Nhiều tài liệu tuyệt mật về biên giới, biển đảo bị lộ ra ngoài
- 09:35 26-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều 25/10, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước trước Quốc hội.
Ông cho biết, từ năm 2001 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục tuyệt mật, tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo.
"Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc, báo chí, xuất bản, quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe, việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động", Bộ trưởng Công an nói.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết từ năm 2001 đến nay đã phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Ảnh: Quochoi |
Trước bối cảnh nêu trên, dự thảo Luật đưa ra 8 nội dung mới về hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước. Cụ thể như, bổ sung trách nhiệm của người soạn thảo văn bản có nội dung bí mật nhà nước đề xuất cho phép hoặc không cho phép sao, chụp bí mật nhà nước; bảo vệ bí mật nhà nước đang trong giai đoạn dự thảo nhằm nâng cao trách nhiệm của người soạn thảo văn bản...
Dự thảo Luật cũng quy định biện pháp kỹ thuật, khoa học, công nghệ; mã hóa; nghiệp vụ; pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ bí mật nhà nước.
Thẩm tra dự Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt đề nghị bổ sung quy định giúp các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời việc lộ, mất bí mật nhà nước để đưa ra biện pháp khắc phục, hạn chế hậu quả; quy định về các biện pháp hạn chế thiệt hại do việc lộ, mất bí mật nhà nước gây ra như hủy bỏ, điều chỉnh, đình chỉ việc sử dụng bí mật nhà nước.
Ông Việt nói Uỷ ban đồng tình với một số đại biểu cho rằng bí mật nhà nước độ tuyệt mật thường liên quan đặc biệt đến an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì vậy thời hạn bảo vệ cần quy định dài hơn, có thể là 50 hoặc đến 60 năm.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công an quy định cụ thể hơn về phạm vi bí mật nhà nước, làm rõ nội hàm "cần giữ bí mật" cũng như thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước trong dự thảo Luật là tối đa hay tối thiểu; số lần gia hạn và thời gian cụ thể cho từng lần gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước...
Kỳ họp này Quốc hội thảo luận lần đầu dự án Luật và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp tiếp theo.