Nhiều vụ án tham nhũng được phát hiện do mâu thuẫn nội bộ
- 10:30 16-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng 16/11, trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14.
Một trong những vấn đề còn bất cập là việc giải quyết khiếu nại tố cáo về tham nhũng, lãng phí. Cử tri nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Yên Bái, Long An, Thanh Hóa, Đồng Tháp, Nghệ An, Trà Vinh… nhận xét các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng.
"Nhiều vụ việc tham nhũng được phát hiện do tố cáo của người dân hoặc mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua công tác thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng người dân phải lót tay để giải quyết công việc còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng", trưởng ban Dân nguyện dẫn chứng.
Đánh giá của PAPI 2016 cho thấy, tỷ lệ người dân nói họ phải “lót tay” công chức để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng. Khoảng 54% số người dân được hỏi cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước (năm 2011 tỷ lệ này là 46%, năm 2015 là 51%).
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH |
Kiến nghị minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ
Bà Hải cho biết, cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đồng Nai, Quảng Ngãi kiến nghị cần công khai, minh bạch trong thi tuyển công chức, bổ nhiệm cán bộ, quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư và thu phí các dự án BOT.
Việc công khai, minh bạch trong nhiều lĩnh vực còn rất hạn chế. Thực tế cho thấy, Luật có quy định nhưng việc thực hiện còn hình thức, nhất là minh bạch trong công tác cán bộ, tài chính, đầu tư dự án, lập danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, kế hoạch sử dụng đất... và rất ít cơ quan bị nhắc nhở, xử lý.
"Điều 24 Luật Tiếp công dân yêu cầu Lịch tiếp công dân của Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh phải được công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan, nhưng truy cập vào Cổng thông tin điện tử của các cơ quan này chỉ có 28/63 tỉnh công bố lịch tiếp công dân; 34/63 tỉnh không công bố; 1 tỉnh không truy cập được; chỉ có 3/22 bộ, cơ quan ngang bộ công bố; 19/22 bộ, cơ quan ngang bộ không công bố", bà Hải dẫn chứng.
Những phản ánh về hành vi, thái độ, đạo đức của một số cán bộ xã, phường làm công tác tiếp công dân cũng chưa được Chính phủ giải quyết hiệu quả. Vẫn còn hiện tượng cán bộ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân không đủ trình độ, trách nhiệm như vụ cấp giấy chứng tử tại phường Văn Miếu (Hà Nội); vụ xác nhận lý lịch để đi học, đi làm ở xã Duyên Hà (Thanh Trì, Hà Nội), xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa), xã An Bình (Nam Sách, Hải Dương)...
Đề xuất lấy giải quyết kiến nghị cử tri làm căn cứ tín nhiệm
Trước thực trạng trên, Ban Dân nguyện kiến nghị các đại biểu có đánh giá về kết quả giải quyết kiến nghị cử tri với từng Bộ trưởng, trưởng ngành, làm căn cứ phục vụ việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ban Dân nguyện đồng thời đề nghị Chính phủ cầu chỉ đạo các bộ, ngành có giải pháp khắc phục; Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, đảm bảo điều kiện người dân được thực hiện quyền giám sát.
"Các bộ, ngành, địa phương chú trọng bồi dưỡng năng lực, đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức, đặc biệt là công chức hàng ngày tiếp xúc với dân để giải quyết các thủ tục hành chính. Tìm giải pháp khả thi phát hiện và xử lý nghiêm hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, nạn lót tay, phong bì để giải quyết công việc", bà Hải đề nghị.
Qua gần 1.600 cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp thứ 3, 63 đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp được khoảng 2.500 kiến nghị có nội dung thuộc tất cả các lĩnh vực của xã hội. Các kiến nghị đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, toàn bộ các kiến nghị đã được trả lời. |