Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tạo ra vũ trụ… trong phòng thí nghiệm

Các nhà khoa học đang thảo luận nghiêm túc về khả năng tạo ra một vũ trụ mới trong phòng thí nghiệm. Đây chủ yếu là một cuộc thảo luận triết học nhưng nhiều nhà khoa học đồng ý rằng một ngày nào đó có thể nó sẽ trở thành hiện thực.

Ý tưởng "trộm cắp" khả năng sáng tạo vũ trụ từ bàn tay của Chúa?

Vào năm 1991 nhà nghiên cứu vũ trụ Andrei Linde ở Trường Đại học Stanford đã xuất bản một nghiên cứu có tiêu đề: “Tạo ra vũ trụ mới – một nghệ thuật đầy khó khăn” trên tạp chí Nuclear Physics B.

Trong đó, ông nhắc đến khả năng tạo ra một vũ trụ trong phòng thí nghiệm: một vũ trụ hoàn toàn mới mà một ngày nào đó có thể chứa những vì sao, hành tinh và những dạng sống thông minh. Nhiều người cho rằng, đây là một trò đùa đầy báng bổ, vì những người theo tôn giáo có thể cảm thấy bị xúc phạm bởi các nhà khoa học đang cố gắng trộm cắp khả năng sáng tạo vũ trụ từ bàn tay của Chúa.

Vì bị công kích, Linde đã thay đổi tiêu đề của bài báo nhưng vẫn giữ vững quan điểm: vũ trụ có thể được tái lập bởi các nhà khoa học xuất sắc. Ông nói: "Tôi không nghĩ đây đơn giản chỉ là một trò đùa."

Một phần tư thế kỉ đã trôi qua và vấn đề này ngày càng được xem xét một cách nghiêm túc.

Những người từng chỉ trích Linde đã đúng khi dành nhiều sự quan tâm cho nghiên cứu của ông, nhưng họ đã đặt nhầm câu hỏi. Vấn đề không phải là ai có thể bị xúc phạm bởi sự hình thành vũ trụ, mà là điều gì sẽ xảy ra nếu nó trở thành sự thật? Chúng ta sẽ giải quyết các vấn đề về thần học như thế nào? Và con người sẽ gánh vác những trách nhiệm đạo đức gì nếu sắm vai trò là Đấng sáng thế?

 Tạo ra vũ trụ mới (Ảnh: NASA)

Còn nhiều vấn đề phải bàn cãi

Vào năm 1980, nhà vũ trụ học Alex Vilenkin ở Trường Đại học Tufts, Massachusetts đã đưa ra một cơ chế có thể tạo ra vũ trụ giãn nở từ một trạng thái không có thời gian, không gian và vật chất. Có một nguyên lý được xác lập trong lý thuyết lượng tử cho thấy các cặp hạt có thể xuất hiện trong không gian trống rỗng.

Don Page - nhà vật lý học và tín đồ Tin lành tại Trường Đại học Alberta ở Canada cũng nói: điều đặc biệt là vũ trụ của chúng ta được tạo ra từ trạng thái không có gì cả. Tuy nhiên, theo quan điểm của Linde, các nhà vật lý có thể nhào nặn vũ trụ trong một phòng thí nghiệm kỹ thuật cao bằng sự hỗ trợ của máy móc hiện đại.

Việc tạo ra vũ trụ cũng đòi hỏi sự có mặt của một hạt được gọi là “monopole” (được giả thuyết là tồn tại trong một số mô hình vật lý, nhưng vẫn chưa được tìm thấy). Ý tưởng cho rằng nếu chúng ta có thể truyền đủ năng lượng cho một monopole, nó sẽ bắt đầu giãn nở. Thay vì phát triển kích thước trong vũ trụ thật của chúng ta, monopole giãn nở sẽ làm uốn cong không thời gian bên trong máy gia tốc và tạo ra một đường hầm dẫn đến một không gian riêng biệt.

Từ trong phòng thí nghiệm, chúng ta chỉ thấy miệng của đường hầm; nó sẽ xuất hiện dưới dạng một lỗ đen nhỏ và vô hại. Nhưng nếu chúng ta có thể đi vào đường hầm đó, chúng ta sẽ đến được với vũ trụ non trẻ mà chúng ta đã sáng tạo ra.

Thật khó để tin là các nhà vật lý xuất sắc nhất cộng với những máy móc hiện đại nhất, có thể tạo ra vũ trụ từ hư vô. Nhà nghiên cứu Page cho rằng, đề xuất của Linde thực sự táo bạo nhưng nó cũng viển vông không kém.

Một vấn đề khác cũng dành được nhiều sự quan tâm, đó là: các lý thuyết hiện tại cho thấy rằng, một khi chúng ta tạo ra vũ trụ mới, chúng ta hầu như không có khả năng kiểm soát sự tiến hóa của nó cũng như những hiểm họa lẩn khuất cho các cư dân sinh sống ở đó. Điều đó có khiến chúng ta trở thành những vị thần vô trách nhiệm và thiếu cẩn trọng hay không?

Nhà nghiên cứu Guendelman có một cái nhìn khá phóng khoáng về vấn đề này. Ông so sánh trách nhiệm của các nhà khoa học khi tạo ra vũ trụ mới cũng giống như trách nhiệm của bậc cha mẹ khi quyết định sinh con: tất cả họ đều biết chắc chắn khi “đứa trẻ” ra đời, nó sẽ phải đối mặt với cả niềm vui lẫn nỗi buồn ở đó.

Các nhà vật lý khác thì thận trọng hơn. Ông Nobuyuki Sakai thuộc Trường Đại học Yamaguchi ở Nhật Bản (một trong những nhà lý thuyết đã đề xuất ý tưởng sử dụng hạt monopole để tạo ra vũ trụ) nói: sự hình thành vũ trụ là một vấn đề gai góc mà chúng ta phải dành nhiều sự quan tâm hơn trong tương lai.

Ông Sakai cũng không cân nhắc nhiều đến khía cạnh đạo đức trong câu chuyện này. Mặc dù đang thực hiện các tính toán để tạo ra vũ trụ mới nhưng ông lưu ý rằng sẽ mất vài thập kỷ để có thể thực hiện một thí nghiệm như vậy, vì vậy hãy còn quá sớm để tranh cãi về vấn đề đạo đức.

Trái với ý kiến trên, triết gia Anders Sandberg tại Trường Đại học Oxford lại suy ngẫm rất nhiều về ý nghĩa đạo đức của việc tạo ra sự sống nhân tạo bằng mô phỏng máy tính. Ông lập luận rằng, sự xuất hiện của những dạng sống thông minh, dù dưới bất kì hình thức nào, đều có những giá trị của riêng nó mà chúng ta phải hết sức quan tâm và cân nhắc khi tạo ra.

Vũ trụ của con người không thể được tạo ra ngay lập tức, nhưng một điều mà ai cũng thống nhất đó là: tất cả các nhà khoa học trong mọi lĩnh vực đều có quyền tự do bày tỏ ý kiến về vấn đề này.