Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Trường ĐH Bách khoa Hà Nội buộc thôi học hơn 700 sinh viên mỗi năm

Tại một buổi tư vấn tuyển sinh, ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết mỗi năm nhà trường phải buộc thôi học khoảng 700 sinh viên.

 Ảnh minh họa: Lê Văn.

Theo ông Tớp, những sinh viên bị nhà trường phải ra quyết định buộc thôi học nguyên nhân hầu hết ở ý thức học tập; con số phải nghỉ vì lý do năng lực không đáng kể.

“Tôi phải nói với các bậc phụ huynh hiện tại và sau này, nếu có con em vào học Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì đặc biệt quan tâm cho khi mỗi năm có đến khoảng 700 - 800 em bị nhà trường xử lý buộc thôi học. Năm nào cũng có sinh viên bị đuổi học là điều rất đau xót. Lý do chủ yếu là do các em mải chơi chứ không phải do chương trình học quá khó. Các sinh viên chơi điện tử và đủ thứ trò, không tập trung vào việc học hành, chứ nếu cố gắng thì tôi nghĩ không em nào không qua được cả”, ông Tớp chia sẻ.

Theo ông Tớp, năm thứ nhất đại học rất quan trọng bởi đây là thời điểm các em có tâm lý vào đại học bắt đầu xả hơi, buông lỏng việc học.

“Nếu học như năm lớp 12 thì tôi nghĩ chắc sẽ chẳng em nào bị đuổi học. Nhưng ở nhà được bố mẹ nuông chiều, lên đại học được cấp tiền, thế là mang tâm lý thôi xả hơi tý đã. Nhưng chỉ cần 6 tháng không tập trung học tập là kết quả tụt dốc và rồi không cố được nữa. Hiện nay quy chế đào tạo theo tín chỉ nếu 6 tháng tức là một học kỳ toàn điểm F lập tức sinh viên vào diện cảnh cáo mức 3 và có thể buộc thôi học”, ông Tớp nêu thực tế.

Qua đó, vị hiệu phó nhà trường cũng muốn gửi lời nhắn gửi đến các phụ huynh cần nhắc nhở các em, đặc biệt là các tân sinh viên tới đây sẽ trúng tuyển vào trường.

Tôi rất muốn các bậc phụ huynh nhắc nhở, theo dõi thường xuyên con em để tránh các trường hợp bị buộc thôi học một cách rất đáng tiếc”, ông Tớp nói.

 Ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thanh Hùng.

Để hạn chế việc này, theo ông Tớp, từ năm nay, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ cấp một tài khoản quản lý học tập cho sinh viên nhưng có 2 “chìa khóa” để các em có thể xem mà phụ huynh cũng có thể vào để kiểm soát.

Sinh viên có thể thay đổi mật khẩu của mình, nhưng phụ huynh vẫn có thể vào được tài khoản quản lý học tập của con em bằng mật khẩu trường cấp riêng cho và hoàn toàn độc lập. Như vậy kết quả học tập của sinh viên sẽ có 3 đối tượng có thể xem là cố vấn học tập tức là thầy cô, phụ huynh và sinh viên”, ông Tớp nói.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo các phụ huynh cũng phải không nên can thiệp quá nhiều vào việc học của sinh viên. Bởi các con, các em cần được đối xử như những người trưởng thành.