Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chê Bolero là sến sẩm, lạc hậu mà sao vẫn nghe?

Sự trở lại của Bolero dẫn đến những cuộc tranh luận không hồi kết giữa người thích và không thích dòng nhạc này. Tranh cãi kịch liệt về trào lưu nghe Bolero đã lên đến đỉnh điểm.

Clip Erik hát Con đường xưa em đi khá nồng nàn:

[presscloud]http://media.nghean24h.vn/video/2017/11/15/erik_hat_con_duong_xua_em_di.mp4[/presscloud]

Boléro rầm rộ “đổ bộ” sóng truyền hình

Mùa 4 của chương trình Cặp đôi hoàn hảo trở lại sóng truyền hình tương đối kín tiếng. Đáng lưu ý là format được đôi chút, biến cuộc thi thành sân chơi của toàn ca sĩ trẻ được yêu thích thử sức với Bolero.

Cặp đôi hoàn hảo chỉ là một trong rất nhiều chương trình có dính dáng đến Bolero. Còn nhớ, năm 2014 được xem là thời điểm mà Bolero bùng nổ. Dòng nhạc tưởng chừng sẽ “tàn hơi” như cải lương, sau nhiều năm nằm yên ắng giữa thị trường nhạc trẻ xô bồ. Như quy luật tất yếu, dòng nhạc trẻ “mì ăn liền” vừa thoái trào thì Bolero liền tái xuất huy hoàng.

 Bolero nhan nhản trên truyền hình, mở đài nào cũng có.

Một thống kê không đầy đủ cho biết nếu hiện tại trong hơn 40 gameshow/reality show thì ước tính có khoảng 10 chương trình thuần tuý hát Boléro và 10 chương trình có liên quan hoặc sử dụng nhạc Bolero. Cá biệt, nhà sản xuất Truyền thông Khang gần như khai thác triệt để dòng nhạc này cho loạt chương trình: Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero…

Những cuộc thi như Thần tượng Bolero, Tuyệt đỉnh song ca… lần lượt ra đời nhằm đáp ứng “cơn khát” Boléro những năm gần đây. Một số chương trình như Tình ca Việt, Sol Vàng, Nhân tố bí ẩn hay chính Cặp đôi hoàn hảo, thuộc nhóm “ngả màu” Bolero. Các cuộc thi ca hát trẻ em hầu như đều có một vài tiết mục Bolero về chủ đề tình bạn, tuổi học trò và tình yêu quê hương. Thậm chí Bolero còn len lỏi vào gameshow thuộc lĩnh vực khác như diễn hài, diễn kịch.

Chương trình duy nhất dám tuyên bố “cấm cửa” Bolero là Giọng hát Việt năm 2017. Song ngay trong vòng thi đầu tiên, đã có một thí sinh được chọn nhờ hát phá cách ca khúc Thành phố buồn – một bài theo thể điệu slow-rock, cũng thuộc nhạc vàng.

 Lệ Quyên là nữ ca sĩ được yêu mến ở dòng nhạc Bolero 

Không chỉ ở phạm vi truyền hình, showbiz cũng gần như là sân đua Bolero của các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ thi nhau ra album, làm liveshow về Boléro và phần lớn đều thành công như mong đợi. Đàm Vĩnh Hưng trước đây hát đủ thể loại nhạc nhưng hiện tại anh gần như tập trung vào Bolero. Nhóm nghệ sĩ thử sức với Boléro có thể kể đến: Hà Trần, Hồ Quỳnh Hương, Thanh Thảo, Thuỷ Tiên... trong đó Lệ Quyên là thành công nhất và hiện tại sự nghiệp của cô hầu như chỉ gắn chặt với dòng nhạc này. Đó là chưa kể vô số ca sĩ hạng B, C là thí sinh bước ra từ những cuộc thi Bolero thuần tuý hoặc chuyển sang hát Boléro.

Trong lĩnh vực phát thanh, các nhà đài cũng chiều thính giả hơn khi tăng thời lượng phát nhạc Boléro. Những đài VOV, VOH... đều có động thái dành thêm "đất" phát Boléro trong các chương trình hàng ngày.

Đông sinh tạp

Sự đổ bộ rầm rộ của Boléro lên sóng truyền hình tạo nên bố cục mới cho truyền hình Việt. Một nhóm khán giả lại càng say sưa hơn vì giờ đây mở đài nào cũng nghe Boléro. Song một nhóm khác cảm thấy khó chịu khi dòng nhạc yêu thích của mình bị “hành hạ” ngày này qua ngày khác bởi những giọng hát không đủ tư cách.

Quay trở lại với cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo. Sau 5 tập lên sóng, dù thu hút không ít sự quan tâm từ công chúng nhưng đâu đó vẫn nổ ra những tranh luận về khả năng hát Bolero của các thí sinh. Đơn cử như trường hợp của Hoà Minzy. Cô bị chê giọng chua, đãi chữ nhão nhoẹt và hát vô hồn, gần như không tương thích với Bolero.

Dù vậy, Hoà Minzy vẫn được khen hết lời và vừa thắng giải Nhất tuần thi vừa rồi. Xem chừng trường hợp của nữ ca sĩ chưa phải là cá biệt. Trong cuộc thi Thần tượng Bolero, loạt cái tên như Triều Quân, Mai Hường, Hellen Thuỷ… cũng làm nảy sinh phản ứng trái ngược. Những thí sinh này tiến rất sâu, được bộ tứ HLV khen lên mây nhưng khán giả thì chê bai tan nát.

 Sau "Thánh nữ Bolero" Jang Mi, "Ngọc nữ Bolero" Hellen Thuỷ thì mới đây nhất là Hoà Minzy được phong "Công chúa Bolero".

Người ta cứ nghĩ “người người hát, nhà nhà nghe” là dấu hiệu của sự phục hưng dòng nhạc vàng son một thuở. Song thực chất trào lưu hát Boléro cũng đang dần bộc lộ mặt trái của nó: đông sinh tạp.

Tự bao giờ mà Bolero “bị” hát một cách bất chấp ở bất cứ đâu, bởi bất cứ ai và theo bất cứ phong cách gì. Bolero hiện tại không còn là dòng nhạc của riêng lớp khán giả có tuổi. Vì vô số người trẻ cũng mê đắm đuối những bài ca não tình rền rĩ. Xem truyền hình chán chê, bước ra phố từ hàng quán, vũ trường đến sân khấu “chuồng gà” đều có thể nghe Bolero. Dĩ nhiên tuỳ địa điểm mà Bolero cũng muôn màu muôn vẻ: từ thể điệu nguyên thuỷ ở Tây Ban Nha đến kiểu remix xập xình vô cùng phản cảm.

Một nghệ sĩ từng nói chưa bao giờ anh thấy nhạc Bolero dễ kiếm tiền như thời điểm hiện tại. Rất nhiều ca sĩ từ vô danh đến có tiếng tăm đổ xô hát Bolero theo trào lưu chung.

Thậm chí nếu vô danh và cũng không phải ca sĩ vẫn có thể đổi đời nhờ Bolero. Đơn cử như trường hợp của Jang Mi – một hot girl với vẻ ngoài xinh xắn. Cô cover nhiều thể loại nhạc nhưng chỉ nổi tiếng nhờ những clip hát Bolero. Trên Youtube, clip cover bài 'Vùng lá me bay' đạt 11 triệu lượt xem, Duyên phận đạt 38 triệu lượt, Trả lại thời gian đạt 11 triệu lượt... đều là những con số mà nhiều ca sĩ chuyên nghiệp phải ao ước.

Đùng một cái, Jang Mi được tôn xưng thành “Thánh nữ Bolero”, chính thức gia nhập làng giải trí với tư cách ca sĩ dù cả “gia tài” của cô chỉ có dăm ba clip cover không đáng kể. Jang Mi hát trơn tuột, chỉ dừng ở mức dễ nghe. Giọng cô không có nền tảng gì, chứ chưa nói đến chiều sâu hay trải nghiệm.

Đừng hát Bolero như “theo đóm ăn tàn”

Bolero là thể loại nhạc bình dân, ai cũng có thể hát. Nhưng để hát hay, người hát đòi hỏi phải học, phải rèn giũa nhiều từ kỹ thuật đến trải nghiệm, thẩm mỹ. Bolero không có lỗi, lỗi ở con người. Nhiều người không biết nên vui hay buồn trong “thời đại Bolero”. Ở đó, người ta hát Bolero như thiêu thân lao lửa vì mục đích thương mại.

Người nghe cũng có lỗi làm méo mó trào lưu Bolero. Thực tế tồn tại một lớp khán giả “chê sến tìm sang”. Họ tin rằng nhạc Bolero nguyên thuỷ sến vì tính bình dân đại chúng nên tự tách mình ra để… thượng lưu hơn. Nhiều ca sĩ đương thời dù thiếu phẩm chất vẫn chuyển sang hát Boléro để phục vụ cho đối tượng khán giả này. Một bộ phận không nhỏ người nghe khác vì bản sắc hời hợt hoặc gout mỏng, cũng đổ xô nghe Boléro cho hợp “mốt”. Bolero vì thế mà ngày một xuống cấp.

Song nếu ai đặt vấn đề này, sẽ có một nhóm khán giả phản ứng kịch liệt. Vì lẽ, sự gạn lọc là phản ứng văn minh cần thiết để cứu Boléro khỏi bị xuống cấp nhưng lại thường bị quy chụp là hạ bệ Bolero. Từ đó họ dễ “xù lông” khi có ai đó nói về chuyện biểu diễn và cảm thụ Boléro.

Thị trường âm nhạc đúng nghĩa phải là nơi mọi bản sắc âm nhạc đều tồn tại và có thị phần của riêng nó. Giống như Sài Gòn vừa có toà Bitexco cũng vừa có nhà thờ Đức Bà. Cán cân lệch về phía nào cũng tạo ra hệ luỵ. Cái mới nhiều hơn cũ sẽ làm thị trường sụt giảm tính đa dạng. Ngược lại, nếu cái cũ lấn át sẽ tạo thành bước thụt lùi.