Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vợ già vò võ chăm chồng thương binh mắc bệnh hiểm nghèo

5 năm nay, ông Nguyễn Bá Phúc (SN 1962), thương binh 4/4, ở thôn 5 Hợp Thắng, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) nằm liệt giường vi căn bệnh vôi hóa não - di chứng do chiến tranh để lại.

Những ngày đầu tháng 10, PV có dịp về xã Hương Minh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thăm gia đình thương binh Nguyễn Bá Phúc, ở Thôn 5 – Hợp Thắng.

Con đường dẫn vào làng gồ ghề đất đá. Từ đầu làng, hỏi thăm nhà ông Nguyễn Bá Phúc, bà Nguyễn Thị Phương, từ đứa trẻ chăn trâu cho đến các mẹ, các chị, các bà lão, ông lão đều biết và hô hởi chỉ đường.

Bước chân vào nhà, hình ảnh người đàn bà 61 tuổi đang bón cho chồng từng thìa cháo sống qua ngày làm chúng tôi ám ảnh mãi. Xen giữa những thìa cháo, là những tiếng rên ú ớ từ cơn đau xé thịt đang hành hạ ông Phúc. Ông không còn nói được, mỗi khi cơn đau tái phát chỉ biết ú ớ. Căn nhà rách nát, ẩm thấp, người thương binh già 4/4 nằm bất động trên chiếc giường tre ọp ẹp.

 Ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Giữa căn nhà hiu hắt, lời chị Thắm ở thôn 5 - Hợp Thắng tâm sự lúc chỉ đường cứ văng vẳng bên tai: "Có lẽ cả cái làng, cái xã này không ai vất vả như gia đình họ (chỉ ông Phúc bà Phương - PV ). Cha mẹ sinh con ra để mà nhờ, mà cậy nhưng khổ nỗi các con họ quá cực khổ. Cha bạo bệnh cũng đành bất lực".

 Hơn 5 năm trời bà Phương phải ở nhà chăm chồng.

Bà Phương nước mắt ngắn dài kể, năm 2013 ông Phúc lâm bệnh vôi hóa toàn bộ não do di chứng của chiến tranh chống Mỹ để lại. Gia đình vay mượn tiền khắp nơi đưa ông đi chữa trị nhưng không có tiến triển. Tiền hết, bệnh không giảm nên gia đình xin bệnh viện đưa ông về nhà chăm sóc. Từ đó đến nay, tiền thuốc để điều trị cho ông mỗi ngày cũng mất đến 100 ngàn.

“Tôi chỉ mong ông trời cho sống thêm tuổi để có sức phụng dưỡng ông được ngày nào hay ngày đó. Các con cũng thuộc vào diện nghèo nhất xã này nên cũng không có điều kiện để hỗ trợ thuốc men cho cha. Biết khó khăn nhưng thân già tôi vẫn gắng gượng chăm chồng, được ngày nào hay ngày đó. Tất cả tiền ăn, tiền thuốc, tiền sinh hoạt gia đình chỉ biết nhìn vào tiền chế độ thương binh 4/4 của ông mỗi tháng được 2 triệu đồng”, bà Phương nói.

 Trong nhà bếp không hề có vật dụng nào giá trị.

Nhìn gia cảnh nhà ông Phúc, người hàng xóm Phan Văn Túy không khỏi nghẹn ngào: “Nhìn ông mấy năm trời nằm vật vã chống lại bệnh tật trong căn nhà tranh vách đất chúng tôi thương lắm. Cũng may có người vợ luôn sát cánh bên chồng, 5 năm nay ông Phúc chỉ nằm một chỗ, mọi vệ sinh ăn uống đều do bàn tay bà Phương lo".

Được biết, ông Phúc trước đây là chiến sỹ tham gia chiến tranh ở mặt trận miền Nam. Khi chiến tranh kết thúc ông về địa phương mang trên mình vết thương chiến tranh ở đầu. Hiện, ông đang hưởng chế độ thượng binh hạng 4/4. Mỗi tháng được 2 triệu đồng. Để chạy vạy cứu chữa bệnh tình cho chồng bà Phương đã phải cầm cố sổ đỏ ở ngân hàng để vay mượn 100 triệu mua thuốc điều trị cho chồng.

 Giấy chứng nhận thương binh hạng 4/4.

Ông Nguyễn Trọng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Minh chia sẻ: “Hộ ông Nguyễn Bá Phúc thuộc diện hộ nghèo của xã. Điều kiện kinh tế không có gì, làng xóm con cái hỗ trợ được củ khoai, củ sắn sống cho qua ngày”.

Ngôi nhà bà Phương lụp xụp không có vật dụng nào giá trị để bán; chiếc bếp lửa lắt léo như ngọn đèn trước gió có thể tắt bất cứ lúc nào. Chiến tranh đã lùi xa, vậy mà nỗi đau, cái nghèo cứ bám riết gia đình người cựu binh đã hy sinh cả tuổi trẻ để góp sức mình bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước.

Chia tay bà Phương, ông Phúc ra về chúng tôi chỉ cầu mong một phép màu cho gia đình người cựu binh này.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về Bà Nguyễn Thị Phương ở thôn 5 – Hợp Thắng , xã Hương Minh, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) theo SĐT: 0975402063