Cuộc chiến giành lãnh thổ hài hước nhất thế giới
- 20:40 24-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nằm ở vùng xa xôi và hẻo lánh của Bắc Cực là Hans, một đảo hoang với diện tích 1,3 km2, dài gần 1,3 km và rộng 1,2 km. Trên thực tế, Hans là một dãy núi đá lớn không có người ở, cũng không có tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, nó được nhiều người biết đến trên thế giới nhờ cuộc chiến giành lãnh thổ kỳ lạ của Canada và Đan Mạch trong nhiều thập kỷ qua, theo New York Times.
Năm 1973, Canada và Đan Mạch thiết lập đường biên giới trên biển nhưng không đạt được thỏa thuận về quyền sở hữu đảo Hans. Ảnh: BI. |
Theo Atlas, Hans nằm ở eo biển Nares, giữa đảo Ellesmere và bắc Greenland, nối vịnh Baffin với biển Lincoln. Theo luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có quyền tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong vòng 12 dặm (khoảng 19 km) tính từ bờ biển nước họ. Do nằm ở ngay vùng tiếp giáp lãnh hải giữa Canada và Greenland (lãnh thổ tự trị của Đan Mạch), nên cả hai quốc gia này đều tuyên bố Hans thuộc chủ quyền của mình. Hai bên đã tranh chấp trong nhiều năm liền.
Đến năm 1933, bản đồ thế giới đã ghi nhận hòn đảo này thuộc lãnh thổ Đan Mạch theo phán quyết của Tòa án Quốc tế thuộc Hội Liên quốc (League of Nations). Tuy nhiên, khi Hội này tan rã và được thay thế bằng Liên Hợp Quốc, phán quyết về vị trí của đảo Hans không còn giá trị.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai và thời kỳ chiến tranh lạnh, việc tranh chấp hoang đảo nhỏ bé này không được hai nước chú trọng. "Cuộc chiến" này chỉ thực sự nóng lên từ năm 1984. Vào năm đó, tuần dương Canada đã đặt chân lên Hans. Họ cắm cờ và để lại một chai rượu của nước mình cùng dòng chữ "Chào mừng đến Canada".
Ngay sau đó, Bộ trưởng Công nghiệp Greenland đã đến thăm hòn đảo, thay thế dấu ấn của Canada bằng cờ và rượu của nước mình. Ông cũng để lại lời ghi chú: "Chào mừng bạn đến đảo của Đan Mạch".
Quân đội Canada (trái) và Đan Mạch lần lượt cắm cờ trên đảo Hans vào năm 2005 và 2002. Ảnh: NY Times. |
Kể từ đó, Canada và Đan Mạch đã tiếp tục "cuộc chiến tranh" bằng rượu vang nhằm khẳng định chủ quyền của mình. Theo Peter Taksoe-Jensen, đại sứ Đan Mạch tại Mỹ, quân đội Đan Mạch tới đây họ để lại một chai rượu. Khi quân đội của Canada đến, họ sẽ bỏ rượu của Đan Mạch đi và thay bằng đồ của nước mình cùng dòng chữ "Chào mừng tới Canada".
Trong hơn 30 năm qua, cuộc chiến rượu vang vẫn diễn ra âm thầm như thế, và được nhiều người gọi là cuộc chiến giành lãnh thổ kỳ lạ nhưng cũng hài hước nhất thế giới.
Hiện tại, hai nước đang lên kế hoạch để biến đảo Hans thành lãnh thổ chung, và lần lượt được quản lý bởi hai quốc gia.