Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Miễn học phí THCS, lo ngại biến tướng các khoản thu

Một điểm mới trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành là miễn học phí tới bậc THCS. Dự kiến này đang nhận được khá nhiều bình luận.

Lo ngại biến tướng các khoản thu

Bàn về dự thảo, cô N.T.N (Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng, với việc miễn học phí đến cấp THCS sẽ đỡ công việc cho trường, và các phụ huynh thì chắc chắn sẽ phấn khởi.

“Nếu được vậy thì quá tốt, nhưng học phí gánh một phần cho ngân sách, vậy ngân sách liệu có kham nổi không? Tôi nghi ngại tính khả thi của điều đó. Trong khi Hiện nay nhà nước kêu gọi xã hội hóa và Nhà nước cũng chưa giàu”.

Đồng quan điểm, cô Trần Bích Liên (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội) cũng cho rằng nếu không thu học phí đến cấp THCS thì ngân sách của các quận sẽ phải cân đối để đảm bảo các hoạt động của nhà trường.

 "Nếu không giám sát tốt, không đủ ngân sách, không minh bạch, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tìm mọi cách tận thu, lạm thu như bậc tiểu học"


Bên cạnh các ý kiến đồng tình, không ít người bày tỏ sự e ngại về những biến tướng của tình trạng thu chi trong trường học nếu việc miễn học phí THCS được thực hiện

Anh Võ Quốc Bình, người từng viết đơn gửi Chính phủ yêu cầu giải tán Hội phụ huynh, nhận xét rằng miễn học phí THCS là cố gắng của ngành giáo dục và chủ trương của Nhà nước. "Nếu thực hiện đúng và đủ, tôi rất hoan nghênh và đón nhận. Tuy nhiên, phải xem lại vấn đề ngân sách phân bổ cho giáo dục đã ổn chưa? Có đảm bảo các trường THCS tự sống được hay không? Và phải minh bạch cũng như nâng cao công tác quản lý, giám sát" - anh Bình đề xuất.

“Nếu không giám sát tốt, không đủ ngân sách, không minh bạch, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng tìm mọi cách tận thu, lạm thu như bậc tiểu học. Điều này sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy mà chính phụ huynh lại "lãnh đủ". Bỏ một khoản thu này để đẻ ra nhiều khoản thu khác là rất bất cập, “mèo lại hoàn mèo thôi” - anh Bình lo ngại.

Theo anh Bình, dù chủ trương đúng nhưng cách thực hiện, giám sát như thế nào mới quan trọng. Khi mà tình trạng lạm thu kiểu "BOT học đường" vừa lắng xuống ở bậc tiểu học - vốn không thu học phí - nay có nguy cơ lây sang bậc THCS nữa thì không nên.

“Việc miễn, giảm học phí thật ra không có ý nghĩa gì nếu tổng chi phí năm học của mỗi học sinh vẫn tăng cao và là gánh nặng cho phụ huynh. Vì vậy, vấn đề chính là cần xem xét thấu đáo, cặn kẽ tất cả các khoản thu được phép của nhà trường để cân bằng với chi phí và ngân sách. Mục đích cuối cùng là con số tổng chi cho mỗi năm học phải thực sự giảm” - anh Bình nêu quan điểm.

Theo anh Bình, nên miễn học phí khi nội lực tài chính của trường đủ và ngân sách ngành giáo dục phải đảm bảo.

Anh Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên tại TP.HCM, cũng bày tỏ sự ủng hộ việc miễn học phí tới bậc THCS, "vì điều này chứng tỏ phổ cập giáo dục càng ngày càng phát triển". Nhưng anh Du cũng đồng quan điểm rằng nếu nguồn đầu tư của nhà nước vào bậc THCS tốt thì việc miễn học phí mới hiệu quả.

Cần có sự minh bạch

Anh Nguyễn Nam Hà nhìn nhận "Thật ra mức học phí không hề cao, chỉ 100 nghìn đồng/tháng/học sinh, và phụ huynh hoàn toàn vui vẻ đóng. Tuy nhiên, còn hằng hà các phí khác như vệ sinh bán trú, quản lý bán trú, học buổi 2, văn thể mỹ, chuyên ngành (cũng các môn Sinh, Sử, Địa, Văn, Toán, Anh văn... học vào buổi chiều), ngoại ngữ tăng cường, ngoại ngữ bản ngữ... Tóm lại, mỗi tháng học sinh đóng khoảng hơn 2 triệu đồng cả tiền ăn trưa (35 nghìn đồng/ bữa)".

 

"Phụ huynh cuối cùng vẫn chỉ mong một số hiệu trưởng đừng " vẽ" và dùng "thuật ngữ" trên các hạng mục để thu tiền, vì thật ra chúng tôi, dù không nói ra nhưng thấy nực cười và đôi lúc cảm giác như bị lợi dụng" - anh Hà bày tỏ.

Còn theo phụ huynh Võ Quốc Bình, cần xem lại chiến lược và kế hoạch của giáo dục hiện nay. “Thực tế bây giờ nghe cái gì mà xã hội hoá là sợ. Nếu huy động nguồn lực xã hội hoá hay đầu tư giáo dục thì trước hết phải minh bạch, phải có kiểm tra, giám sát tốt, chứ không nên lợi dụng xã hội hoá để biến tướng như nhiều năm vừa qua”.

Theo anh Bình, trong dự thảo Luật Giáo dục mới nếu có sửa đổi, bổ sung để việc huy động xã hội hoá đúng nghĩa và theo chiều hướng tốt, không bị biến tướng thì “cần phải có tổ chức giám sát độc lập cho việc huy động này”. Và phải tách biệt tài chính riêng với giáo dục. Điều này có thể học hỏi mô hình của các trường quốc tế là "chất lượng quyết định giá thành”.

"Cụ thể là giao chỉ tiêu về cho nhà trường, công bố rõ ngân sách “rót” xuống cho từng trường để tổ chức giám sát thu chi minh bạch. Ngoài các khoản mà ngân sách đảm bảo, các hoạt động nào được phép huy động nguồn lực xã hội hoá thì huy động, dĩ nhiên là phải có giám sát độc lập. Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm nếu có xảy ra sai phạm về lạm thu, không "đá bóng" sang Ban Đại diện Cha mẹ học sinh nếu điều đó xảy ra. Tổ chức giám sát này không liên quan đến trường mà như là bên thứ 3 giám sát việc huy động xã hội hoá” - anh Bình đề đạt.