Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bạo lực học đường: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về ai?

Bạo lực trong trường học, câu chuyện không mới, nhưng lại luôn là vấn đề nóng đối với xã hội và hiện chưa có giải pháp để giải quyết triệt để.

Các vụ việc bạo lực được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây cho thấy, mức độ ngày càng nghiêm trọng khi không chỉ học sinh đánh nhau mà cả nhóm học sinh đánh một học sinh, thậm chí là phụ huynh đánh học sinh và giáo viên ngay trong trường học. Những vụ việc này đã và đang là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của nhà trường, phụ huynh và nhận thức về pháp luật của nhiều người dân chưa cao.

 Bạo lực học đường ngày càng gia tăng


Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh ở các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, thành phố Hà Nội, Hải Phòng... đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên trường học. Trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, mà là một nhóm học sinh xông vào đánh, đấm, dẫm, đạp lên người, lên đầu, thậm chí dùng cả gậy đánh một bạn hết sức tàn bạo, còn nạn nhân thì không thể phản kháng.
Nhiều vụ việc xảy ra ngay trong lớp học, có nhiều học sinh chứng kiến, quay clip, rồi đưa lên mạng xã hội. Mới đây nhất, là vụ việc một học sinh lớp 12 ở tỉnh Tuyên Quang bị 1 học sinh và 1 thanh niên đánh tử vong ngay trong trường học. Không chỉ học sinh đánh nhau, tại Nghệ An, Hải Phòng còn xảy ra vụ việc phụ huynh vào trường đánh học sinh, đánh giáo viên phải nhập viện. Khi xem những clip này, nhiều người không khỏi xót xa trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh.

Nguyễn Minh Phương, học sinh trường THCS Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội nói: “Xem bạo lực học đường trên mạng con thực sự cảm thấy lo lắng và bức xúc khi thấy nhiều bạn đánh 1 bạn. Các bạn bị đánh sẽ cảm thấy đau về mặt thân thể, tinh thần, đặc biệt khi đến trường”.

Những vụ bạo lực ở lứa tuổi học sinh, dù diễn ra trong trường học hay ngoài nhà trường với tần xuất dày đặc, tính chất ngày càng nghiêm trọng đều đang tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm phạm thân thể, tinh thần hay không. Bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh đều có thể đánh nhau, dùng hung khí tấn công nhau vì bất cứ lý do gì. Phụ huynh, giáo viên, nhà trường chỉ biết đến vụ việc khi có clip đăng trên mạng internet.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng: “Khi có sự việc học sinh vi phạm đạo đức xảy ra, chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm đầu tiên là của người thầy, người cô chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Với sự tác động của ngoại cảnh, có thể 2-3 năm trước, những sự việc đó không có và những năm trước đây việc đánh nhau đó chủ yếu xảy ra ở các em nam. Nhưng gần đây, việc đánh nhau diễn ra ở các em nữ và thường các em ở cuối cấp. Chúng tôi nghĩ rằng làm công tác giáo dục phải nhạy bén và tham mưu kịp thời những sự việc xảy ra để tránh trường hợp khi sự việc xảy ra mới chữa, nguyên nhân, hậu quả lớn hơn nhiều”.

Ở góc độ xã hội, bạo lực ở lứa tuổi học sinh không phải là chuyện mới, nhưng “nóng” hơn ngày xưa do tính chất các vụ việc nghiêm trọng hơn và được phổ biến rộng rãi trên mạng internet. Nhờ sự tiếp sức của điện thoại thông minh và mạng internet, bạo lực học đường không còn đơn thuần là những hành vi gây rối, xích mích, đánh nhau giải quyết mâu thuẫn... của học sinh mà đã trở thành thành một hiện tượng xã hội đáng báo động theo chiều hướng tiêu cực.

Theo bà Vũ Thu Hương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện tượng bạo lực ở lứa tuổi học sinh gia tăng, có nguyên nhân từ bạo lực xã hội cũng đang gia tăng: “Ý thức pháp luật của người dân quá kém. Tất cả mọi người đều không quan tâm đến việc là nếu như hành hung người khác là chúng ta đang vi phạm pháp luật mà thích là làm thôi. Mọi người không có ý định giải quyết mâu thuẫn một cách rõ ràng mà chỉ có ý định trả thù và đòi sự công bằng cho chính mình, khi mà mình bị một ai đó lườm, hoặc một cái gì đó cảm thấy bị xúc phạm thì lập tức thể hiện sức mạnh và cho rằng đó là việc cần thiết để đòi lại công bằng. Ngay kể cả với các phụ huynh khi thấy con có một vết xước nhỏ ở chân, tay, họ cũng nghĩ đến chuyện là đòi công bằng cho con, thay vì nghĩ xem thực ra con có vấn đề gì và cần phải giải quyết như thế nào”.

Từ chuyện học sinh bộc phát đánh nhau, bè phái, tấn công nhau bằng lời lẽ, vũ lực, đến việc xử lý kỷ luật học sinh vi phạm là hạ hạnh kiểm, đình chỉ học một thời gian, hoặc đuổi học... đều để lại những hệ lụy lâu dài và khó lường đối với cả nạn nhân và học sinh mắc lỗi.

Nhiều học sinh hay đánh bạn sẽ rất dễ trở thành tội phạm vị thành niên, gây hậu quả nặng nề cho cả gia đình và xã hội. Chỉ khi nào gia đình, nhà trường và xã hội thôi đổ lỗi cho nhau trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh, nhận thức đúng về tình trạng bạo lực trong trường học để cùng phối hợp giáo dục, điều chỉnh hành vi cho các em thì mới mong giảm được tình trạng bạo lực trong trường học hiện nay./.