Lao động xuất khẩu "bao đỗ" 100 triệu đồng: Những chiếc vòi bạch tuộc (kỳ 3)
- 15:22 14-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau khi thâm nhập công ty Cổ phần đào tạo và phát triển số Hà Nội, PV báo Người Đưa Tin tiếp tục tiếp cận với hệ thống cộng tác viên môi giới của công ty, đồng thời đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao “dịch vụ bao đỗ" đi lao động xuất khẩu tại Nhật Bản lại lan truyền sâu rộng như những chiếc vòi bạch tuộc tại khắp các tỉnh thành như vậy?.
Sau nhiều ngày liên hệ, PV đã có cơ hội tiếp cận với chị Nguyễn H. – một trong những cộng tác viên hoạt động tích cực cho công ty Cổ phần đào tạo và phát triển số Hà Nội.
Người phụ nữ này cho biết, trước kia chồng chị cũng đi lao động tại Nhật Bản theo chương trình IM JAPAN. Phía công ty “bao đỗ” hoàn toàn bởi lý do chồng chị này mới học chưa hết cấp 2 và nhân chia cộng trừ còn chưa thành thạo. Sau đó, chị tiếp tục giới thiệu em trai cũng như họ hàng và bà con lối xóm ở quê. Mỗi một lần “dẫn mối” thành công, chị càng được công ty tin tưởng và giao cho nhiều "nhiệm vụ" hơn.
Ngôi nhà 164 Mai Dịch - nơi được giới thiệu là trụ sở của công ty. |
Chị H. thú thực: "Làm cộng tác viên giới thiệu người cho công ty để hưởng hoa hồng". Chị cho biết, để được làm cộng tác viên của công ty này vô cùng đơn giản, không cần bằng cấp hay thủ tục gì. Nếu PV muốn, chị H. sẽ xin PV vào làm ngay cho công ty. Bản thân chị cũng không có nhiều kinh nghiệm, thậm chí còn chưa nắm rõ về đất nước Nhật Bản cũng như những yêu cầu cần thiết đối với người lao động đi xuất khẩu.
Chị H. chia sẻ, sau nhiều lần giới thiệu “mối” thành công, chị nhanh chóng trở thành cộng tác viên môi giới cho công ty cổ phần Đào tạo và phát triển số Hà Nội và được chi trả phần “hoa hồng” vô cùng hấp dẫn. Từ đó, cũng tạo động cho chị phấn đấu trong công việc.
Chị cho biết, khi được nhận làm cộng tác viên, công ty sẽ hướng dẫn cho mình cách giới thiệu cũng như thuyết phục người lao động tham gia vào dịch vụ “bao đỗ” chương trình IM JAPAN.
Qua một hồi nói chuyện, PV tỏ vẻ băn khoăn và lo lắng vì số tiền 100 triệu đồng phải đóng cho công ty để “bao đỗ” có thực sự hiệu quả hay cũng chỉ “tiền mất tật mang” như nhiều công ty lừa đảo lao động xuất khẩu khác. Dường như hỏi đúng “bài tủ” của cộng tác viên môi giới, chị H. ra sức rao giảng và đưa ra các bằng chứng chứng minh.
“Chị sẽ gửi cho các em xem giấy nộp tiền “bao đỗ” và mẫu hồ sơ làm thủ tục nhập học mà chị đã làm cho nhiều người trước đó để em yên tâm”, chị H. quả quyết.
Sau khi trao đổi số điện thoại với chị H., PV tạm thời rút lui chờ kết quả. Đúng như theo dự đoán của PV, ngay sau khi bắt được “mối”, chị H. đã chủ động gửi hình ảnh chụp phiếu thu tiền “bao đỗ” và mẫu hồ sơ đăng kí khóa đào tạo. Tờ giấy mà chị H. gọi là giấy thu tiền “bao đỗ” của công ty với học viên thực chất chỉ là tờ giấy biên nhận đã nộp tiền với tên gọi “giấy giữ hộ tiền”.
Nội dung ghi trong tờ giấy cũng rất sơ sài, chỉ có tên người nộp tiền, địa chỉ, cùng số tiền nộp là 68 triệu 200 nghìn đồng. Công ty này cũng không quên ghi rằng, nếu lao động tự ý hủy sẽ mất hết tiền đã nộp. Tuy gọi là “giấy giữ hộ tiền” nhưng trên tờ giấy không ghi tên công ty, không có dấu đỏ hoặc đại diện của công ty xác nhận đã thu tiền.
Sau khi xem một loạt giấy tờ mà chị H. gửi cho PV qua điện thoại, chúng tôi thắc mắc tại sao lại ghi là giấy giữ tiền thì chị H. khẳng định rằng đây chính là đơn “bao đỗ” và số tiền hơn 68 triệu đồng chính là tiền mua đơn “bao đỗ”, số tiền này chưa bao gồm tiền học phí và một số tiền khác mà công ty sẽ thu. Khi được PV hỏi về việc phiếu giữ tiền không có dấu đỏ cũng như tên công ty thì liệu có chắc chắn được không, chị H. chỉ biết nói với PV rằng: “Yên tâm đi không lo đâu nhé”.
Một nhân viên đang tư vấn về dịch vụ "bao đỗ". |
Chị H. cũng không quên giục PV, phải quyết định nhanh để còn kịp làm thủ tục đăng kí tham gia chương trình vì đến ngày 10/11 là sẽ báo cáo cho bộ LĐ–TB&XH để chốt hết đợt. Chị H. cũng nhấn mạnh, nếu PV đồng ý với dịch vụ "bao đỗ" trên, chị sẽ cho người đưa PV đi khám sức khỏe chu đáo, tận tình và nhanh gọn.
Dường như với triết khấu phần trăm rất cao được hưởng từ việc giới thiệu một học viên đến công ty học thành công, mà chị H. “đeo bám” PV rất dai. Chị H. liên tục goi điện và nhắn tin cho PV để giục giã tham gia chương trình lao động tại Nhật Bản này.
(Còn tiếp…)