Quỳ Châu (Nghệ An): Cháu bé mồ côi cần được giúp đỡ
- 09:46 17-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Túp lều rách nát của Hòa. |
Những năm 90 của thế kỷ trước, khi gỗ lim Quỳ Châu được biết đến là vô đối. Từng dòng người dưới xuôi rủ nhau lên rừng khai thác gỗ, đã mang theo ma túy. Và chỉ trong thời gian ngắn cơn lốc ma túy đã cướp đi tất cả sự bình yên của những bản làng nơi đây. Từng người đàn ông ra đi vì AIDS, để lại cho vợ căn bệnh nghiệt ngã, rồi những đứa con thơ bơ vơ giữa dòng đời xa lạ.
9 tuổi Lim Văn Hòa, đã không còn cả cha lẫn mẹ. Một mình côi cút trong căn lều rách nát. Lúc nào cũng ước ao có một gói mì tôm để ăn cho đỡ đói. Nước da xanh xao và đôi mắt luôn thường trực một nỗi buồn khó tả.
Hàng ngày Hòa sống côi cút một mình trong căn lều rách hết sưc tội nghiệp. |
Năm 2011, bố của em là anh Lim Văn Vinh qua đời vì AIDS, khi em mới được 2 tuổi. Gánh nặng công việc của gia đình đổ hết lên đầu mẹ em là chị Vi Thị Vân. Để có tiền nuôi con chị Vân đã lăn lộn khắp nơi, làm mọi công việc nặng nhọc. Do công việc vất vả, cùng nỗi nhớ đứa con thơ ở nhà đã khiến chị Vân lâm bệnh. Năm 2012, cậu bé Lim Văn Hòa phải chịu một nỗi đau ghê gớm, khi mẹ em là chị Vi Thị Vân cũng bỏ em mà đi về thế giới bên kia. Ngày đám tang chị Vân, người dân trong bản Kẻ Nính không ai kìm được nước mắt khi thấy đứa trẻ thơ dại ngồi khóc bên quan tài của mẹ.
Sau khi bố mẹ qua đời em về ở cùng bà nội, bà đã già yếu nhưng hàng ngày vất vả để lo cho em bữa cơm, bữa cháo. Rồi tuổi già cùng bệnh tật đã cướp đi chỗ dựa cuối cùng của Hòa. Bà ra đi để lại mình em trong căn nhà lụp xụp chắng có thứ gì đáng giá, chỉ có chiếc giường ọp ẹp, vài thứ đồ cũ nát.
Đêm đêm một mình hòa trong túp lều dột nát |
Hiện tại, em Hòa đang là học sinh lớp 4A trường tiểu học Châu Hạnh 2, ( xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu). Tuy hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng năm nào Hòa cũng là học sinh giỏi của trường. Ngoài giờ học, và những ngày nghỉ em tranh thủ về nhà dọn dẹp và đi chăn thả 5 con bò cho bác trai là Lim Văn Thuận.
Nói về hoàn cảnh của em Hòa, Thầy Vi Minh Tuyến, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A, trường tiểu học Châu Hạnh 2, cho biết. “ Thường đầu năm học mới, giáo viên nhà trường người thì mua cho em bộ quần áo, người thì mua sách vở. Chúng tôi cũng đăng ký cho em ăn sáng tại quán gần trường, mỗi bữa năm ngàn xôi. Một tháng, chúng tôi hỗ trợ cho em 25 cân gạo, một số nhà hảo tâm đã quyên góp mua cho em chiếc xe đạp để có điều kiện để đi lại học tập. Tôi đã đưa em về nhà để nuôi chăm sóc em để em có cuộc sống tốt hơn nhưng em không chịu. rồi một vài người ngoài thị trấn vào xin chính quyền địa phương đưa em về nuôi nhưng em cũng không chịu. Em sống trong nhà lụp xụp này một mình mọi người thấy thương lắm. Em không muốn rời xa túp lều của mình, có lẽ nó là nơi gắn bó tình cảm của em với bố mẹ và ông bà từ khi còn thơ. Chúng tôi mong muốn chính quyền, mặt trận các cấp hỗ trợ để em có căn nhà nho nhỏ”.
Những vật dụng trong túp lều của Hòa đều đã cũ nát không còn dùng được |
Không có góc học tập riêng nên Hòa thường nằm ra sàn nhà để học bài. Em viết chữ rất đẹp. Để làm được điều đó, tối nào Hòa cũng nằm ra sàn tập viết đi viết lại những đoạn văn mẫu mà mình yêu thích khi học ở lớp và nhờ thầy giáo chỉnh sửa sau khi hoàn thành. Nhìn cách cậu bé nắn nót từng chữ trên tập vở trắng, ai cũng cảm phục trước nghị lực, sự hồn nhiên của em.
Hằng ngày, Lim Văn Hòa vẫn đều đặn đến trường. Quãng đường hơn 3 cây số có hôm thật dài mỗi khi xe hỏng khiến em phải dắt bộ qua những con khe hay những đoạn đường đồi đất dốc. Những ngày mưa lũ nước dâng cao, em buộc phải đứng ven đường để xin người lớn đi nhờ từng quãng.
Thầy giáo chủ nhiệm Vi Minh Tuyến, cho biết thêm: “Từ ngày bà mất em trở nên trầm hơn. Tuy không phải đi xin ăn nhưng cuộc sống của em rất vất vả, thiếu thốn đủ bề. Mặc dù còn có nhà bác ngay bên cạnh đón em về ở nhưng em chỉ xin về ăn cơm còn hằng đêm vẫn về lại nhà cũ ngủ vì nhớ mẹ, nhớ ông bà. Có lẽ vì lòng tự trọng khi thấy gia đình bác cũng có hoàn cảnh khó khăn, lại phải nuôi các em nhỏ nên em không muốn mình trở thành gánh nặng cho hai bác”.
Ánh mắt buồn mỗi lúc hoàng hôn nhớ bà, nhớ mẹ |
Cô giáo Trương Thị Châu, một giáo viên trong trường, cho hay, dù vượt cả quãng đường xa để đi học nhưng em hiếm khi em bỏ học, nhiều hôm không có gì ăn, đến lớp trong trạng thái mệt lả nhưng Hòa vẫn không bỏ học. Thương cho hoàn cảnh của em, các thầy cô trong trường và những người hàng xóm tốt bụng đã động viên và tổ chức quyên góp, ủng hộ để Hòa có thêm tiền mua sách vở và trang trải cuộc sống, chỉ mong em không dang dở ước mơ đến trường.
Vất vả là vậy nhưng trong lớp, em luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và luôn là học sinh đứng tốp đầu. Những thành tích ấy khiến các thầy cô và bạn bè trong lớp hết sức cảm phục.
Bà Nguyễn Thị Châu, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo Quỳ Châu, cho hay: “Hoàn cảnh của em Hòa, chúng tôi biết, hiện đang giao cho trường và các giáo viên tạo điều kiện giúp đỡ em. Phòng cũng đã báo cáo huyện để có những kêu gọi giúp đỡ em Hòa”.
Chia tay Hòa, chúng tôi vượt qua những đoạn đường đèo dốc để trở về thành phố. Hòa đứng nhìn theo trong ánh mắt vẫn toát lên niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ đến với mình. Lim Văn Hoà cần lắm những tấm lòng hảo tâm./.