Phút "tim đập chân run" của nữ quản giáo đứng trước một “rừng” thanh niên khắp người xăm trổ, cởi trần trùng trục
- 15:13 25-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nỗi niềm của nữ quản giáo trước “một rừng” thanh niên xăm trổ, cởi trần trùng trục
Về Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2 từ thuở sơ khai, chị Phùng Thị Thúy Hường nhớ ngày đó, đường vào đây còn nhiều rắn rết, bụi cây chằng chịt. Chị Hường là một trong những nữ cán bộ có thâm niên gắn bó lâu năm nhất tại nơi này.
17 năm qua, chị điều hành các công việc hành chính, tổ bếp tại Trung tâm. Mỗi ngày tổ bếp của chị phục vụ hơn 400 suất ăn cho cả Trung tâm, bao gồm hơn 100 cán bộ, 300 học viên cai nghiện và 80 cháu mồ côi, hoàn cảnh khó khăn. Hiện chị Thúy Hường là Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội số 2.
Chị Thúy Hường, người có thâm niên 17 năm gắn bó với Trung tâm. Ảnh: Thu Hà |
Tất cả thức ăn, rau cỏ ở đây đều là đồ tự cung, tự cấp. Bất cứ ai đến thăm Trung tâm cai nghiện ma túy cũng phải ngạc nhiên trước cảnh đến giờ cơm là học viên tự động rửa tay, xếp dép tổ ong ngay ngắn trước cửa nhà ăn, không có cảnh lộn xộn, tranh giành.
Phòng ở của học viên gọn gàng, gấp chăn màn “vuông cục gạch” như trong quân đội”. Chỉ có kỷ luật “thép” mới khiến mọi thứ được vận hành một cách quy củ ở một nơi toàn những con người một thời bất cần, tận cùng của xã hội.
Nhưng ở một góc khác, chị Thúy Hường đã trải lòng với PV Emdep.vn rất thật về công việc chị gắn bó cả tuổi thanh xuân. Chị từng phải đối mặt với nỗi sợ hãi khi nhìn thấy “một rừng” toàn thanh niên xăm trổ, cởi trần trùng trục.
“Nếu một lần bạn đứng từ xa, nhìn thấy một “rừng” thanh niên cởi trần trùng trục, ông nào ông nấy xăm trổ kín khắp mình mẩy, tay chân thì sẽ hiểu nữ quản giáo thời gian đầu tiên vào làm việc tại Trung tâm cảm giác thế nào? Thật ra, nữ quản giáo cũng có nỗi sợ riêng khi làm việc trong môi trường của những con người tận cùng xã hội”, chị Hường bộc bạch.
|
Đối xử với những con người một thời lầm lạc ngoài kỷ luật còn có cả tình yêu thương và bao dung. Ảnh: Thu Hà |
Về đây từ lúc còn rất trẻ, phận là con gái, những ngày đầu, chị Hường thừa nhận chị cảm thấy sợ. Nhất là khi hàng ngày, chị được chứng kiến các y bác sĩ điều trị cắt cơn cho học viên nghiện ma túy, ma túy đá.
Cơn ngáo đá vật vã khiến các học viên ở đây chửi “váng óc” cả đêm. Thậm chí, người nghiện có thể rạch tay, đập đầu vào tường. Chị chọn cách trấn tĩnh, đối mặt với nỗi sợ hãi và tiếp tục công việc.
“Trước tiên hãy coi họ là những con người bình thường. Trò chuyện, hỏi han họ thì sẽ không thấy sợ nữa”, chị Thúy Hương nói.
Trăn trở của nữ quản giáo suốt ngày ở trung tâm cai nghiện
Đó là câu chuyện của trước đây, khi Trung tâm có lúc tiếp nhận số lượng học viên cai nghiện lên tới hàng nghìn người. Còn giờ đây, Trung tâm đã có cơ sở vật chất khang trang và mọi thứ đi vào quy củ thì công việc của các nữ cán bộ đã “dễ thở” hơn rất nhiều.
Trò chuyện với học viên, chị Hường nhận thấy đằng sau những vẻ ngoài “đầu bò đầu bướu” ngang ngạnh kia là một tâm hồn bị tổn thương.
“Đa số, con đường đưa đẩy các em đến với tình cảnh này là do gia đình không hạnh phúc. Có em nghiện do cha mẹ cãi nhau, khiến các em cảm thấy sợ hãi không muốn về nhà. Nhiều em nghiện chỉ vì cha mẹ cho con thừa thãi tiền bạc nhưng thiếu thốn sự quan tâm, thấu hiểu. Tất cả đẩy các em ra đường và bị bạn bè lôi kéo.
Để giúp các em làm lại cuộc đời, các thầy cô ở đây không còn cách nào khác là phài vừa dạy vừa dỗ. Một mặt áp dụng kỷ luật nghiêm ngặt để quản lý mấy trăm con người. Mặt khác, phải trò chuyện kéo các em trở về bằng tình yêu thương, thấu hiểu thực sự”, chị Hường cho biết.
Tập thể dục nâng cao sức khỏe cho học viên cai nghiện. Ảnh: Thu Hà |
Nhiều lần chị thấy thương vì các em học viên nữ thề thốt “cháu vào đây nốt lần này”, nhưng vài năm sau lại gặp lại. “Mặc dù ở trong này các em rất ngoan nhưng ra ngoài lại sa ngã vì không giữ được bản lĩnh trước định kiến và bạn bè lôi kéo”, chị Hường lý giải.
Hàng ngày va đập với đủ các mảnh đời, chứng kiến quá trình cai nghiện, làm lại cuộc đời khó khăn của học viên, khi trở về với tổ ấm, chị Hường cảm thấy chạnh lòng khi nghĩ về mối liên kết quá lỏng lẻo trong gia đình thời hiện đại - nguyên nhân mấu chốt đưa đẩy người trẻ đến với con đường nghiện ngập.
Mỗi tuần, chị Hường được nghỉ hai ngày cuối tuần. Còn lại, ngoài làm việc ban ngày, nữ quản giáo cũng phải trực đêm theo lịch được phân công.
“Thế hệ ngày xưa cuộc sống nghèo khó nhưng đơn giản, không có điện thoại, máy tính, game. Thế hệ trẻ thời nay sung sướng hơn về vật chất nhưng cuộc sống phức tạp, đối mặt với rất nhiều cám dỗ. Trong khi đó, bố mẹ lại quá mải mê kiếm tiền. Chỉ sợ một lúc nào đó, bố mẹ không thể theo đuổi kịp suy nghĩ của con nữa””, chị Hường trầm ngâm nói.