Giây phút nam công nhân suýt mất mạng vì cây đổ trong mưa bão
- 07:42 03-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vào nghề năm 1988, anh Phạm Danh Khoa (SN 1967, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, với những khu vực không thể dùng xe cơ giới, người công nhân phải làm thủ công và ngâm mình trong những khu vực cống ngầm đầy rác thải để làm việc.
Anh Phạm Danh Khoa (Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) |
Anh chia sẻ, vào những ngày rét mướt, mưa gió, các công nhân làm việc vô cùng khổ cực, nguy hiểm. Sở dĩ như vậy bởi theo anh Khoa lý giải thì khi mưa to, gió lớn các cống ngầm ngập đầy nước, chảy xiết. Vì vậy những người công nhân thoát nước không phải chui xuống cống làm việc.
Họ ở bên trên làm công tác hỗ trợ người dân đi qua những đoạn nước sâu và khơi thông dòng chảy. Những lúc như vậy, nếu không may sẩy chân rơi xuống những chiếc cống ngầm có thể sẽ mất mạng.
Theo người công nhân thoát nước sinh năm 1963, ký ức hãi hùng khiến anh luôn rùng mình khi nhớ lại là lần suýt chết hụt trong trận mưa bão lịch sử ở Hà Nội năm 2008.
Anh Khoa kể: “Lần đó, mưa kéo dài ngày, gió giật, cây đổ. Tôi được giao nhiệm vụ làm ca ngày. Khi tôi đang làm việc thì nhìn thấy một thanh niên trẻ cố gắng đẩy chiếc xe máy một cách nặng nhọc từ đằng xa.
Thấy vậy tôi thì liền chạy ra giúp đỡ cậu ta. Không ngờ khi tôi vừa bước đi, một cái cây xà cừ lớn bất ngờ bật gốc, đổ xuống ngay chỗ tôi vừa đứng trước đó. Giây phút hãi hùng đó khiến tôi và người thanh niên khiếp sợ”.
Chưa hết, trong chiều cùng ngày, khi anh Khoa cùng các công nhân khác đang khơi thông dòng nước ở đường Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) thì gió thổi mạnh khiến những tấm tôn trên nóc nhà của các hộ dân bất ngờ bay xuống và cứa vào tay người đồng nghiệp của anh. Máu chảy, anh em công nhân vội vàng sơ cứu. Rất may vụ tai nan không quá nghiêm trọng nên sau đó vài ngày, công nhân kia đã bình phục.
Anh Bùi Tiến Dũng (SN 1963, Tổ trưởng tổ cơ giới 6, Xí nghiệp thoát nước cơ giới xây lắp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, khi chưa được chuyển sang làm mảng cơ giới hóa, anh là một trong những thế hệ công nhân thoát nước đầu tiên làm công việc vớt rác thải thủ công dưới cống.
Anh Bùi Tiến Dũng (Tổ trưởng tổ cơ giới 6, Xí nghiệp thoát nước cơ giới xây lắp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) |
Theo anh Dũng, hồi đó những người công nhân thoát nước chỉ được trang bị những đồ bảo hộ lao động khá sơ sài chứ không được hiện đại như bây giờ. Tuy nhiên bất kể ngày mưa gió, bão bùng, ai cũng làm việc đầy hăng say, không ngơi nghỉ.
Anh Dũng cũng ấn tượng về một tình huống nguy hiểm trong mưa bão năm 2008, khi anh cùng các đồng nghiệp trong tổ được giao nhiệm vụ khơi thông dòng nước tại khu vực Hà Đông, Hà Nội. Lần đó, anh suýt bị một chậu cây cảnh của hộ dân rơi vào đầu.
Anh cho hay: “Chúng tôi được phân công khơi thông dòng chảy cho một con ngõ trên địa bàn quận Hà Đông. Gió to, nhiều cây đổ, các mảng tôn ở các hộ dân cũng bị hất tung. Bất ngờ từ trên cao, một chậu cây cảnh rơi xuống suýt trúng đầu tôi. Tôi vô cùng hoảng hốt, thất thần một lúc sau mới trở lại làm việc được”.
Theo anh Dũng, những ngày mưa gió, bão bùng, người công nhân thoát nước sợ nhất là phải đứng gần các cột điện bởi nguy cơ rò rỉ điện cao.
“Làm việc trong điều kiện thời tiết bình thường còn đỡ nhưng những ngày mưa lũ thì rất vất vả. Lúc đó lượng rác thải nhiều, công nhân phải làm ngày, làm đêm vẫn không kịp tiến độ. Chưa kể, có những loại rác to, nặng như khúc gỗ, bàn ghế của các hộ dân rơi xuống thì công nhân phải rất vất vả để thu dọn, kéo được lên bờ”, anh Dũng nói.
Tuy nhiên bên cạnh vất vả, những người công nhân thoát nước như anh Dũng vẫn thấy ấm lòng khi có nhiều người yêu mến, cảm thông.
“Có hộ dân họ thấy chúng tôi làm việc thì pha ấm trà mời uống. Thậm chí có người còn mua sẵn bánh ngọt, trái cây cho chúng tôi. Những cử chỉ tuy nhỏ bé nhưng khiến chúng tôi cảm động”, anh Dũng nói.