Đại biểu Quốc hội lo 'người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng'
- 08:32 24-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa, quan tâm đến quy định người tố cáo có các nghĩa vụ “chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình”; “bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra”.
Theo ông Diến, dự Luật không nên chỉ điều chỉnh hành vi tố cáo không đúng quy định, mà cần sửa đổi, bổ sung để khuyến khích người dân, trong đó có hơn một triệu cán bộ, công chức mạnh dạn tố cáo việc vi phạm pháp luật, nhất là hành vi tham nhũng.
Ông Diến phản ánh thực tế, một số công chức, người dân mạnh dạn tố cáo vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, nhưng sau đó người bị tố cáo lại ở vị trí xem xét, kết luận vụ việc; không ít người tố cáo phải xin chuyển công tác, có nhiều người bị họ hàng tẩy chay.
"Có công chức tố cáo đúng, nhưng phải kiểm điểm và áp dụng hình thức tăng nặng với lý do, biết nội dung vi phạm nhưng trong sinh hoạt chi bộ hàng tháng không phê bình đồng chí mình để kịp thời sửa chữa, ngăn chặn", ông Diến nói.
Ngoài ra, cũng vì quy định cứng nhắc mà một số nơi người tố cáo bị xử lý vì cái tột "vạch áo cho người xem lưng", "trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường'", làm ảnh hưởng đến cơ quan, làm tốn tiền công quỹ vì phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra
"Việc quy trách nhiệm người tố cáo cần mềm hơn, để họ mạnh dạn thực hiện quyền của mình, tránh việc người tố cáo khóc rưng rức khi nhận khen thưởng", ông Diến nói.
Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QH |
"Đơn" hay "văn bản"?
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, cho rằng việc Ban soạn thảo dùng "đơn" tố cáo là không chính xác vì đây là quyền của công dân.
"Tôi đề nghị thay từ đơn bằng từ văn bản, và sửa lại quy định liên quan theo hướng tố cáo là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết", ông Bộ nói.
Theo ông Bộ, việc thay từ "đơn" bằng "văn bản" cũng sẽ giúp không còn tranh luận về việc có tiếp nhận bản tố cáo thông qua fax, thư điện tử hay không.
"Với cách gọi văn bản, đương nhiên các cách thức đó sẽ trở thành phương pháp thực hiện quyền tố cáo, miễn rằng trong văn bản tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ", ông Bộ nói.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. Ảnh: QH |
Xử lý cán bộ về hưu để tránh hội chứng chuyến tàu vét
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng nên xem xét, giải quyết cả nội dung tố cáo cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Vì trong thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo cận kề thời gian nghỉ hưu, không vượt qua sự cám dỗ bình thường, làm trái công vụ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và nhà nước.
"Báo chí có nhiều thuật ngữ rất hay, rất đúng như hội chứng nhiệm kỳ cuối, chuyến tàu vét, ga cuối cùng để thể hiện thực trạng đó. Câu hỏi đặt ra là tại sao thực tiễn có vấn đề mà pháp luật không điều chỉnh?", ông Cầu đặt câu hỏi.
Dự án Luật tố cáo (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào tháng 5/2018.