Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Con dâu sảy thai, bố mẹ chồng không một lời hỏi han, chỉ chăm chăm hỏi vay tiền

Trong mắt mọi người, Thùy Dung vẫn được xem là một cô gái trẻ, có điều kiện tốt và gia đình hạnh phúc. Nhưng ít ai biết, cô đang hết sức chán nản, tuyệt vọng vì cuộc hôn nhân mới bắt đầu chưa đến 1 năm của mình.

Không phải vì vợ chồng Thùy Dung không yêu nhau, không phải vì anh bồ bịch gái gú bên ngoài. Chỉ vì những áp lực mà Thùy Dung phải chịu đựng, những mối quan hệ lằng nhằng giữa gia đình hai bên mà cô không thể nào hóa giải.

Tốt nghiệp một trường đại học thuộc hạng danh giá, Dung được bố mẹ sắp xếp, an bài để trở thành một trợ giảng trong trường, tương lai sẽ là một giảng viên Đại học, có một cuộc sống nhàn nhã, sáng đi tối về, rất thích hợp để trở thành vợ hiền mẹ đảm của gia đình. Nhưng tuổi đời còn trẻ, Dung không muốn phí hoài năm tháng của mình cho những mục tiêu không phải ước mơ, thế là Dung kiên quyết đòi ra ngoài xã hội để tự tìm việc.

Khoảng 1 năm sau, Dung gặp Thanh Hoàng - một anh chàng hơn cô 3 tuổi qua sự giới thiệu của một người bạn. Sau 4 tháng tìm hiểu, hai người tiến tới yêu đương và tính đến chuyện kết hôn. Hoàng là một chàng trai tử tế, ngoại hình không tệ, và rất yêu thương Thùy Dung. Thế nhưng, khi cô đưa bạn trai về ra mắt thì bố mẹ cô tỏ ra e ngại và không muốn tổ chức đám cưới. Lý do là bởi Hoàng không có việc làm thực sự ổn định, hiện đang ở nhà thuê ở Hà Nội, lương lậu mỗi tháng chưa đến 10 triệu đồng. Bố mẹ Dung lo sợ sau khi kết hôn thì cô sẽ là người chịu khổ.

 Ảnh minh họa.

Cuối cùng, cô và người yêu quyết định có bầu để khiến gia đình phải cho cưới. Dung là con gái một, bố mẹ cô cũng vì thương con lỡ "ăn cơm trước kẻng" nên đành tổ chức đám cưới.

Ngày làm đám cưới ở Hà Nội, toàn bộ chi phí tổ chức đều do bố mẹ Dung chi trả. Nhưng ngày làm đám cưới ở quê chồng, một xu - một hào bố mẹ chồng Dung cũng không thèm bỏ ra. Toàn bộ chi phí đều một tay Dung lo liệu, cô dở khóc dở cười khi nghe chồng sắp cưới thông báo: "Ông bà đang muốn mua miếng đất ở gần đây để xây nhà thờ họ nên tiền đang dồn hết về đó cả. Nên đám cưới ở dưới quê chắc vợ chồng mình tự bỏ ra thôi em ạ".

Vốn dĩ cả Dung và Hoàng có một khoản tiền 100 triệu hai đứa góp chung nhau gửi ngân hàng, vì nghĩ đám cưới ở quê được bố mẹ chồng hỗ trợ nên cô rút ra 30 triệu để chụp ảnh cưới. Ai dè bố mẹ chồng biết được, lại ngỏ ý qua Hoàng muốn mượn 40 triệu để sửa lại mái nhà, gợi ý là làm đám cưới ở quê đơn giản thôi, dăm mâm cơm là được, không cần dựng rạp làm gì.

Nghĩ ngày vui của cả đời mình không thể làm sơ sài, Dung gạt phăng việc tổ chức đám cưới ở quê chỉ với 30 triệu, cô cắn răng đi vay mượn bạn bè thêm để làm một bữa cỗ vừa phải, đủ để thực hiện mọi lễ nghi cần thiết với hàng xóm. Cuối cùng, hai vợ chồng về sống chung một nhà nhưng cũng vác thêm số nợ 50 triệu đồng.

Từ trước khi tổ chức đám cưới, hai gia đình có bàn nhau sẽ hỗ trợ tiền để thuê cho Dung và Hoàng 1 căn hộ chung cư ở Hà Nội để sống riêng, đồ nội thất trong nhà sẽ do hai vợ chồng từ từ sắm sửa, nếu cần thiết thì hai bên bố mẹ sẽ cho thêm để đảm bảo cuộc sống. Vậy nên, sau khi cưới Dung sẽ ở quê chồng một thời gian ngắn, còn Hoàng đã ra Hà Nội để làm việc và hoàn tất thủ tục thuê nhà.

Sống cùng bố mẹ chồng, Dung cũng cố gắng bỏ hẳn nếp sống thoải mái như ở nhà bố mẹ đẻ. Sáng sớm tinh mơ đã dậy để quét tước, nấu cơm. Vì cô đang bầu 3 tháng nên thường ốm nghén, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những cái lườm nguýt của mẹ chồng. Một tuần ở nhà bố mẹ chồng, Dung cũng nhìn thấy thái độ khó chịu mà ông bà dành cho mình. Nhiều lần mẹ chồng còn nói với hàng xóm, rằng Dung có chửa trước nên mới phải cưới, con gái thành phố nên sống phóng khoảng, tiền bạc thì phung phí vô cùng.

Ngán ngẩm, Dung trên dưới chục lần muốn xách vali quần áo lên Hà Nội ngay lập tức, những nghĩ mình là con dâu mới, những cái nhỏ nhặt như thế này không chịu được thì sau này làm sao mà chung sống hòa thuận được với gia đình nhà chồng. Thế là cô dằn lòng ở lại.

Đến một ngày cuối tháng 6, trong một lần xách nước lau nhà, Dung trượt chân ngã trên cầu thang. Cái thai gần 4 tháng tuổi bị sảy mất trong tích tắc. Nằm trong bệnh viện huyện đợi chồng và bố mẹ đẻ về thăm, Dung nằm khóc thút thít khi nghe bố mẹ chồng nói chuyện với họ hàng trong bệnh viện.

"Tôi có bảo nó phải làm cái gì đâu, nó tự đi xách nước nên tự ngã đấy chứ, ai biết được mà đi ngăn nó. Nó bình thường cũng ghê gớm lắm, làm gì cũng im ỉm, im ỉm nên chả ai biết mà bảo"....

"Ở nhà chồng chưa được 2 tuần đã sảy mất cái thai, không biết ai làm nên tội nghiệt gì mới nên nông nỗi này, chứ cái nhà này chưa từng xảy ra chuyện như thế nhé"...

"Bác sĩ bảo thai bị động từ trước rồi nên mới ngã một cái đã sảy. chắc là từ trước khi cưới đã làm gì nên mới ảnh hưởng đến thai nhi chứ. Con gái thành phố không đơn giản đâu"...

Ngay khi chồng và bố mẹ đẻ đến bệnh viện, Dung òa khóc ôm lấy mẹ rồi nhất quyết đòi trở lại Hà Nội càng sớm càng tốt. Vừa đặt chân về đến nhà, thì bố mẹ chồng cô cũng đã tay xách nách mang đồ đạc của Dung đến tận cửa. Cô nghe bố mẹ chồng nói chuyện với bố mẹ mình mà tím mặt.

 

"Cháu nó sảy mất cái thai thì xem như gia đình tôi không có phúc phận, nhưng hai đứa còn trẻ nên chắc chắn sẽ sớm có đứa khác thôi. Giờ Dung nó vừa mất con, cơ thể còn ốm yếu, chi bằng khoan hẵng để cho vợ chồng nó ở riêng.

Đáng nhẽ thằng Hoàng cưới Dung vào nhà tôi thì Dung nó thuộc về trách nhiệm của gia đình tôi, nó bị sơ sảy thì vợ chồng tôi phải chăm sóc mới đúng. Nhưng gia đình tôi ở xa quá, lại ở quê nên không đủ điều kiện, không chăm nom nó được, mà anh chị cũng biết vợ chồng nó đều làm ở Hà Nội cả. Hay là anh chị để cho vợ chồng Hoàng ở hẳn nhà bố mẹ vợ rồi chăm sóc, bồi bổ nó giúp vợ chồng tôi, dù sao thì đâu cũng không bằng bố mẹ đẻ".

Trước lời đề nghị của ông bà thông gia khiến bố mẹ Dung "câm nín". Dung là con gái duy nhất, cô bị sơ sảy thì bố mẹ đẻ chăm sóc cũng là chuyện bình thường, nhưng giờ thì còn phải "nuôi" luôn cả con rể.

Có những lần cô đọc được tin nhắn mượn tiền của bố mẹ chồng gửi cho Hoàng mà tức muốn ngất xỉu. Thì ra bố mẹ chồng vịn cớ cô bị sảy thai, đẩy cho bố mẹ đẻ chăm sóc, tiện thể để cho Hoàng ở rể trong nhà luôn. Thậm chí còn nhắn thẳng toẹt ra rằng không muốn hai vợ chồng ra ở riêng, nhà vợ ở Hà Nội có sẵn đấy thì cứ việc ở lại, đợi sau này ông bà ấy đi về với tiên tổ thì nhà đấy nghiễm nhiên là của vợ chồng Hoàng.

"Mày cứ ở nhà vợ đấy, đợi khi nào ông bà ấy chuyển tên nhà cửa cho con Dung thì mày nói khéo để sang tên cho mày, không được một cái nhà thì cũng phải nửa cái nhà. Đi ra ngoài ở riêng làm gì, vừa tốn tiền thuê nhà lại còn phải mua nội thất, bố mẹ ở quê còn phải xây nhà thờ tổ, còn anh trai mày đang chuẩn bị mua nhà nữa nên không có tiền cho thêm đâu".

Đọc những tin nhắn này trong máy chồng, Dung muốn khóc nấc. Mỗi ngày đều thấy mẹ cặm cụi sắc thuốc bắc cho mình uống, bố dù đã nghỉ hưu những vẫn cố đi làm thêm mà trong lòng thường cảm thấy tủi thân, nhiều khi cô cũng tự hỏi không biết có phải mình đã sai khi cưới Hoàng hay không.

 

Vì sảy thai nên Dung tạm thời không đi làm, chỉ có Hoàng là vẫn tiếp tục công việc ở công ty, mỗi tháng lương được 7 triệu đồng đều đưa về cho vợ. Dù gia đình nhà chồng đối xử không thật lòng, nhưng chỉ cần Hoàng một lòng với vợ thì Dung cũng cảm thấy an ủi. Số tiền 7 triệu mà Hoàng đưa mỗi tháng, cô để một phần trả nợ tiền cưới, đưa cho bố mẹ phân nửa chi trả tiền ăn và tiền điện, còn lại thì để tiêu lúc cần. Nhưng đến một ngày, Dung mới biết được, thật ra mỗi tháng Hoàng đều gửi 2 triệu về cho bố mẹ chồng hỗ trợ sửa nhà, còn lại bao nhiêu thì mới đưa cho cô. Lúc này, cô mới nhớ ra, trong suốt 2 tháng trở lại nhà bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng chưa một lần gọi điện hỏi han nhà thông gia, mỗi lần gọi cho chồng cô cũng chỉ nhắc đến việc mượn tiền.

Cứ ngỡ cưới nhau về thì việc gì hai vợ chồng cũng có thể bàn bạc cùng nhau, tìm hướng giải quyết. Nhưng Hoàng lại dấu diếm cô, anh gửi tiền về cho bố mẹ đẻ cũng không sai nhưng anh không thật lòng đối đãi với gia đình cô. Cùng những dòng tin nhắn của bố mẹ chồng khiến Dung cảm thấy tổn thương sâu sắc, cảm giác như mình và bố mẹ đang bị lợi dụng.

Dung muốn có một lần nói chuyện thẳng thắn với chồng. Cô muốn giải quyết mối bòng bong trong lòng này, nỗi đau mất con và những tổn thương tinh thần thực sự khiến cô gục ngã. Đôi lúc cô chỉ muốn quay về thời điểm còn độc thân, tự dung tự tại, được bố mẹ nuông chiều và yêu thương mà thôi.