Mải dọn rác dưới cống, nam công nhân chết lặng vì gặp người yêu
- 08:38 01-11-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Có thâm niên 29 năm làm nghề thoát nước, anh Phạm Danh Khoa (SN 1967, Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) chia sẻ, sau khi phục viên, gia đình nghèo khó, anh xin vào làm công nhân thoát nước.
Hồi đó, người công nhân sinh năm 1967 vẫn chưa mường tượng hết những khó khăn, vất vả của công việc này. Chỉ đến khi phải trực tiếp chui xuống lòng cống nạo vét bùn và rác thải anh mới thấm thía những nguy hiểm, độc hại của nghề này.
Anh Phạm Danh Khoa - Tổ trưởng tổ cống ngầm, Xí nghiệp thoát nước số 4, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. Ảnh: Nhật Linh |
Anh Khoa trải lòng: “Hồi mới xuống dưới cống ngầm, tôi cũng thấy sợ. Một phần vì nước sâu, một phần vì xác những động vật trôi xuống cống phân hủy và bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên sau khi trấn tĩnh, tôi lấy lại tinh thần và làm việc tiếp. Đến nay những buồn vui, sướng khổ của nghề tôi đã nếm trải đủ”.
Anh Khoa cho biết, chính vì làm việc trong môi trường độc hại, lại rủi ro cao nên một số người không thể chịu đựng nổi phải từ bỏ nghề.
Người công nhân thoát nước sinh năm 1967 chia sẻ trường hợp một nam thanh niên trẻ tuổi vừa vào làm việc được hai ngày tại Xí nghiệp thoát nước thì vội vàng ‘chạy làng’.
Anh Khoa cho biết, đó là một ngày mùa đông rét mướt năm 2016, anh được giao nhiệm vụ hướng dẫn một thanh niên trẻ tuổi đến làm việc tại xí nghiệp.
Để trở thành một công nhân thuần thục, ngày đầu tiên người thanh niên được mọi hướng dẫn, làm công tác tư tưởng kỹ càng. Lúc này anh cũng cho biết mình đã sẵn sằng làm việc. Tuy nhiên khi anh vừa chui xuống cống được 15 phút thì đã phải vội vàng chui lên. Anh cho hay, nếu đứng ở dưới đó ít phút nữa, anh sẽ bị ngất. Sáng hôm sau, anh vội vàng đến gặp anh Khoa xin nghỉ việc.
Một trường hợp khác khiến anh Khoa cũng ấn tượng không kém. Đó là trường hợp của nam thanh niên tên Thành (SN 1989, ở Thanh Hóa). Thành làm công việc ở cống ngầm được 1 năm và phải xin nghỉ việc vì lí do chẳng ngờ tới.
Anh Khoa cùng các công nhân trong tổ đang nạo vét bùn. Ảnh: H. thúy |
Anh Khoa kể, Thành từng học trung cấp kế toán. Ra trường, cậu xin vào làm việc tại một cửa hàng bán đồ điện tử ở quận Đống Đa, thu nhập cũng đủ sống.
Thời gian này, Thành yêu một cô gái cùng quê, đang làm nhân viên văn phòng ở nội thành Hà Nội. Hai gia đình cũng đã gặp mặt nhau bàn chuyện hôn sự. Tuy nhiên do một lần va chạm với người chủ của hàng, Thành xin nghỉ việc.
Đi xin việc một số nơi nhưng không có công ty nào nhận. Cuối cùng, qua một mối thân quen, cậu xin vào làm công nhân thoát nước.
“Lần đầu tiên xuống cống, tôi thấy cậu ấy chần chừ vì run sợ, lo lắng. Có đôi lần nhìn trong ánh mắt như có ngấn nước, tôi thấy vậy thì vội động viên, trấn an cậu cố gắng làm tốt công việc”, anh Khoa nói.
Cũng theo lời anh Khoa, sau những ngày làm việc đầu tiên đầy căng thẳng, Thành dần dần quen với công việc. Tuy nhiên trong thời gian làm việc gần 1 năm, có một điều mà chàng thanh niên này luôn nơm nớp lo sợ là bị người yêu phát hiện ra anh làm công nhân ‘chui cống’. Nếu biết, cô sẽ không chấp nhận.
Trong một lần tình cờ, người yêu của Thành đi ra khu vực công viên Thành Công chơi cùng bạn, cô bắt gặp cảnh người yêu đang mải miết kéo rác thải dưới cống lên, trên người bẩn và đầy mùi hôi hám. Cô lại gần ngạc nhiên nhìn anh. Bất giác, Thành ngẩng lên và anh chết lặng vì bất ngờ.
"Cô gái nói, Thành lừa dối cô ấy. Nếu hôm nay cô không nhìn thấy, có lẽ không bao giờ biết được sự thật và cô không thể chấp nhận. Nói xong, cô gái lê từng bước nặng nề rồi bỏ đi", anh Khoa nói.
Sau lần đó, cô gái nhất quyết đòi Thành bỏ nghề thoát nước thì mới tiếp tục yêu, nếu không hai người sẽ chia tay.
“Cuối cùng, để chiều người yêu, anh chàng phải vội vã xin bỏ công việc làm công nhân thoát nước để tìm một cơ hội mới”, anh Khoa cho biết.
Hình ảnh công nhân đang chui xuống cống ngầm nạo bùn. Ảnh: Nhật Linh |
Theo anh Khoa, đặc thù của nghề này là bất kể nóng hay rét, ngày hay đêm họ vẫn phải làm việc.
“Mùa rét người ta đắp chăn, quây quần bên vợ con còn mình thì chui xuống cống. Tôi nhớ trận rét đầu năm 2016, 11 giờ đêm trời lạnh buốt, nhiệt độ hạ thấp, hai bàn chân người công nhân chui xuống cống nước lạnh cứng. Những lúc như thế, anh em trong tổ phải gom củi khô đốt một đống lửa nhỏ cho ấm rồi mới tiếp tục công việc”, anh Khoa kể.
29 năm cần mẫn với công việc của mình, anh Khoa tâm sự, vì tính chất công việc nặng nhọc nên sức khỏe của anh cũng bị giảm sút nhiều, đặc biệt là gặp vấn đề về thấp khớp và bệnh lý về da.
Anh Khoa nhớ về trường hợp một người công nhân thoát nước lớn tuổi từng bị nấm da phải chuyển sang làm bảo vệ.
Anh cho hay, lần đó, khi vừa xuống dưới cống thì đột nhiên người công nhân này cảm thấy toàn thân bỏng rát, ông kêu cứu để đồng nghiệp kéo lên. Khi kéo lên, toàn thân ông đã mẩn đỏ, nhiều chỗ da bong ra, ngứa ngáy. Đi khám, bác sĩ kết luận ông bị nấm da.
“Để giups người công nhân yêu nghề, tận tâm không may bị bệnh tật trong lúc làm việc, công ty thoát nước đã đồng ý chuyển ông sang làm bộ phận bảo vệ”, anh Khoa cho biết.