Rời chốn rừng già, đồng bào Đan Lai đã biết sử dụng máy cày
- 10:16 10-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Còn nhớ, hơn 10 năm trước, đêm cuối cùng ở khe Khặng (thuộc xã Môn Sơn), hầu như không ai ngủ, hết đi vào lại đi ra, thao thức cùng với gió ngàn, sương núi. Để rồi, sáng hôm sau từ biệt núi rừng, làng bản, khe suối thân thương bao đời gắn bó để ra tái định cư ở xã Thạch Ngàn theo Đề án bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai.
Hành lý mang theo chẳng có gì nhiều, bởi xưa nay người Đan Lai sống cuộc sống tạm bợ, cái ăn và cái ở hoàn toàn phụ thuộc vào núi rừng, sông suối. Khi những chiếc thuyền nổ máy xuôi dòng sông Giăng, ai nấy đều ngoái nhìn đầy luyến tiếc...
Một góc khu tái định cư bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông). Ảnh: Công Khang |
Trên đường ra quê mới, ai cũng lo âu, bởi suốt đời sinh sống trong vùng lõi của VQG Pù Mát, nơi có những cánh rừng già nguyên sinh, đói chạy vào rừng, ra con suối đã có sẵn cái ăn, đốn cây rừng dựng nhà ở, cuộc sống gần như đang ở hình thức săn bắt, hái lượm. Nay chuyển đến vùng đất mới, điều kiện sống hoàn toàn khác, phải lao động thực sự may chăng mới có đủ cái ăn, chưa kể phải sản xuất theo quy trình kỹ thuật.
Gặp lại người quen, Trưởng bản La Quang Vinh trò chuyện chân thành: “Thay đổi lớn phải nói thật tình là chưa có, vì 10 năm chưa phải là một chặng đường dài, cuộc sống vẫn còn bề bộn và gian nan, hiện tại hộ nghèo của bản vẫn là 53/54, hộ còn lại thuộc diện cận nghèo. Nhưng bây giờ cái đầu của bà con đã nghĩ khác, mọi người đã bắt đầu quen với việc chăm bón ruộng vườn, trồng cây nguyên liệu và làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm”.
Ông Vinh dẫn khách đi một vòng quanh bản, qua những đồi keo bạt ngàn 2 – 3 năm tuổi, ngày xưa nơi đây là đồi hoang, chốn ngự trị của lau lách và các loài cây dại. Cả bản hiện có khoảng 50 ha keo và sẽ cho thu hoạch trong vài ba năm tới. Gần 40 ha đất rừng còn lại bà con đang tiếp tục sẻ phát để tiếp tục phát triển diện tích cây keo, dự kiến sẽ phủ kín vào đầu năm 2018.
Những ngọn đồi hoang ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đang dần được phủ xanh bởi cây keo nguyên liệu. Ảnh: Công Khang |
Đó là chưa kể 4 ha ruộng nước mỗi năm làm 2 mùa, đáp ứng một phần nhu cầu lương thực, quan trọng hơn là bà con đã quen với kỹ thuật thâm canh. Như vậy, từ chỗ lên rừng đốn gỗ làm nhà và bán để kiếm sống, phát rẫy rồi chọc lỗ tra hạt giống nay bà con Đan Lai ở Thạch Sơn đã có ý thức trồng rừng, thâm canh lúa nước thực sự là một bước tiến trong nhận thức.
Cùng với trồng trọt, việc chăn nuôi của bà con Đan Lai ở Thạch Sơn cũng đã có những bước tiến đáng kể. Chúng tôi ghé thăm nhà vợ chồng chị Lê Thị Huệ, một trong những hộ đi đầu trong phát triển chăn nuôi. Gia đình chị đang nuôi lứa lợn thứ 2 với 4 con lợn thịt, nguồn thức ăn chính là cám ngô và các loại cây, rau. Chị Huệ bắt đầu chăn nuôi lợn từ vài năm trước, khi thấy người quen ở bản bên cạnh có thu nhập cao, vợ chồng chị kiếm vốn xây chuồng trại, mua con giống và nguồn thức ăn ban đầu.
Chị Lê Thị Huệ chăm sóc lứa lợn thứ 2 của gia đình. Ảnh: Công Khang |
Lứa đầu nuôi 6 con, qua mấy tháng bán dần cho thương lái, lãi được gần 10 triệu đồng, vợ chồng vô cùng phấn khởi. Thấy vậy, nhiều hộ khác trong bản học theo, giờ đây phong trào chăn nuôi lợn đã bắt đầu hình thành.
Gia đình anh La Văn Sơn lại tập trung nuôi bò, vì anh thấy ở đây diện tích đất đồi còn lớn, có thể dành một ít để trồng cỏ sữa. Anh huy động số tiền dành dụm được và vay mượn thêm mua hai con bò nhỏ với mức giá thấp để nuôi, chờ khi được giá sẽ bán kiếm lời. Hiện tại, hai con bò của anh Sơn đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập xứng đáng với công chăm sóc hàng ngày.
Bên cạnh đó, gia đình anh còn mua được máy cày cỡ nhỏ phục vụ cho việc làm ruộng, đất màu và vận chuyển nông – lâm sản, giúp con người giải phóng sức lao động. Khi còn ở khe Khặng, việc sở hữu chiếc máy cày với bà con Đan Lai chỉ là giấc mơ, thế mà giờ đây ngoài gia đình La Văn Sơn, bản Thạch Sơn đã có thêm mấy chiếc tương tự.
Một số hộ gia đình ở bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn (Con Cuông) đã sắm được máy cày cỡ nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Công Khang |
Ông La Quang Vinh cho biết thêm, cả bản hiện có hơn 40 hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng phổ biến 1 – 2 con. Hình thức chăn nuôi chủ yếu là bán chăn thả, nghĩa là vật nuôi được thả ở vùng đồi hoang, đến tới đưa về nhốt ở chuồng và cho thêm nguồn thức ăn khác. Hình thức này vừa tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, vừa có điều kiện chăm sóc và theo dõi quá trình phát triển của vật nuôi.
Ngẫm lại, chặng đường 10 năm chưa phải là dài để có thể làm nên sự thay đổi lớn về cuộc sống một bản tái định cư của tộc người Đan Lai. Nhưng với sự chuyển biến trong cả nhận thức và cách thức làm ăn đã khẳng định được một hướng đi thích hợp và đầy triển vọng, rất đáng ghi nhận và khuyến khích.