Nước mắt lặng thầm của bà mẹ chăm con ung thư
- 09:09 26-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy còn nhỏ nhưng bé Nhàn cũng rất thương mẹ, bé chẳng bao giờ kêu ca vì sợ mẹ lo lắng. |
Thế chấp sổ đỏ lấy tiền chữa bệnh cho con
Sinh con ra, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình khỏe mạnh, ngoan ngoãn, phát triển bình thường. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui ấy khi những đứa con bé bỏng của họ phải nhận án tử với căn bệnh ung thư quái ác. Nhìn những đứa trẻ ngây thơ phải chống chọi với những khối u, với những nỗi đau về thể xác mà nước mắt của những bậc làm cha, làm mẹ như anh Lương Sỹ Dũng (SN 1983) và chị Lê Thị Trường (SN1981) (quê ở xóm Đào Nguyên, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) chẳng thể ngừng rơi.
Căn phòng 801 của khoa Ung bướu, Bệnh viện Nhi Trung ương bỗng trở nên trầm lắng đến lạ bởi những tiếng khóc, những tiếng nấc nghẹn ngào của cô bé Trương Thị Nhàn (SN 2009) xin mẹ về nhà cho đi học. “Mẹ ơi con muốn về nhà, con muốn đi học cùng các bạn, con không muốn ở đây nữa đâu. Con muốn mẹ tết tóc cho con trước khi đi học. Nhưng tóc của con đâu hết rồi?” Nghe đến vậy chị Lê Thị Trường (mẹ của bé Nhàn) chỉ biết ôm con vào lòng và khóc: “Cố lên con gái của mẹ, mình sắp được về rồi. Tóc con sẽ lại dài như xưa…!”. Nhìn thấy cảnh tượng đó, ai cũng phải rớt nước mắt.
Đầu tháng 7/2017, thời gian gia đình chị Trường chuẩn bị mua sách vở cho bé Nhàn cắp sách đến trường thì đó cũng là lúc con gái chị có những biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, sút cân liên tục. Cảm thấy không yên tâm, chị đưa con đến bệnh viện khám thì bác sỹ chẩn đoán bé mắc bệnh u nguyên bào thần kinh.
Không tin vào kết quả trên, chị đưa con đi các bệnh viện để kiểm tra nhưng kết quả đều là vậy. Cầm kết quả trên tay, chị Nhàn khóc cạn nước mắt. “Tại sao ông trời lại đày đọa đứa con bé bỏng của tôi như vậy, nó có tội tình gì đâu mà bắt nó phải chịu những nỗi đau lớn như vậy” hai hàng nước mắt của chị lăn dài trên má.
Nghĩ đến số tiền chữa trị cho con, chị lại khóc. Nhà chị làm gì có tiền. Hơn 1 sào ruộng của nhà, nhận khoán thêm ruộng của người ta, một vụ lúa 6 tháng quần quật làm lụng, trả tô trả thuế rồi trừ hết chi phí thu được 1 tạ thóc, quy đổi được 700 nghìn đồng. 700 nghìn đồng nửa năm làm ruộng, ăn còn chẳng đủ, lấy gì tiền chữa chạy cho con? Chồng chị cũng chỉ đi làm thuê phát rừng, làm nương, ai thuê gì thì anh làm nấy. Tháng nào nhiều thì được tầm 2 triệu, còn đâu chỉ được hơn 1 triệu/tháng, số tiền ấy cũng chỉ đủ ăn.
Nhưng đứa con dứt ruột đẻ ra, sao chị có thể bỏ mặc nó được. Chị lại khẩn khoản từng nhà, vay nợ từng đồng để con có tiền chữa trị. Nhưng người thân hoàn cảnh cũng đều làm nông, hoàn cảnh chẳng có. Kể từ ngày con nằm viện để chống trọi với căn bệnh ung thư quái ác cũng là ngày những vật dụng có giá trị trong nhà cứ lần lượt ra đi. Đến cả ngôi nhà để chui ra chui vào những khi nắng mưa chị cũng cầm cố cho ngân hàng, đâu chừng được gần 100 triệu đồng.
Nếu có thể hãy để tôi chịu đau đớn thay con
Kể từ ngày con nằm viện, chị Trường chưa một đêm ngủ ngon giấc. |
Khi được hỏi với số tiền vay lớn như trên, khi đến hạn ngân hàng, chị sẽ lấy đâu ra trả, chị Nhàn chỉ biết thở dài: “Tôi cũng chẳng biết nữa, trước mắt chỉ biết cố gắng chữa trị cho con qua khỏi, rồi vợ chồng cùng làm lụng để trả ngân hàng. Hy vọng cả nhà không phải ra ngoài đường ở”, trong đôi mắt của người mẹ trẻ ấy ánh lên bao sự lo lắng, muộn phiền.
Điều kiện gia đình không có, mỗi bữa hai mẹ con chị cũng chỉ dám chung nhau suất cơm 10.000VNĐ hoặc suất cơm từ thiện trong viện gọi cho là ấm bụng, đêm đến thì quanh quẩn ở hành lang bệnh viện để ngủ.
Chị kể, trước kia bé Nhàn luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người, thế nhưng từ khi xuống chữa bệnh, bé gần như chẳng nói chuyện với ai. Những lúc cơn đau hành hạ, bé cũng chẳng dám kêu vì sợ mẹ lại khóc, mẹ sẽ lo lắng. Thấy vậy chị càng thương con nhiều hơn. Chị bảo: “Nếu có thể hãy để tôi chịu đau đớn thay con. Cháu vẫn còn nhỏ quá, làm sao chịu được nỗi đau lớn như vậy?”.
Những ngày đầu mới xuống bệnh viện, bé còn có thể đi lại được, nhưng bệnh tình các lúc càng nặng. Nghe bác sỹ nói, nếu đi lại nhiều bé có thể bị chảy máu ở khối u, có thể dẫn đến nguy cơ vỡ khối u đó. Bé Nhàn mới gần 9 tuổi mà cân nặng chỉ có 16kg, không phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Sợ rằng tình trạng của con sẽ xấu đi nhanh hơn, nên chị Trường chẳng dám rời con lúc nào.
Có lúc con hỏi “khi nào mình mới được về nhà hả mẹ, khi nào con lại được đến trường với các bạn?” Sống mũi chị lại thấy cay cay rồi trả lời con gái rằng sẽ nhanh thôi, con phải ngoan ngoãn nghe lời bác sỹ, khi nào khỏe mẹ sẽ đưa con về đi học. Vậy là bé lại ngoan ngoãn nghe lời mẹ, nhiều lúc phải truyền hóa chất đau đớn, bé cũng chẳng kêu ca. Những lúc, nhớ trường, nhớ lớp bé lại lấy bút, lấy vở ra tự học.
Theo lời bác sỹ, hai tháng trước đó khối u của bé Nhàn đo được là 111x117x154mm, đến nay sau ba tháng khối u đó vẫn chưa có thể đo được chính xác là bao nhiêu. Chị Nhàn lo lắng đến mức chỉ cho con nằm một chỗ, đôi lúc con muốn đi ra ngoài thì mẹ sẽ bế đi, vì chị sợ rằng khối u sẽ vỡ ra. “Điều duy nhất chỉ có thể làm bây giờ là cố gắng làm sao kéo dài thời gian cho con được ở bên mình. Ở khoa ung bướu này, thỉnh thoảng lại có cháu bé đột ngột ra đi khiến tôi lo rằng một ngày nào đó, ông trời cũng cướp mất đứa con bé bỏng khỏi tay tôi”, chị Trường cảm thấy bất lực trước tình hình sức khỏe của con.
Những ngày qua, chị Trường chưa một lần từ bỏ chút hi vọng nào cứu lấy đứa con gái của mình. Chị bảo “Tôi rất muốn con mình được mổ khối u, nhưng nó là u ác, tôi sợ phần rủi ro sẽ lớn hơn. Bác sỹ khuyên gia đình tôi tiếp tục theo dõi một thời gian nữa xem sao”.
Sức khỏe của bé Nhàn ngày càng sa sút, ăn bao nhiêu cũng chỉ để nuôi lớn khối u trong người, nghe tiếng thở khò khè yếu ớt của con gái, chị Trường thậm chí không cho phép mình ngủ yên giấc. Cứ một lúc chị lại đặt nhẹ tay vào lồng ngực con gái mình xem con có còn thở hay không… bởi chị lo sợ con có thể bỏ chị đi bất cứ lúc nào, chị nói. “Thấy con vẫn còn cựa quậy và thở mệt nhọc tôi lại mừng vì ít nhất con còn sống với tôi. Mỗi ngày qua đi, tôi đều cầu mong phép mầu đến với hai mẹ con", chị Trường tâm sự.