Đây là những quốc gia thải nhiều rác ra vũ trụ nhất
- 08:32 25-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trái Đất hiện có hàng nghìn vệ tinh quay xung quanh ở nhiều độ cao khác nhau. Tuy nhiên, trong số những vật thể có kích thước to hơn nắm tay đang lơ lửng trên không gian, 95% là rác thải vũ trụ. Trong đó là các bộ phận tên lửa, vệ tinh chết, thiết bị của du hành gia.
Các vật thể này di chuyển trong quỹ đạo với vận tốc nhanh gấp 10 lần đạn bắn và có thể tồn tại trong không gian hàng trăm năm. Một cú va chạm giữa hai vật thể có khả năng tạo ra vụ nổ lớn. Khi đó, khoảng 170 triệu mảnh vỡ có kích cỡ lớn hơn 1 mm sẽ bay với tốc độ vài chục nghìn km/h xung quanh trái đất, gây nguy hiểm cho các trạm vệ tinh và tàu vũ trụ.
Biểu đồ dưới đây được Business Insider tổng hợp từ dữ liệu của Space-Track.org, cho thấy top 10 quốc gia/tổ chức có lượng rác thải vũ trụ nhiều nhất thế giới.
Các quốc gia và tổ chức có lượng rác vũ trụ nhiều nhất. Ảnh: Space Track |
Biểu đồ cho thấy Nga là nước có nhiều vật thể bay nhất. Mặc dù vậy, lượng rác vũ trụ (phần màu đỏ) của nước này chỉ đứng thứ 2. Trong khi đó, Mỹ là nước có số lượng rác vũ trụ nhiều nhất - 3.999 vật thể, nhỉnh hơn một chút so với Nga (3.961).
Trung Quốc chỉ mới mở rộng các chương trình vũ trụ của mình nhưng nước này vẫn đứng thứ 3 thế giới về lượng rác thải. Nguyên nhân là vào năm 2007, Trung Quốc đã phá hủy một vệ tinh riêng để thử nghiệm vũ khí.
Các quốc gia/tổ chức xếp sau có lượng rác thải ít hơn 3 nước này rất nhiều. Danh sách bao gồm Pháp, Nhật, Ấn Độ, European Space Agency (Cơ quan Hàng không Châu Âu), International Telecommunications Satellite Organization (Tổ chức Vệ tinh Viễn thông Quốc tế), Globalstar và Societe Europeene des Satellites (Cộng đồng Vệ tinh Châu Âu).
Làm cách nào để loại bỏ rác thải vũ trụ?
Đẩy các vật thể bay ra khỏi quỹ đạo xung quanh trái đất là cách thông dụng nhất. Nhiều công ty và cơ quan hàng không đang xây dựng các tàu vũ trụ để thực hiện nhiệm vụ này.
Ailor, nhân viên Tổ chức Phi lợi nhuận Aerospace và một số người khác đang phát triển phương pháp mới để thu nhặt và loại bỏ rác vũ trụ. Phương pháp này giống như XPRIZE hay Grand Challenge, trao thưởng cho những tàu vũ trụ loại bỏ được các vật thể bay.
Rác vũ trụ quay xung quanh quỹ đạo Trái Đất. Ảnh: Space Track |
Mục tiêu các giải pháp này hướng tới là ngăn chặn hiệu ứng Kessler - hai vật thể bay va chạm vào nhau. Mảnh vỡ của chúng văng ra và va vào các vật thể bay khác. Chuỗi vụ nổ liên hoàn này sẽ để lại nhiều mảnh vỡ nhỏ bay với tốc độ lớn hơn.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của việc dọn dẹp rác vũ trụ là con người. Các quốc gia và tổ chức không được phép chạm vào vệ tinh hoặc tàu vũ trụ của nhau. Hành động này thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh. Theo Ailor, các nước cần sớm thống nhất một hiệp ước quy định việc cứu hộ và loại bỏ các vật thể bay trong không gian. Nếu không, hậu quả từ rác thải vũ trụ sẽ rất kinh khủng.