Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Ước mơ của cô bé đến trường bằng một chân

Mẹ mất, bố bỏ đi khi em chưa sinh ra, bản thân chỉ còn một bên chân lành lặn. Thế nhưng cô bé ấy vẫn không ngừng vươn lên với nghị lực phi thường. Một thời gian dài em tự đạp xe đến lớp bằng một chân.

 Hình ảnh em Thu năm học lớp 8. Ảnh: P.V

Sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác nhưng cuộc đời dường như có phần bất công với em Kha Thị Hoài Thu, bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An). Thu sinh ra đã không biết mặt bố. Mẹ em phải một mình vật lộn với cuộc sống để sinh và nuôi Thu. Biết bao điều tiếng của làng xón, họ hàng và sự đàm tiếu của dư luận nhưng mẹ của Thu vẫn cắn răng chịu đựng để nuôi con.

Thế nhưng khi sinh ra, Thu chỉ có một chân là cử động được. Chân kia cứ cứng đờ ra và bàn chân co rút lại. Càng lớn chân em càng teo lại, không thể tự đứng dậy để đi được. Lên 3 tuổi em vẫn lê lết trên sàn nhà. Đau khổ, chán nản có lúc người mẹ đã có ý định buông xuôi. Nhưng tiếng gọi “mẹ” của đứa con tội nghiệp đã giúp người mẹ trẻ bừng tỉnh. Chị tập cho con từng bước, từng bước một bằng một bên chân. Chân kia là tay dìu dắt của mẹ. Cứ thế hai mẹ con đã nhích dần bước.

 Mặc dù chỉ di chuyển bằng 1 chân nhưng Thu rất siêng năng. Ảnh: PV

Thu đã không phụ công mẹ. Sau một thời gian, em đã có thể đi được chỉ với một chân. Tưởng thế cuộc đời sẽ mỉm cười với hai mẹ con em. Nhưng dường như ông trời vẫn quyết lấy hết tất cả những gì mà một đứa trẻ có quyền được hưởng. Không biết từ bao giờ mẹ em mắc phải một căn bệnh nan y. Năm Thu 10 tuổi, mẹ em mất. Thu vốn đã côi cút số phận lại càng bi đát hơn.

Thương cháu mồ côi, ông bà ngoại hết lòng lo cho Thu. Ông bà hằng ngày vào rừng kiếm củ măng, khúc củi bán kiếm tiền trang trải cuộc sống hằng ngày vừa nuôi cháu ăn học. Thế nhưng sức khỏe già yếu việc lên rừng làm rãy cũng chỉ đủ bữa rau, bữa cháo. Nhìn đứa cháu gầy yếu, xanh xao ông bà cũng xót xa lắm. Sợ khi hai người già mất đi đứa cháu sẽ không còn nơi nương tựa. Hiểu được tấm lòng của ông bà Thu đã tự hứa với lòng mình phải cố gắng học thật giỏi. Đói khổ nhưng em rất chăm chỉ học. Chỉ còn một chân nhưng em vẫn giúp đỡ ông bà làm nhiều việc trong nhà.

Một thử thách nữa lại đến với Thu khi vào học cấp 2. Nhà cách trường 2km, khiến em gặp khó khăn trong việc đến lớp. Ông bà già yếu không thể chở em đi học được Thu đối mặt với việc phải bỏ học giữa chừng, nhìn chúng bạn cùng trang lứa tung tăng đến trường mà Thu rơi nước mắt. Ý nghĩ tập xe đạp bằng một chân nảy sinh, Thu xin được một chiếc xe đạp cũ của nhà bác. Hằng ngày Thu tập đi xe đạp việc giữ thăng bằng cho chiếc xe với em đã khó nói gì chuyên tập đi. Không một ai bên cạnh giúp đỡ, em nhắc từng bước chân một kiên trì hằng ngày để tìm đến con chữ. Cứ thế, ngày ngày với ý chí của mình Thu đã chinh phục thành công chiếc xe đạp cũ với chỉ bằng một chân.

Nếu người khác lấy tình yêu thương, che chở, đùm bọc của cha mẹ làm động lực để phấn đấu vươn lên nhưng cô bé Kha Thị Hoài Thu đã biến đau thương, mất mát làm hành động để vượt qua tất cả sóng gió khó khăn trong cuộc sống.

Tuổi thơ côi cút đáng thương là thế nhưng Thu luôn nỗ lực không ngừng. Năm em học lớp 8 từng đỗ học sinh giỏi huyện môn Ngữ văn. Bốn năm liên tục học cấp 2 đều là học sinh tiên tiến. Thế nhưng em không thể tiếp tục cùng bạn bè trang lứa đến trường phổ thông được nữa. Trường cấp ba gần nhất cũng cách nhà 15km, ông bà ngoại đã quá già yếu không thể tiếp tục nuôi em ăn học. Thu đành phải từ giã sân trường phổ thông với bao ước mơ còn giang giở. Không thể ở nhà vào rừng, làm rẫy, em đành chọn cho mình một hướng đi mới đó là đi học nghề. Và đây có lẽ là một lựa chọn sáng suốt đối với em lúc này.

 Kha Thị Hoài Thu đang học may tại trường Dạy nghề dân tộc nội trú Con Cuông. Ảnh: Thu Trang

Thu chọn nghề may, một cái nghề rất phù hợp với những người tật nguyền như em. May mắn thay là trong suốt thời gian học nghề em được hỗ trợ 1,2 triệu đồng/ tháng để trang trải tiền ăn. Mỗi tháng em về nhà một vài lần, ông bà ngoại tích cóp hỗ trợ em vài trăm ngàn đồng làm lộ phí và phí sinh hoạt cá nhân.

Hiện Thu đang đang học những tháng cuối của lớp học may của một trường trung cấp nghề cách nhà 40km. Đơn vị dạy nghề hứa ra trường sẽ liên hệ việc làm cho em. Thu biết rằng những khó khăn vẫn còn đón đợi em ở những chặng đường đời phía trước. “Em sẽ cố gắng vượt lên nữa.” – Cô gái 16 tuổi tỏ rõ quyết tâm.