Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ tướng Đức Merkel còn giữ nổi quyền lực?

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang đối mặt với thách thức chính trị lớn chưa từng có, thậm chí có thể khiến bà phải ra đi.

Vào tối ngày 19/11, gần 2 tháng sau cuộc tổng tuyển cử ở Đức, Thủ tướng Merkel chính thức thông báo đã thất bại trong việc vận động các đảng nhỏ hơn vào liên minh cầm quyền.

 Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: VOX)

Theo tạp chí VOX, nếu không có thỏa thuận nào giữa các đảng ra đời sớm, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier sẽ buộc phải yêu cầu tổ chức bầu cử nhanh. Điều này chưa từng có tiền lệ ở Đức. Nó cũng là một tiến trình phức tạp, cần đến nhiều tuần lễ để thực hiện, đồng nghĩa với việc Đức sẽ rơi vào trạng thái bất ổn.

Tồi tệ hơn nữa, thế suy của Thủ tướng Merkel không chỉ là dấu hiệu cho thấy sự bất ổn của Đức, nó còn là nỗi lo của toàn châu Âu. Lâu nay Liên minh châu Âu (EU) vẫn trông cậy vào nữ chính trị gia tài ba này. Và giờ thì không rõ liệu bà có giữ nổi quyền lực nữa hay không.

Đó cũng là vấn đề nghiêm trọng đối với một lục địa đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có tiến trình đàm phán Anh rời khỏi EU (Brexit), hội nhập người tị nạn và một làn sóng chính trị cực hữu ngày càng lan rộng, từ Ba Lan tới Cộng hòa Séc và Áo.

Đó là chưa kể đến khía cạnh kinh tế. Nhờ bàn tay mạnh mẽ của Thủ tướng Merkel, nền kinh tế dồi dào sinh lực của Đức đã trở thành một nhân tố bình ổn quan trọng trong thời kỳ châu Âu khủng hoảng kinh tế. Khi vị thế của bà Merkel lung lay, các thị trường chắc chắn sẽ “run rẩy” theo.

Chính những người Dân chủ Tự do đã lật ngược các cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền ở Đức vừa qua. Họ không nhất trí với nữ Thủ tướng và các đối tác chính của bà về một số vấn đề then chốt, trong đó có người tị nạn, thuế và biến đổi khí hậu.

Điều khó cho bà Merkel hiện nay là lựa chọn nào cũng phức tạp. Bà có thể điều hành một chính phủ thiểu số, hay cố gắng thuyết phục các đảng trở lại bàn thương lượng nhằm tạo ra một chính phủ đa số, hoặc là phải lùi lại, chờ Tổng thống yêu cầu tổ chức cuộc bầu cử mới.

Hôm 20/11, Angela Merkel thừa nhận bà thiên về hướng tổ chức các cuộc bầu cử mới để có thể điều hành một chính phủ thiểu số luôn phải đấu tranh để đạt sự đồng thuận về mọi vấn đề.

“Quan điểm của tôi là bầu cử mới có thể là cách tốt hơn”, nữ Thủ tướng bày tỏ trên đài truyền hình Đức. Nhưng dù theo lựa chọn nào thì người dân Đức và châu Âu đều cảm thấy lo ngại.

Khi bầu cử diễn ra ở Đức ngày 24/9, Angela Merkel được dự đoán dễ dàng tiếp tục tại vị thêm 4 năm nữa. Nhưng đến tối ngày 19/11, bốn tuần thương lượng thành lập liên minh kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được. Các cuộc thương thảo diễn ra trên 3 chủ đề chính: người tị nạn, thuế và các sáng kiến biến đổi khí hậu.

Nhờ chính sách mở cửa cho người tị nạn của bà Merkel, 1,2 triệu người nhập cư đã chọn Đức là nhà của họ ngay từ đầu cuộc khủng hoảng năm 2015 tới năm 2016. Giờ đây, các đảng không thể dàn xếp bất đồng quanh việc cho phép người tị nạn đoàn tụ với các thành viên gia đình họ.

Tiếp đến là chuyện bỏ thuế “đoàn kết”, huy động tiền để giúp các khu vực từng thuộc Đông Đức hồi phục sau khi thống nhất. Hiện chưa rõ cách thức như thế nào và liệu có chấm dứt được chính sách này hay không. Và cuối cùng là bất đồng về các mục tiêu biến đổi khí hậu thông qua chính sách.

Giới phân tích cho rằng, kể cả bà Angela Merkel có thể lập được một chính phủ liên minh thì nước Đức sẽ trải qua một thời khắc thay đổi chính trị ở tầm rộng lớn hơn: bắt đầu khép lại nhiệm kỳ của bà.

“Bà ấy rất nổi tiếng, cả ở trong và ngoài Đức; tỷ lệ tín nhiệm bà vẫn rất cao” - David-Wilp thuộc Đảng Xanh nhận xét. Nhưng “hầu hết mọi người nghĩ thời đại của Merkel đang từ từ khép lại”. Điều đó có nghĩa là, giới phân tích bắt đầu để mắt đến phong cách lãnh đạo của Merkel và di sản của bà.

Nhưng với một châu Âu đang đối diện nước Nga ngày càng mạnh mẽ, nhiều câu hỏi được đặt ra ở vấn đề hội nhập, dòng người di cư, Brexit, và sự trỗi dậy của một làn sóng cực hữu mới ở khối Đông Âu cũ. Và sự đổi hướng của các sự kiện là không hề dễ dàng.