Tình huống Nga suýt kích hoạt vali hạt nhân tấn công Mỹ năm 1995
- 07:55 15-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một tên lửa đẩy Black Brant của Na Uy. Ảnh: BI. |
Kể từ khi quả bom nguyên tử đầu tiên được thả xuống Nhật Bản vào cuối Thế chiến II, tình huống đẩy thế giới đến sát một cuộc chiến hạt nhân nhất là vào ngày 25/1/1995, khi chiếc vali hạt nhân của Tổng thống Nga đã được mở và chuẩn bị kích hoạt nhằm phát động đòn tấn công hủy diệt nhắm vào Mỹ, theo Business Insider.
Mọi việc bắt đầu khi một cơ quan nghiên cứu khoa học của Na Uy thực hiện kế hoạch phóng một tên lửa đẩy Black Brant từ khu vực tây bắc nước này để nghiên cứu hiện tượng cực quang mà không hề quan tâm đến tình hình chính trị, quân sự khu vực thời điểm đó.
Quả tên lửa đẩy 4 tầng Black Brant được phóng lên có kích thước lớn và có khả năng bay xa 1.500 km, đủ để đến gần biên giới Nga, nhưng người đứng đầu cơ quan này chỉ thông báo rất sơ sài cho giới chức Nga về vụ phóng.
Chỉ vài giây sau khi quả tên lửa được phóng lên, hệ thống radar cảnh báo sớm của quân đội Nga đã phát hiện và nhầm nó với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ tàu ngầm Trident của Mỹ. Lực lượng cảnh giới tại trạm radar Olegegorsk, vốn không được thông báo về kế hoạch phóng tên lửa đẩy của Na Uy, ngay lập tức báo cáo lên cấp trên rằng đây có thể một vụ tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào Nga.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, giới lãnh đạo Nga thời điểm đó đang tỏ ra rất dè chừng Mỹ. Ban đầu, khi được thông báo, các chỉ huy quân đội Nga nghi ngờ rằng Mỹ đang thực hiện một cuộc tấn công xung điện từ để vô hiệu hóa hệ thống radar của Moscow, mở đường cho một cuộc tấn công tổng lực sớm nhất, nên họ phải hành động sớm nhất có thể để đáp trả.
Bên trong một vali Cheget đã loại biên. Ảnh: Wikipedia. |
Tình huống trở nên cao trào khi quả tên lửa Brant tách tầng nhiên liệu đầu tiên, tín hiệu trên màn hình radar của Nga cho thấy nhiều khả năng đây chính là một tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
Tiếp theo là khoảng thời gian 5 phút căng thẳng nhất, khi quả tên lửa tiến lên độ cao mà radar của Nga không thể tiếp tục theo dõi được. Trong thời gian này, giới lãnh đạo Moscow phải đưa ra quyết định có thực hiện đòn tấn công hạt nhân trả đũa hay không, trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.
Thông tin được cấp báo lên Tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin và chiếc vali hạt nhân Cheget lập tức được mang đến tận tay ông nhằm chuẩn bị khởi động một đòn đáp trả hạt nhân. Các chỉ huy tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân của Nga được lệnh sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất, có thể khai hỏa ngay sau khi nhận lệnh.
Tuy nhiên, ông Yeltsin dường như không tin rằng Mỹ đang thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ nhắm vào Nga nên không vội vàng ra quyết định. 5 phút trôi qua, quả tên lửa xuất hiện trở lại trên màn hình radar và quân đội Nga nhận thấy nó đang hướng về phía biển một cách vô hại. Vài tuần sau, người dân Nga mới được thông báo về sự cố nguy hiểm này.