Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tiếng hét thất thanh dưới lòng cống khiến nam công nhân ám ảnh

Khi anh Khoa đang làm việc thì bất ngờ người đồng nghiệp phía trong lòng cống bỗng hét lên. Sau tiếng kêu của đồng nghiệp, anh Khoa quay lại thì thấy người này ôm tay lội ra miệng cống, trên bàn tay anh bị đâm bởi 2 ống kim tiêm và chảy máu.

Tâm sự với chúng tôi anh Phạm Danh Khoa (SN 1967, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết: “Nghề của chúng tôi thường ít người coi trọng. Không nhiều người biết rằng, để giảm thiểu tình trạng ngập úng cho thành phố, những công nhân thoát nước phải đối mặt với không ít nguy hiểm”.

Bản án “tử” lơ lửng suốt 6 tháng

Theo anh Khoa, làm việc gần các khu xưởng sản xuất, bệnh viện và các xưởng sửa chữa ô tô, quán ăn… là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với các công nhân.

Anh kể: “Các bạn cứ hiểu ở trên này mình có cái gì thì ở dưới cống ngầm đều có thứ đó, chẳng khác gì một thế giới thu nhỏ. Có điều, thế giới đó chứa đầy rác mà con người thải ra, từ quần áo cũ cho đến các vật sắc nhọn chứa nhiều nguy cơ mang bệnh truyền nhiễm như kim tiêm, mảnh sắt gỉ”.

 Anh Phạm Danh Khoa - Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh

Vẫn theo lời anh Khoa, đặc thù hệ thống cống ngầm ở nước ta, các loại nước thải từ công nghiệp đến sinh hoạt khi xả xuống cống đều chung một hệ thống. Bên cạnh đó, do ý thức kém của người dân, mọi thứ bẩn thỉu đều tống xuống cống, khiến nước cống của thành phố ngày càng ô nhiễm, độc hại.

Các công nhân thoát nước làm việc trong môi trường đó không thể tránh khỏi những tiềm ẩn bệnh tật nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

 Công nhân xí nghiệp thoát nước thủ công đang nạo vét bùn bằng tay

Tai nạn cách đây nhiều năm của một công nhân thoát nước khiến anh Khoa vẫn ám ảnh đến bây giờ. “Khoảng 20 năm trước, tuyến đường Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) và Thanh Nhàn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là địa bàn mà các đối tượng nghiện ma túy thường qua lại. Khi các đối tượng này tiêm chích ma túy xong thường vứt luôn ống kim tiêm chứa máu xuống cống.

Một hôm, tôi cùng đồng nghiệp chui xuống cống ngầm Khâm Thiên nạo vét bùn đất và rác rưởi. Cống này có đặc điểm chạy dài hàng chục mét, có chỗ sâu gần 3 mét. Trong một tiếng đồng hồ, tôi và anh bạn này vớt được 1 rổ đầy ống kim tiêm”, anh kể.

Khi anh Khoa đang chuyển rổ kim tiêm lên cho người trên miệng cống thì bất ngờ người đồng nghiệp phía trong lòng cống bỗng hét lên. Sau tiếng kêu của đồng nghiệp, anh Khoa quay lại thì thấy người này ôm tay chạy ra miệng cống, bàn tay vừa bị đâm bởi 2 ống kim tiêm và chảy máu.

“Bình thường, các ống kim tiêm sẽ nổi trên mặt nước nhưng hai ống kim tiêm này bị kẹt lại dưới bùn. Khi bạn tôi cho tay xuống nạo vét, lực bàn tay quá mạnh khiến hai ống tiêm đâm qua găng, vào sâu vào lòng bàn tay”, công nhân thoát nước sinh năm 1967 nói.

Về phần người công nhân kia, sau khi được anh Khoa hỗ trợ băng bó vết thương, về nhà anh vô cùng lo lắng, không dám cho vợ con biết.

Anh Khoa động viên đồng nghiệp đi xét nghiệm máu. Quãng thời gian 6 tháng dài đằng đẵng, người công nhân ấy bị sụt cân, gầy yếu vì nỗi sợ hãi đè nén đến mất ăn mất ngủ.

May mắn, qua nhiều lần xét nghiệm, khi nhận được kết quả cuối cùng âm tính với virus HIV người bạn này mới thở phào nhẹ nhõm. Anh Khoa chia sẻ thêm, thời gian đó, các công nhân thường không có đồ bảo hộ như bây giờ.

Nhiều công nhân khi xuống xong lên bờ thì toàn thân đầy bùn đất, đen kịt, mùi nước cống ám vào nhiều ngày không hết.

 Anh Bùi Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ cơ giới 6, Xí nghiệp thoát nước cơ giới xây lắp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh

“Hiện nay, vấn đề về an toàn lao động và sức khỏe cho anh em công nhân đã được quan tâm khá đầy đủ. Mỗi công nhân khi xuống làm trực tiếp dưới cống đều được trang bị bảo hộ. Tuy nhiên đồ bảo hộ chỉ hạn chế được một phần độc hại. Có khi chưa dùng đầy tháng đồ đã rách vì vướng phải những dị vật kim loại sắc nhọn”, anh Khoa nói.

Mùi hóa chất, hôi thối ám ảnh vào cả giấc ngủ

Ở một câu chuyện khác, anh Bùi Tiến Dũng (SN 1963, Tổ trưởng tổ cơ giới 6, Xí nghiệp thoát nước cơ giới xây lắp, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) chia sẻ: “Nỗi ám ảnh nhất với tôi là mùi hôi thối, mùi hóa chất độc hại mỗi khi vào cống. Ngay đến người khỏe mạnh nhất cũng chỉ trụ được trong cống vài tiếng là phải chui ra”.

Được biết, anh Dũng vào nghề từ năm 1980, với 37 năm trong nghề, anh từng nếm trải không ít chuyện buồn, vui. Trước khi chuyển sang làm thợ thoát nước về cơ giới (dùng máy hút), anh Dũng từng có thời gian dài làm thợ thoát nước thủ công (nạo vét cống bằng tay).

Anh trải lòng, ngoài việc bị kim tiêm đâm vào người thì các công nhân thoát nước có nguy cơ bị bỏng hóa chất từ các nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện.

 Công nhân xí nghiệp thoát nước cơ giới đang thi công đoạn cống ngầm dưới khu vực Hà Đông. Ảnh: Nhật Linh

Anh kể: “Một lần, tôi cùng các đồng nghiệp thi công đoạn cống ngầm gần khu vực nhà máy sản xuất pin. Một công nhân trẻ, mới vào nghề được 6 tháng, rất nhiệt huyết và say nghề đã gặp nạn.

Khi vừa chui xuống cống được 10 phút, cậu ta vội lao lên. Lúc lên, hai cánh tay và bàn chân cậu ta có hiện tượng đỏ tấy, bỏng rát, phải đi viện cấp cứu. Sau lần đó, nam công nhân phải chữa trị hàng tháng trời mới lành được vết bỏng”.

Ngoài ra, anh Dũng chia sẻ thêm, cách đây 10 năm, đoạn cống ngầm gần khu vực bệnh viện bị tắc. Anh cùng đồng nghiệp chui xuống lòng cống thông tắc nhưng chỉ trụ được 20 phút là phải lao lên vì mùi hóa chất thải ra từ bệnh viện khiến họ khó thở. "Lần đó, mùi hóa chất độc hại ám ảnh cả vào giấc ngủ của tôi", anh Dũng chia sẻ.

“Chưa kể, các công nhân cống ngầm còn phải chịu trận khi bị chất thải từ bồn cầu nhà dân xả thẳng vào người. Nhất là khu vực gần các kênh mương, khu dân trí thấp. Mình đến nhắc nhở thì họ tỏ vẻ khó chịu, buông lời rất thậm tệ. Mỗi lần như vậy, chúng tôi rất chạnh lòng", nam công nhân sinh năm 1963 nói.