng sinh… những chỉ số quyết định giá sữa cao hay thấp.
“Nếu phát hiện chất kháng sinh thì họ sẽ không thu mua và chúng tôi phải bỏ toàn bộ sữa trong bồn”, ông Thierry giải thích. Vì thế, toàn bộ thức ăn cho đàn bò 90 con đều do trang trại tự cung, tự cấp. Trong tổng diện tích khoảng 135 ha, ông chủ trang trại này dành hẳn 20 ha để trồng cỏ, ngô… làm thức ăn cho bò.
Ngoài sự gắn kết giữa người nông dân và các Hiệp hội, nghiệp đoàn thì nông dân Pháp cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Mỗi năm nước này chi khoảng 5,3 tỷ euro cho hoạt động của Bộ Nông nghiệp & thực phẩm Pháp, dành cho các hoạt động phát triển ngành nông nghiệp sạch, phát triển bền vững với tiêu chuẩn cao.
Ông Alain Clergerie - Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Pháp cho biết, từ đầu những năm 2000, Pháp bắt đầu nhận thức về chuyện chuyển sang làm nông nghiệp sinh thái. Khái niệm này bắt đầu được định hình rõ ràng hơn và từ năm 2012 Pháp hướng tới phát triển ngành nông nghiệp “sản xuất theo cách khác, đem hiệu quả kép về kinh tế, môi trường”.
“Chính phủ Pháp thực hiện rất nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến khâu bán sản phẩm”, ông Alain Clergerie cho biết.
Mỗi năm tại Pháp có khoảng 30.000 cuộc kiểm tra tại các doanh nghiệp, 60.000 cuộc kiểm tra với các cơ sở giết mổ, bán hang, quán ăn, chợ… nhằm đảm bảo sản phẩm sạch “từ nông trại tới bàn ăn”. Chính phủ Pháp cũng đang quan tâm giải quyết hàng loạt các vấn đề để định hướng tương lai cho ngành nông nghiệp Pháp như làm sao tạo ra giá trị và đảm bảo sự phân chia công bằng; hỗ trợ để chuyển đổi mô hình sản xuất, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng…
Nỗ lực chinh phục thị trường Việt Nam
Có chất lượng cao và truy suất nguồn gốc "từ trang trại tới bàn ăn”, nhưng nông sản Pháp vẫn khá chật vật khi vào Việt Nam. Dù được cấp phép trở lại sau dịch bò điên, nhưng sản phẩm thịt bò Pháp nhập vào Việt Nam vẫn rất hạn chế. Đến hết 2016, Việt Nam nhập khoảng 4.000 tấn thịt và sản phẩm có nguồn gốc từ thịt từ Pháp; trong đó chủ yếu là sản phẩm từ thịt nguội, pate… chiếm khoảng một phần năm tổng lượng thịt nhập khẩu của Việt Nam từ các nước. Ngoài các sản phẩm thịt, chế biến từ thịt, mỗi năm người Việt cũng ăn khoảng 3.000 tấn táo, 500 tấn kiwi nhập từ Pháp và từ đầu 2018 tới sẽ có thêm mặt hàng khoai tây Pháp được nhập vào Việt Nam, với lô hàng đầu tiên khoảng 3.000 tấn.
Doanh nghiệp Pháp kỳ vọng xuất khẩu được nhiều hơn nữa các mặt hàng thịt, chế biến từ thịt sang Việt Nam. Ảnh: H.T |
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Pháp vào Việt Nam đạt 200 triệu euro năm 2016. Trong giai đoạn 2015 - 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Pháp vào Việt Nam tăng 25%, trong đó đáng kể nhất là trái cây và các sản phẩm từ sữa. Những con số này, theo ông Alexandre Bouchot, Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, vẫn còn khá khiêm tốn so với năng lực cung ứng thương mại giữa 2 nước.
Gọi sự thâm nhập hàng nông sản Pháp vào Việt Nam giai đoạn gần đây là “sự trở lại”, ông Bernard Vallat – Chủ tịch Nghiệp đoàn các nhà công nghiệp chế biến thịt Pháp (Fict) kỳ vọng, năm tới, Hiệp định thương mại tự do châu Âu và Việt Nam (EVFTA) sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực sẽ mang lại cơ hội giao thương nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp 2 nước. “Khi đó, thủ tục cấp phép xuất khẩu sẽ đơn giản hơn, Việt Nam sẽ cấp phép theo nhóm doanh nghiệp do Chính phủ Pháp cung cấp thay vì kiểm tra và cấp phép cho từng doanh nghiệp như hiện nay; các rào cản an toàn thực phẩm cũng sẽ được nới lỏng…”, ông Bernard Vallat nói.