Người sống sót kể chuyện phải ăn tử thi trong tai nạn máy bay 45 năm trước
- 08:24 24-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Parrado không hối hận về quyết định ăn thịt bạn bè đã tử nạn để sống sót khi mắc kẹt trên dãy Andes 72 ngày. Ảnh: Parrado. |
Fernando Parrado mới 22 tuổi khi gặp tai nạn máy bay. Chiếc phi cơ Uruguayan Air Force chở 45 người là bạn bè, người nhà và một đội bóng bầu dục trên đường từ Uruguay tới Chile thi đấu đã rơi xuống dãy Andes hôm 13/10/1972, theo Sun.
Ngày thứ hai sau tai nạn, 17 người chết vì bị thương nặng, bao gồm mẹ của Parrado và người bạn thân nhất của anh. 8 ngày sau, em gái cũng qua đời trong vòng tay của Parrado. Sau gần hai tháng mắc kẹt trên núi tuyết, Parrado và một cầu thủ bóng bầu dục khác là Roberto Canessa đã vượt qua chặng đường núi 10 ngày để tìm người giúp đỡ. 72 ngày sau tai nạn, vào 23/12/1972, thời điểm đội giải cứu đến nơi theo chỉ dẫn của Parrado và bạn, chỉ còn 16 người sống sót.
Trên máy bay chỉ có một ít quần áo ấm, không có thực phẩm hay thuốc men hoặc bất kỳ máy móc nào có thể liên lạc với thế giới bên ngoài. Những người sống sót cố tận dụng những gì còn lại trên chiếc Fairchild FH-227D để tồn tại. Họ xé vỏ bọc ghế làm chăn giữ ấm trong thời tiết lạnh âm độ, chế thiết bị làm tan tuyết để lấy nước uống từ mảnh kim loại trong ghế ngồi.
Quyết định khó khăn nhất mà những người sống sót phải thực hiện là ăn thịt những người đã tử nạn.
"Đói là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất trong đời người", Parrado nhớ lại. "Không biết được khi nào thì ta được ăn tiếp là điều đáng sợ nhất đời người từng trải qua".
"Khi đó tôi nói rằng, 'Các anh ạ, tôi sắp chết rồi. Tôi đang chết mòn. Tôi sẽ chết sau 3,4,5,6,10 ngày nữa'. Nhưng ta lại không chết và khi đó, với tư cách là người sống, ta tự nhủ: 'Được rồi. Thực phẩm duy nhất chúng ta có ở đây là thi thể của bạn bè và tổ bay'", người đàn ông 67 tuổi kể về vụ tai nạn cách đây 45 năm.
"Khi có hai lựa chọn, ta sẽ phân tích rồi ra quyết định. Nhưng khi chỉ có một lựa chọn... Điều này chẳng có gì là phức tạp hay thần bí cả. Mọi thứ dễ dàng hơn ta tưởng vì đó là lựa chọn duy nhất".
Máy bay gặp nạn ở độ cao 3.600 mét so với mực nước biển. Ảnh: Parrado. |
"Bố tôi là người cực kỳ thực dụng, ông đã giáo dục tôi theo phương hướng này. Khi vượt qua thử thách sinh tồn đó, ngay ngày đầu tiên, bố đã dạy tôi: 'Nando này, con không thay đổi chuyện đã xảy ra được đâu. Nó cũng không phải là chuyện quan trọng nhất đời con. Con đã được tái sinh, đừng hủy hoại cuộc đời thứ hai mình có. Hãy tận hưởng cuộc sống đi'".
"Tôi làm theo lời bố dạy, tiếp tục sống. Tôi không mơ về quá khứ, không gặp ác mộng. Kể từ đêm đầu tiên ở bệnh viện sau khi được giải cứu, tôi chưa từng mơ về chuyện đã xảy ra. Thỉnh thoảng tôi có nghĩ lại, đó là khi tôi gặp chuyện khó giải quyết hoặc chuyện quan trọng. Tôi suy nghĩ và tự nhủ, ồ, còn chuyện gì khó khăn hơn nữa chứ?"
Ông Parrado đang sống ở Montevideo, trở thành một nhà sản xuất phim truyền hình thành công, chủ tịch một chuỗi cửa hàng bán đổ cổ thừa kế từ bố. Ông và vợ, bà Veronique, 58 tuổi, sống hạnh phúc 37 năm nay. Họ có hai con gái, hai cháu ngoại.
Parrado dành nhiều thời gian để giúp đỡ những người mắc chứng sang chấn tâm lý sau tai nạn. Ông là đồng tác giả hai quyển sách "Điều kỳ diệu trên dãy Andes: 72 ngày trên núi và chặng đường dài về nhà" và "Sống còn: Câu chuyện của những người sống sót trên dãy Andes". Ngoài ra, ông còn thực hiện nhiều bộ phim tài liệu nữa về vụ tai nạn năm 1972.