Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ngày 20/11: Những truyện ngắn cảm động về thầy cô

Không chỉ là những bài thơ, những câu chuyện ngắn cảm động về thầy cô ngày 20/11 cũng là lời tri ân sâu sắc nhất của học trò gửi đến các thầy cô giáo.

Người thầy trong trái tim em

 Nhờ những bài giảng của cô mà chúng tôi thêm yêu môn Văn (Ảnh minh họa).

Trong mỗi đời người, luôn tồn tại những kí ức, có những kí ức vui ta muốn nhớ mãi nhưng cũng có những kí ức buồn ta muốn quên đi. Đối với tôi, kí ức khiến tôi muốn nhớ mãi là thời học trò trong những năm cấp II.

Mỗi năm học trôi qua, tôi đều có thêm người thầy, người cô để ghi nhớ trong trái tim mình và năm nay cũng vậy. Chỉ trong khoảnh khắc vài tháng, cô giáo dạy Văn của tôi đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc.

Ắt hẳn các bạn ngồi đây cảm thấy lời của tôi là nghịch lý. Tôi đang học lớp 9 thì lẽ ra tôi phải viết về những thầy cô trong các năm học trước của mình, nhưng tôi lại viết về người cô đang dạy tôi trong năm học này?

Có thể đối với những bạn khác, cô chỉ mới đứng lớp trong hai tháng. Nhưng với tôi, cô đã gắn bó hơn sáu tháng rồi.

Cô đã dạy môn Văn cho tôi trong suốt ba tháng hè. Và đó cũng là khoảng thời gian tuyệt vời nhất đối với tôi. Cô là một người rất tận tụy, giảng giải chu đáo cho học sinh.

Khi cô giảng bài, giọng nói ấm áp, truyền cảm của cô đã thu hút chúng tôi vào bài học. Cô giảng giải, phân tích từng chi tiết nhỏ nhất của bài học, cho học sinh cảm nhận ý nghĩa của từng chi tiết đó rồi phát triển thành những lời văn sâu sắc, đầy ý nghĩa.

Nhờ những bài giảng của cô mà chúng tôi thêm yêu nàng Kiều mười lăm năm lưu lạc, thêm yêu Vũ Nương – người con gái tư dung tốt đẹp. Những bài mà trước đây đọc không hiểu, giờ đây chúng tôi thấy nó mới hay, mới sâu sắc làm sao!

Người ta thường nói tiết Văn là tiết ru ngủ nhưng điều kỳ lạ là khi cô giảng chúng tôi càng cảm thấy thú vị hơn, ý nghĩa hơn. Chắc có lẽ chính nhờ vậy mà cô luôn được học sinh chúng tôi yêu mến.

Khi vào năm học, tôi vui sướng biết bao khi được cô làm chủ nhiệm. Trong vai trò chủ nhiệm, cô trông nghiêm túc hơn hồi hè.

Khi lớp hạng cao, cô khuyến khích, khen thưởng, mỗi lần lớp hạng thấp, cô nhắc nhở, động viên lớp cố gắng hơn. Mẹ tôi cũng là một giáo viên chủ nhiệm nên tôi có thể hiểu được sự vất vả, nặng nề thế nào khi đảm nhận chủ nhiệm một lớp cuối cấp.

Càng hiểu nỗi vất vả của cô bao nhiêu, tôi càng quyết tâm phải giúp lớp lấy được hạng cao bấy nhiêu. Có thể đối với các lớp khác, tiết chủ nhiệm luôn là tiết nặng nề nhất, bởi tiết đó luôn khiến các bạn khác lo sợ vì bị mắng.

Nhưng với lớp tôi, giờ chủ nhiệm lại được nghe những câu chuyện hay, ý nghĩa trong cuộc sống. Tôi yêu những câu chuyện đó vì nó luôn giúp chúng tôi rút ra được những bài học quý giá cho riêng mình.

Tôi đã từng đạt giải Ba trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 8. Có lẽ vì vậy mà cô kỳ vọng vào tôi trong kỳ thi năm nay. Tôi tự hứa mình phải cố gắng hơn, mình phải đậu để không khiến cô thất vọng. Nhưng tôi đã thất bại.

Những tưởng cô sẽ la mắng, trách móc tôi, nhưng không. Tôi vẫn nhớ mãi câu nói của cô khuyến khích các bạn trong lớp: “Cho dù các con thi không đậu cũng đừng buồn, vì các con còn nhiều cơ hội khác để bắt lấy.”

Nhưng thật sự cô càng khuyến khích thì tôi lại càng thấy lòng day dứt hơn. Tôi đã tự hỏi với lòng mình tôi đã cố gắng hết sức chưa, tôi đã tập trung vào môn Văn chưa?

Mặc dù vậy, cô vẫn không hề la rầy, trách cứ tôi một lời nào mà vẫn dịu dàng động viên, an ủi tôi. Chính điều đó sẽ là động lực cho tôi bước tiếp và cố gắng, nỗ lực hơn nữa trên con đường học vấn của mình.

Lớp chúng tôi có một bạn tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng học rất giỏi. Cả nhóm chúng tôi tổ chức sinh nhật cho bạn đó nhưng trong lớp lại có bạn nói: “Tại sao chỉ có sinh nhật bạn đó là tổ chức còn sinh nhật tụi mình thì không tổ chức?”.

Nghe thấy câu nói đó, cô đã nói: “Gia cảnh bạn khó khăn, có lẽ mấy năm nay cũng chưa có được một ngày sinh nhật cho mình, tuy ở đây chỉ là một chút gì đó nhỏ thôi nhưng ít nhất cũng khiến bạn cảm thấy vui…”.

Nói đến đây, cô đã khóc. Nhìn giọt nước mắt của cô rơi xuống mà lòng chúng tôi chạnh lại. Chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ từ lời nói của cô thôi mà đã khiến chúng tôi hiểu được thế nào là sự sẻ chia, thế nào là ấm áp tình bạn.

Giọt nước mắt ấy đã khiến chúng tôi phải nhìn lại mình. Chúng tôi được sống trong hoàn cảnh đầy đủ, may mắn hơn thì tại sao lại không chia sẻ sự may mắn đó cho người bạn của mình để họ cảm thấy lòng ấm áp hơn?

Khi nhìn những giọt nước mắt ấy, tôi chợt nhận ra cô không chỉ là một giáo viên tận tụy mà còn là một người đồng cảm với học sinh, luôn cố gắng thấu hiểu học sinh của mình.

Văn của tôi không bóng bẩy, trau chuốt, cũng không đặc sắc như những bài văn mà các bạn đã đọc. Khi tôi viết những dòng cảm nhận này, tôi chẳng nghĩ rằng mình sẽ được giải.

Tôi chỉ viết bằng tấm lòng yêu thương, kính trọng cô từ sâu thẳm trong con tim mình. Tôi không nêu tên cô ra vì tôi nghĩ các bạn cũng có thầy giáo, cô giáo dạy Văn như tôi và tôi cho rằng cô cũng không thích như vậy.

Sáu tháng, chưa đầy một năm nhưng cô đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc. Cô như là nguồn cảm hứng cho những bài văn của tôi và nếu mái trường là ngôi nhà thứ hai thì cô chính là người mẹ thứ hai của tôi.

Cô ơi, con cảm ơn cô vì những gì cô đã dành cho con, con sẽ cố gắng để thành công và “gặt được nhiều lúa vàng” trong cuộc sống.

Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử

 

 Tôi sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô (Ảnh minh họa).

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn.

Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.

Tôi lại thấy bóng dáng của cô đang giảng bài trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc.

Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường.

Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.

Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp.

Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.

Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương.

Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm nhưng có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên.

Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu các câu chuyện lịch sử, cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó.

Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.

Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy.

Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt.

Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”, cô nhắc chúng tôi.

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên Văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử.

Khi còn học ở THCS tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.

Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu.

Cô thường dặn chúng tôi: “Muốn học được môn Lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”.

Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.

Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dạy cách đối nhân xử thế ở đời. Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng.

Cô vẫn ví cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy. Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ sẩy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.

Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo.

Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.

Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời.

Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.

Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó. 

Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.