Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Mất 100.000 tỷ vì khủng hoảng thịt lợn: Gửi 'tâm thư' kêu lên Thủ tướng

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam vừa mới gửi “tâm thư” lên Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để kêu cứu cho ngành chăn nuôi trong nước, nhất là khi khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã khiến cho người chăn nuôi mất khoảng trên 100 ngàn tỷ đồng.

Trong “tâm thư”, ông Nguyễn Đăng Vang có viết, trong bối cảnh hiện nay, trước sức ép của hội nhập quốc tế, nông sản Việt Nam đang và sẽ chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt mà tự nội tại của ngành nông nghiệp và nông dân thì không thể tự giải quyết được.

Và thế mạnh về thiên nhiên, sự cần cù và số đông người dân tham gia sản xuất nông nghiệp sẽ là những hệ lụy về xã hội, kinh tế và môi trường mà trong thực tiễn đã xuất hiện, như: nông sản không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ với giá rất thấp thậm chí dưới giá thành, phần thua thiệt này chủ yếu vẫn thuộc về người sản xuất, nhất là nông dân.

Thực trạng của ngành hàng thịt lợn và người chăn nuôi lợn vừa qua là những minh chứng điển hình, mặc dù đã có sự vào cuộc rất tích cực của Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã làm giảm thiểu đáng kể sự thua lỗ cho người chăn nuôi lợn trong nước lên tới trên 3.000 tỷ đồng mỗi tháng thời gian vừa qua.

“Điều đáng nói là khủng hoảng về cung cầu thị trường thịt lợn vừa qua đã làm mất đi phần lãi trên 100.000 tỷ đồng của người chăn nuôi lợn trong nước mà lẽ ra họ hoàn toàn được hưởng”, ông Vang chia sẻ trong tâm thư.

 Khủng hoảng ngành lợn vừa qua khiến người chăn nuôi mất trên 100 ngàn tỷ đồng

Để thoát khỏi thực trạng trên, đồng thời để phát triển chăn nuôi bền vững, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân, ông Vang kiến nghị cụ thể sau: Thứ nhất, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng phải lựa chọn những khâu mà nông dân không làm được, như: giống, vật tư đầu vào và chế biến nông sản, kết nối thị trường. Riêng khâu nuôi, trồng, sơ chế thì cần tạo điều kiện để người nông dân làm dưới hình thức mô hình hợp tác xã, hoặc gia công, sản xuất nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Nội dung này cần được luật hóa trong Luật Chăn nuôi.

Thứ hai, cần kiểm soát tốt chất lượng và an toàn nông sản, thực phẩm bằng các quy trình quy phạm. Không nhất thiết phải sản xuất ra thật nhiều nông sản có chất lượng thấp mà không tiêu thụ được (có thể cho đất nghỉ, để tái tạo còn hơn sản xuất ra nhiều nông sản mà không bán được hoặc bán dưới giá thành)…

Thứ ba, phải giữ và mở rộng không gian cho thị trường nông sản Việt Nam, trong đó cần coi trọng thị trường các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc phải được khai thông và khai thác thực sự có hiệu quả. Bởi đay là tiềm năng rất lớn cho chăn nuôi và thủy sản nước ta. Do vậy, ngoài việc phải nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm và hạ giá thành sản xuất của nông sản phù hợp với yêu cầu của thị trường này, thì vấn đề kiểm soát, hạn chế tối đa việc tạm nhập tái xuất đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh của các nước trên thế giới qua Việt Nam đưa vào Trung Quốc là vô cùng quan trọng. Việc làm này vừa được Nhà nước Trung ương Trung Quốc ủng hộ vừa giữ được không gian thị trường nông sản cho Việt Nam.

Hiện nay, khối lượng mặt hàng thực phẩm đông lạnh tạm nhập vào Việt Nam tái xuất sang Trung Quốc rất lớn, khoảng trên 5 triệu tấn/năm (tương đương toàn bộ sản lượng thịt các loại của cả ngành chăn nuôi nước ta sản xuất ra). Mặt khác, sản phẩm các loại thực phẩm đông lạnh tạm nhập tái xuất này đều là thứ phẩm của các nước phát triển với giá rất rẻ (như cổ, cánh, chân, đầu, phủ tạng gia súc, gia cầm của các nước phát triển và thịt trâu, bò của các nước có tôn giáo không dùng thịt mà chỉ dùng sữa như Ấn Độ…), do người tiêu dùng ở các nước này ít sử dụng làm thực phẩm, nên sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không thể cạnh tranh nổi, ông phân tích.

Thứ tư, hiện phía Trung Quốc đã có cơ chế thí điểm để Myanmar được xuất bán thực phẩm tươi sống, trong đó có gia súc, gia cầm sống vào Trung Quốc qua cửa khẩu thuộc tỉnh Vân Nam. Trong khi tỉnh Quảng Tây cũng đang xúc tiến và rất muốn được sự cho phép của hai nhà nước Trung Quốc và Việt Nam để triển khai mô hình này, vì so với các đối tác trong Asean thì Việt Nam có tiềm năng và lợi thế nhất để thực hiện chương trình hiện đại hóa một số cửa khẩu trong trao đổi mậu dịch của Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó sẽ chuyển mạnh việc trao đổi các mặt hàng nông sản thực phẩm từ tiểu ngạnh sang chính ngạnh nhằm kiểm soát tốt hơn vấn đề dịch bệnh và an toàn thực phẩm.