Cần kiên quyết dẹp bỏ các lò đốt than không phép
- 14:29 13-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Được biết, tại xã Quỳnh Thắng bắt đầu xuất hiện các lò đốt than thủ công từ giữa năm 2016. Sau khi thấy làm ăn thuận lợi, sản phẩm có đầu ra nên một số hộ gia đình khác học theo đầu tư lò đốt than.
Đến năm 2017, toàn xã đã xuất hiện đến 7 lò đốt than thủ công không phép, trong đó có những lò hoạt động ngay trong khu dân cư khiến cho môi trường bị ô nhiễm do khói bụi đốt than gây ra, người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Hàng loạt ống khói nghi ngút khiến môi trường bị ô nhiễm |
Các lò đốt than “thổ phỉ” hoạt động ồ ạt, người dân bức xúc phản ánh lên chính quyền địa phương rất nhiều nên UBND xã Quỳnh Thắng đã vào cuộc tuyên truyền, vận động. Hiện đã có 4 lò ngừng hoạt động nằm ở các xóm 7,8,9 và 12.
Tuy nhiên, vẫn còn 3 lò khác đang hoạt động rầm rộ. Đó là 2 lò của gia đình nhà ông Thái, bà Thảo ở xóm 7 – Tiến Thành và 1 lò của ông Hồ Văn Thân ở xóm 2. Được biết, 2 lò đốt than thủ công không phép của gia đình ông Thái, bà Thảo nằm ngay cạnh Nhà máy chế biến sắn của gia đình này, nguồn gốc đất là đất 64 được gia đình này thuê lại từ nhiều năm trước.
Ô nhiễm khói bụi than ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân |
Trên con đường bê tông nối từ đường QL48D vào, đi chừng 1km, chúng tôi đã ghi nhận khói than nghi ngút bao trùm cả 1 vùng. Từ xa, hàng chục cột khói trắng bốc lên ngùn ngụt, xung quanh là la liệt những bãi nguyên liệu như keo, bạch đàn được chất đống trong khuôn viên rộng hàng nghìn m2.
Theo quan sát, những thân cây nguyên liệu này có chiều dài khoảng 2-4m nhưng chỉ to bằng cổ tay người lớn đổ lại. “Chúng tôi tận dụng thu mua cành cây keo, bạch đàn người ta thu hoạch chứ không phải thu hoạch cây nguyên liệu non. Cây to bằng cổ tay thì mới đúng chủng loại, kích cỡ, hàng bán mới được giá” – một công nhân của lò đốt than Thái Thảo, cho hay.
Hai lò than thủ công không phép Thái Thảo ở xóm 7 – Tiến Thành – Xã Quỳnh Thắng đang vô tư nhả khói |
Theo các chủ lò cũng như cơ quan chức năng, nguyên liệu dùng để đôt than là tận dụng cành cây nguyên liệu thu hoạch bỏ đi. Tuy nhiên, theo quan sát của PV và người dân địa phương, nguyên liệu dùng để đốt than chủ yếu là những cây keo, bạch đàn có tuổi đời từ 2 đến 3 năm. Nghĩa là khi xuất hiện các lò đốt than này thì cây nguyên liệu bạch đàn và keo đã bị người dân ồ ạt thu hoạch non, ảnh hưởng lớn đến giá trị cũng như chu kỳ trồng cây nguyên liệu.
Tại lò đốt than của ông Hồ Văn Thân khói cũng đang nghi ngút, hàng chục tấn nguyên liệu vẫn đang chất đống la liệt chờ…vào lò. Xung quanh là vùng rừng nguyên liệu cũng như cánh đồng trồng các loại cây như dứa, hương bài, nghệ của người dân. Việc đốt than gây khói bụi, ô nhiễm cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển cũng như năng suất của các loại cây trồng khác.
Nguyên liệu nằm la liệt xung quanh lò đốt |
Ngoài xã Quỳnh Thắng, thực trạng về các lò than thủ công không phép hoạt động gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra tại các xã Tân Thắng (Quỳnh Lưu), Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai). Hiện, vẫn còn 2 lò tại xã Tân Thắng đang hoạt động và Quỳnh Vinh có 2/4 lò còn hoạt động nằm sát đường Thái Hòa – Đông Hồi.
Sáng 13/11/2017, ông Vũ Lê Hùng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh, cho biết: “Xã chúng tôi có 4 lò than thủ công hoạt động không phép từ tháng 7/2016. Nay, chúng tôi đã dẹp được 2 lò, hiện còn 2 lò cam kết đốt hết nguyên liệu tồn đọng là sẽ dừng hoạt động”.
Nguyên liệu là cây keo, bạch đàn mới được đưa về đang còn tươi rói |
Còn ông Lê Văn Nga - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng nói: “Các lò than này là dân tự phát làm vào giữa năm 2016. Sau khi họ làm, xã mới biết và địa phương không cho phép. Hoạt động đốt than như thế là không đúng, người dân đã phản ánh lên xã, đề nghị dẹp bỏ các lò này vì gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi đã lập biên bản yêu cầu tháo dỡ nhưng đến nay mới chỉ có 4/7 lò chấp hành. Hiện, còn 3 lò nữa họ đang xin đốt hết nguyên liệu còn tồn đọng, chúng tôi đang làm phương án cưỡng chế trình UBND huyện Quỳnh Lưu. Dự kiến đến 30/11/2017 sẽ tiến hành cưỡng chế để xử lý dứt điểm tình trạng trên”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tại 3 lò đốt cố tình chưa ngừng hoạt động nói trên hiện nguyên liệu chủ các lò đốt vẫn đang tiếp tục thu mua đưa về, nguyên liệu là những cây gỗ keo, bạch đàn vẫn còn tươi rói nên để chờ cho các chủ lò đốt hết nguyên liệu tồn đọng mới tự ngừng hoạt động là điều khó thành hiện thực nếu như cơ quan chức năng không kiên quyết tiến hành cưỡng chế dứt điểm.
Ông Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu khẳng định: “Để xảy ra thực tế này, trách nhiệm thuộc về các địa phương. Chúng tôi đã nắm được sự việc, giao các xã xử lý và các xã cũng đã có cam kết, nhận trách nhiệm. Huyện cũng giao các xã cương quyết dẹp bỏ lò than thủ công không phép. Nếu lò nào chống đối xã phải có báo cáo với huyện để có phương án cưỡng chế, xử lý dứt điểm, tránh gây ô nhiễm môi trường cũng như bức xúc trong dư luận”.