Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những lãnh đạo lần đầu xuất hiện tại APEC 2017

Tổng thống Trump là lãnh đạo được trông chờ nhất tại hội nghị APEC năm nay, vì sự tham dự này cho thấy chính quyền mới của Mỹ đã định hình rõ hơn chiến lược ở khu vực châu Á - TBD.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hồi giữa tháng 10, Nhà Trắng chính thức thông báo Tổng thống Trump sẽ đến Đà Nẵng tham dự APEC vào ngày 10/11. Sự xuất hiện của ông Trump tại APEC (và một số hội nghị cấp cao khác trong khu vực) được nhìn nhận là bước đi đúng lúc, đúng đắn về kinh tế, chiến lược, thể hiện rõ cam kết của Mỹ với châu Á.

 1.200 người tháp tùng Tổng thống Trump dự APEC. Ảnh: Reuters.

Ngay từ khi đắc cử, ông Trump đã khiến thế giới lo ngại về chính sách đối ngoại có tính thực dụng nhắm nhiều tới bảo hộ thương mại. Do vậy, với việc tham dự các hội nghị lớn ở châu Á trong năm nay mà bao gồm APEC, ông Trump có thể tính toán chiến lược thương mại và đầu tư cho Mỹ tại khu vực.

Sự xuất hiện của ông Trump tại APEC có thể mở ra cơ hội để Mỹ tìm kiếm các thỏa thuận thương mại và đầu tư với các quốc gia và doanh nghiệp khu vực đồng thời giảm những hoài nghi về cam kết của Washington với châu Á.

Trước đó, vào cuối tháng 8, Đại sứ Mỹ phụ trách APEC Matthew J. Matthews đã khẳng định cam kết của Mỹ đối với tự do thương mại và đề cao vai trò của APEC trong xúc tiến thương mại bền vững.

Trước những lo ngại về xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng gần đây trong chính quyền Mỹ, ông Matthews nói “điều đang thật sự diễn ra ở Mỹ là sự ‘xem xét lại’ rất nghiêm túc đối với các hoạt động thương mại. "Chúng ta cần một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người".

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern

Sau khi nhậm chức cuối tháng 10 ở tuổi 37, bà Jacinda Ardern trở thành nữ thủ tướng trẻ nhất New Zealand dự APEC tại Việt Nam, nơi bà có cơ hội lần đầu gặp mặt các lãnh đạo khác.

Đối với Thủ tướng Ardern, cuộc họp cấp cao APEC tại Việt Nam là thời điểm sống còn để quyết định số phận của Hiệp đinh Đối tác Xuyên Thái Bình Dương nay chỉ còn lại 11 nước (TPP-11).

 Thủ tướng New Zealand Bill English. Ảnh: Reuters.

Hiện 11 thành viên còn lại của TPP đang đứng trước 3 viễn cảnh. (1) Các nước phải thay đổi một số điều khoản của thỏa thuận hiện tại, khi quy định ít nhất 6 nước có tổng GDP chiếm trên 85% tổng GDP của 12 nước ban đầu (gồm Mỹ) phê chuẩn hiệp định; (2) 11 nước phải đàm phán lại các điều khoản trong TPP; (3) Thiết lập một khu vực tự do thương mại mới bằng việc bổ sung các nước khác.

Cả New Zealand và Nhật Bản đang nhắm tới việc thực thi TPP mà không cần đàm phán lại quá nhiều - với mong muốn là để ngỏ cánh cửa cho Mỹ trở lại. Theo thủ tướng New Zealand, dù không có Mỹ “chúng ta vẫn thể có một thoả thuận thương mại có nền kinh tế Nhật và có thể tiếp tục thúc đẩy thương mại ở khu vực”.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In

Ông Moon Jae In trở thành tổng thống thứ 19 của Hàn Quốc sau chiến thắng lớn ở cuộc bầu cử ngày 10/5, với tỷ lệ phiếu bầu dành cho ông đến 41,1%. Không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Moon đã cử đặc phái viên là ông Park Won Soon công du các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam.

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong một phát biểu ở Nhà Xanh. Ảnh: Reuters.

Khi tiếp kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 25/5, đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc đã xác nhận ông Moon Jae In sẽ dự APEC ở Việt Nam. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh năm 2017 đánh dấu 25 năm Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009.

Hiện nay, Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam khi đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp, đứng thứ 2 về nước viện trợ vốn không hoàn lại, và đứng thứ 3 về quan hệ thương mại. Hai nước cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2020.

Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam)

Bà Carrie Lam trở thành Trưởng đặc khu thứ 4 đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) kể từ ngày 1/7/2017 nhờ sự hậu thuẫn đáng kể từ chính quyền Bắc Kinh. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo đặc khu này kể từ sau 20 năm Hong Kong được trao trả về Trung Quốc.

 Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam. Ảnh: Reuters.

Hong Kong tham gia APEC từ năm 1991. Giá trị thương mại giữa Hong Kong và các nền kinh tế thành viên APEC chiếm tới 80% giá trị ngoại thương của Hong Kong.

Một thành quả lớn từ việc tham gia APEC, như khẳng định trên website Sở Thương mại và Công nghiệp Hong Kong, là chứng tỏ thành công điển hình của việc thực hiện "Một đất nước, hai thể chế", ghi nhận vai trò tự quyết của Hong Kong trong ngoại thương và các vấn đề kinh tế.