Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


'Cán bộ đi đánh golf là quyền tham gia thể dục thể thao'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt cho rằng Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện cho công dân rèn luyện thể dục thể thao.

Chiều 15/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.

Một trong những phạm vi sửa đổi của dự Luật là thể dục thể thao quần chúng, với việc bổ sung quy định để tạo ra cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự đóng góp của xã hội về tài chính, vật chất và trí tuệ cho lĩnh vực này.

Qua thẩm tra, Ủy ban Văn hóa Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng thống nhất với quan điểm trên, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định hiện hành về thuế, tín dụng, đất đai, để đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp giữa dự Luật với các Luật khác khi đưa ra chính sách khuyến khích.

Góp ý vào nội dung thể dục thể thao quần chúng, ông Nguyễn Bắc Việt - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, cho rằng rèn luyện thân thể là quyền con người.

"Thực tế đang có vấn đề, người dân tham gia thể dục thể thao thì được nhưng cán bộ, nhất là lãnh đạo chủ chốt mà tham gia thì sẽ có ý kiến tại sao không lo làm việc lại đi thể dục thể thao", ông Việt nói.

Theo ông Việt, cần khẳng định quyền tham gia rèn luyện thân thể là của mỗi người. "Nếu luật chưa thể hiện thì cần phải khẳng định, để cán bộ lãnh đạo có đi đánh golf, đánh tennis thì yên tâm, bởi đây là quyền", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Phó bí thư Ninh Thuận cũng cho rằng, trong luật đã khuyến khích cán bộ, công chức tham gia các hoạt động thể dục thể thao thì cần tạo điều kiện, cần quan tâm đầu tư, hỗ trợ để có nơi tập, có trang thiết bị.

"Chỗ này thực tế nhiều nơi đang yếu, cán bộ, công chức, người lao động không có nơi để tham gia thể dục thể thao như bóng bàn, bóng chuyền, rồi tennis và đánh golf", ông Việt cho hay.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt, Phó bí thư tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: QH

 

Đại biểu Lưu Thành Công - Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, nêu vấn đề, sau nửa thế kỷ, chiều cao thanh niên Việt Nam tăng lên rất ít, chỉ 3 cm.

"Qua các đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự gần đây, số thanh niên sức khoẻ tốt chiếm tỷ lệ không cao. Đây là vấn đề đặt ra cho công tác giáo dục thể chất, rèn luyện thể lực hiện nay", ông Công nói.

Vì vậy, ông Công đề nghị luật cần tập trung đưa ra được các cơ chế, chính sách để phát triển thể dục thể thao quần chúng.

"Phải xem đây là nhiệm vụ chính trị, vấn đề hệ trọng quyết định sự sinh tồn của cả dân tộc. Giàu có đến mấy nhưng không có sức khoẻ thì cũng bằng không", ông Công nói.

"Đừng để luật không quy định về cá cược nhưng thực tế lại bùng nổ"

Trình bày với Quốc hội về nội dung đặt cược thể thao, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho hay có 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý bổ sung quy định về việc này vào dự Luật.

Hiện Chính phủ đã cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế ở cấp độ nghị định. Tuy nhiên, đa số thành viên Chính phủ cho rằng đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định ở cấp văn bản cao hơn, ở một đạo luật và chỉ giới hạn trong một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện. Chính phủ sẽ quyết định danh mục và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

Bên cạnh nhóm ý kiến nêu trên, có 4/27 thành viên Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo Luật, vì đây là vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Trong khi đó, nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31/3, cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi sẽ quy định vào Luật.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương, cho hay ở Việt Nam thì cá cược thể thao còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng các nước khác thì rất phổ biến.

GS Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương. Ảnh: QH

 

"Họ cho cho dân cá cược thể thao và quản lý tốt, không có rối loạn xã hội. Ở Việt Nam, dù không cho phép nhưng nhiều nơi vẫn diễn ra hiện tượng này", ông Trí phản ánh.

Với tư cách là người "cả đời không biết đến cờ bạc, cá cược", ông Trí đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề trên nghiêm túc để Luật hóa cá cược thể thao.

"Ta không ủng hộ cờ bạc, nhưng cần ủng hộ thú vui của người đời. Đừng để bỏ rơi không quản lý cá cược thể thao, để rồi nó bị biến tướng xấu". ông Trí nói.

Theo ông, Quốc hội không nên tiếp cận theo cách gặp vấn đề khó thì bỏ qua hoặc cấm. "Đừng để đặt cược thể thao trong luật thì cấm nhưng thực tế xảy ra lén lút hoặc thậm chí bùng nổ", ông nhấn mạnh.

Cùng ý kiến với GS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Phan Thái Bình cho rằng cần sớm đưa cá cược thể thao vào Luật.

"Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, tuy nhiên dù chúng ta không quy định trong luật thì thực tiễn đã và đang diễn ra. Chúng ta để tràn lan như vậy hay chúng ta có hành lang pháp lý để quản lý", ông Bình nói.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp tiếp theo, dự kiến tháng 6/2018.