"Nóng" hàng thời trang dỏm “oanh tạc” thị trường nội
- 09:24 08-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Không nguồn gốc, xuất xứ
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Bùi Văn H., người từng buôn bán quần áo thời trang tại chợ Tân Bình, TP.HCM cho biết: “Cách làm của một số công ty, cá nhân là đặt hàng từ Trung Quốc, theo yêu cầu (gắn nhãn mác, chất liệu, kèm phụ kiện...) rồi tìm cách nhập về Việt Nam chuẩn bị cho dịp cuối năm. Thậm chí, có một số nhập hàng về, sau đó chỉnh sửa, gắn mắc hàng Việt hoặc các thương hiệu nổi tiếng để phân phối, bán lại kiếm lời”.
Trong vai người cần vận chuyển 5 tấn hàng là quần áo, phụ kiện thời trang từ Trung Quốc về Việt Nam, PV liên hệ với nhân viên của dịch vụ H.Q.C.. Người tên Lan cho biết: “Anh dự kiến là đưa về kho bên em hay giao tận nơi. Nếu giao tận nơi, phí 14.000 đồng/kg, không thể giảm hơn được”.
Lan còn cho biết thêm: “Vào thời điểm tắc biên này, phí vận chuyển đang rất cao”. Tuy nhiên, khi PV nói rõ, hàng này làm giả các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, không hề có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ, Lan vẫn đồng ý vận chuyển. “Miễn là anh đừng trộn hàng cấm (ma túy, vũ khí) vào là được”.
Về cách thức vận chuyển, Lan không tiết lộ nhưng khẳng định đưa về tận nơi an toàn: “Chuyện đó là việc của bên em, miễn là đảm bảo an toàn đưa hàng về kho của anh theo yêu cầu là được. Các vấn đề phát sinh khác do bên em chịu trách nhiệm”.
Một lô hàng thời trang lậu đã đưa về kho của doanh nghiệp chuẩn bị tung ra thị trường. |
Tương tự, công ty vận chuyển H.T.Q. cũng nhận đưa hàng từ Trung Quốc, các khu vực như Bằng Tường, Quảng Đông, Quảng Châu... về Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. “Thông thường bên em sẽ đưa hàng về kho công ty tại Sài Gòn ở đường Bạch Đằng (quận Tân Bình), rồi sau đó khách đến lấy. Nếu muốn đưa kho bên anh thì để em tính toán lại phí giao hàng”, người tên Anh, giao dịch của công ty này cho biết.
Cũng giống như công ty H.Q.C., dù biết là hàng không hóa đơn, chứng từ nhưng Anh khẳng định có thể đưa hàng về Việt Nam. “Nếu vậy thì sẽ đưa hàng về bằng đường tiểu ngạch. Khi hàng về Hà Nội sẽ chuyển vào Sài Gòn cho anh. Thời gian chắc phải mất 10 ngày, kể từ khi ký hợp đồng”, người tên Anh nói.
Ngoài bằng đường bộ thì hàng thời trang và phụ kiện, đặc biệt là giả các thương hiệu nổi tiếng cũng tìm cách tiếp cận các cửa khẩu hải quan để thẩm lậu vào thị trường nội địa theo đường biển. Các đối tượng lợi dụng hàng quá cảnh hoặc luồng ưu tiên để thực hiện, lực lượng hải quan đã phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc với các chiêu thức như trên.
Trao đổi với PV, một cán bộ cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Mới đây chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã chuyển hồ sơ vi phạm của công ty TNHH T.B.L. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho CSĐT (Công an TP.HCM) để điều tra làm rõ hành vi trốn thuế”.
Theo đó, doanh nghiệp này đã khai báo nhập khẩu áo đầm thuộc hàng tồn kho, chưa qua sử dụng với số lượng trên 10.000 cái, có xuất xứ từ Poland (Ba Lan) với tổng trị giá 70 triệu đồng. Tờ khai này được phân luồng xanh.
Phát hiện có nghi vấn, lực lượng hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ban hành quyết định tạm dừng đưa hàng hóa vào khu vực giám sát, đồng thời chuyển luồng để kiểm tra toàn bộ lô hàng.
Kết quả cho thấy, doanh nghiệp này đã “quên” khai báo hải quan gần 20.000 chiếc quần áo các loại, khác với tờ khai hải quan. Trong đó, có trên 13.000 sản phẩm áo đầm mang nhãn hiệu Miss Classic, mới 100% nhưng không thể hiện xuất xứ. Tổng số hàng “quên” khai báo có trị giá 2,1 tỷ đồng, gian lận thuế gần 700 triệu đồng.
Trước đó, cũng tại cảng Sài Gòn khu vực 1, lực lượng hải quan đã phát hiện lô hàng đóng trong container của công ty TNHH TM-DV-XNK&DL V.T. thẩm lậu vào Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp này đã nhập lô hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) trung chuyển về cảng Cát Lái để chuyển đi bằng đường bộ sang Campuchia.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng đa số là quần áo, giày, phụ kiện thời trang mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Adidas, Puma, Chanel... Đây là các thương hiệu đã đăng ký kiểm soát biên giới và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Những cung đường thẩm lậu
Theo nguồn tin mà PV có được, hiện cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra các container hàng hóa tại một số cảng của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Hậu cần T.A.D., công ty TNHH TM-DV Đ.K.M., công ty TNHH S.F.L., công ty TNHH DV vận tải A.K. (đều ở TP.HCM), nghi vấn dùng chiêu thức tương tự như công ty V.T. để nhập hàng thời trang lậu, giả, nhái... vào thị trường trong nước.
Các chuyên gia phân tích, cung tăng là do cầu tăng, đặc biệt là trong mùa cao điểm sắp tới. “Sở dĩ hàng hóa này còn có nguồn cầu lớn là do thị hiếu tiêu dùng và tâm lý ham giá rẻ. Hiện nay, trên thực tế nhiều người đang khoác các thương hiệu nổi tiếng như: Puma, Chanel, đi giày Adidas trên người nhưng chủ yếu là hàng nhái, hàng giả”, ông Nguyễn Trí Cường, Tổng giám đốc một doanh nghiệp đang phân phối hàng thời trang chính hãng tại TP.HCM chia sẻ.
“Do vậy các đối tượng nhập lậu luôn tìm cách đưa hàng về tiêu thụ, hơn nữa đây là nguồn hàng mang lại lợi nhuận kếch xù. Tôi thử tính, nếu một chiếc áo thun nhái mua ở nước ngoài có giá là 20.000 đồng, cộng phí vận chuyển khoảng 500 – 1.000 đồng thì bán ra với giá 100.000 – 150.000 đồng cũng đã thu về lợi nhuận lớn. Không nói đâu xa, ngay tại các chợ truyền thống, những chiếc áo mang thương hiệu Puma, Nike, Adidas... giá bèo đang được bày bán tràn lan”, ông Cường cho biết thêm.
Đường bộ, một trong những cách thẩm lậu chủ yếu của hàng thời trang giả, nhái, lậu hay đội lốt hàng Việt hay các thương hiệu nổi tiếng. |
Nói về thủ đoạn một số doanh nghiệp khai báo sai để trốn thuế, một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho biết: “Khi khai báo hải quan, các đối tượng thường khai sai tên hàng hóa nhập khẩu, trung chuyển (về số lượng, chủng loại, khai hàng hóa khác với hàng cấm...) để được ưu tiên đưa vào luồng xanh, tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng”.
Bên cạnh đó, các đối tượng này còn sử dụng doanh nghiệp “ma” hoặc các doanh nghiệp chuyên thực hiện buôn lậu, trốn thuế. “Kể cả hàng thời trang hay các mặt hàng khác, khi các doanh nghiệp thực hiện hành vi buôn lậu xong thì tiến hành phá sản, tạm dừng hoạt động, không còn tại địa chỉ kinh doanh hoặc biến mất bí ẩn...”, một lãnh đạo cục Hải quan TP.HCM cho hay.
Thực tế, theo nguồn tin của PV, tính hết lũy kế tháng 8/2017, nợ thuế doanh nghiệp tại TP.HCM đã tăng 2.500 tỷ đồng, trong đó có tới 56% là nợ không có khả năng thu hồi (chiếm gần 1.400 tỷ đồng). Như vậy, mỗi ngày, TP.HCM đang mất gần 6 tỷ đồng tiền thuế không thể thu hồi.
Nhận định về hàng thời trang nói riêng và hàng gian, hàng giả, hàng lậu... dịp cao điểm cuối năm, ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Thực tế cho thấy, các dịp cuối năm như Noel, Tết Dương lịch, Nguyên đán... nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao, dẫn tới nguồn cung nhiều. Đặc biệt, các kho hàng, chợ truyền thống, điểm kinh doanh nhập nhiều hàng hóa dẫn tới khả năng hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... tìm cách thẩm lậu vào thị trường tiêu thụ, nhất là đối với hàng thời trang”.
“Các loại hàng hóa này đang làm méo mó thị trường, giết chết các doanh nghiệp trong nước. Quan trọng hơn, nó cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, tôi cho rằng, các khung pháp lý đã cơ bản hoàn thiện, cơ quan chức năng cần phải thực hiện nghiêm để trấn áp loại tội phạm này”, TS. Nguyễn Văn Hiếu, chuyên gia luật, trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM chia sẻ.
Cùng nỗ lực vì môi trường kinh doanh an toàn Ông Nguyễn Văn Bách cho biết thêm: “Chi cục đã thực hiện và chỉ đạo các đội quản lý thị trường căn cứ tình hình thực tế để xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống trong dịp cao điểm (trước, trong và sau) Tết Nguyên đán (2018). Bên cạnh đó, còn phối hợp với các cơ quan chức năng, các địa phương để ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng này. Mục tiêu nhằm hướng đến người dân, doanh nghiệp cùng nỗ lực, chủ động vì môi trường kinh doanh an toàn" |