Ngành công nghệ thông tin Đà Nẵng: Sức bật từ nền tảng hạ tầng
- 17:19 24-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Công nghiệp phần mềm của Đà Nẵng tăng trưởng trung bình trên 20% năm. |
Ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết, ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng tăng trưởng ấn tượng cả về quy mô, doanh số có nguyên nhân quan trọng từ hạ tầng thông tin viễn thông được TP đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Công nghiệp CNTT bứt phá
Ngành Công nghiệp CNTT của Đà Nẵng hiện có gần 700 doanh nghiệp, tạo việc làm cho khoảng 22 ngàn lao động, doanh thu hơn 13 ngàn tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30% mỗi năm. Đây là con số khá ấn tượng, khẳng định sự bứt phá nhanh chóng của ngành công nghiệp mang tính chiến lược trong định hướng phát triển của TP. Điều đáng nói, ngành công nghiệp CNTT của Đà Nẵng phát triển đều ở các nhóm từ sản xuất, lắp ráp phần cứng, điện tử đến cung cấp dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung số, dịch vụ phân phối thiết bị... Trong nhóm công nghiệp điện tử, vi mạch, Đà Nẵng hiện có 11 doanh nghiệp, sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao như động cơ điện siêu nhỏ, tai nghe, linh kiện điện thoại di động...
Để hình thành và phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch nội địa, Đà Nẵng đã thành lập Trung tâm vi mạch tiến hành nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm vi mạch, điện tử có hàm lượng công nghệ cao bằng công nghệ trong nước. Một số doanh nghiệp như eSilicon, Global CyberSoft, Acronics, Uniquify... cũng dần hình thành các nhóm nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm điện tử, vi mạch. Trong nhóm công nghiệp phần mềm, nội dung số, tại Đà Nẵng đã hình thành nhiều “tên tuổi” lớn như FPT Software, Axon Active, Gameloft, Logigear, Magrabbit, Global Cybersoft, Enclave, Asnet... chuyên cung cấp dịch vụ gia công phần mềm cho các thị trường Nhật Bản, Bắc Mỹ, Châu Âu. Năm 2016, doanh thu nhóm này đạt gần 3 ngàn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 20%.
Tạo nên sự bứt phá nhanh chóng của ngành công nghiệp CNTT Đà Nẵng phải kể đến sự tham gia của nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực này, trong đó nổi bật là tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam FPT. Ngoài tòa nhà phần mềm FPT Đà Nẵng hiện là nơi làm việc của hơn 1.500 nhân viên với hoạt động sản xuất chính là gia công và sản xuất phần mềm xuất khẩu thì FPT còn tiến hành xây Khu Đô thị CNTT với tổng diện tích 181 ha. Hiện FPT đã hoàn thành hạ tầng giai đoạn 1 (khoảng 60 ha) và hoàn thành dự án vào năm 2020.
Hấp lực với nhà đầu tư
Ông Nguyễn Quang Thanh cho biết, Đà Nẵng hiện là đầu mối viễn thông quan trọng của quốc gia và quốc tế với Trạm cáp quang biển quốc tế SEMEWE 3 kết nối Việt Nam với gần 40 nước ở Châu Á và Châu Âu. Hạ tầng viễn thông TP khá hiện đại với 60 đài vệ tinh phục vụ yêu cầu phát triển nhiều loại hình dịch vụ tiên tiến. Hiện TP cũng có mạng đô thị (mạng MAN) với hơn 300km cáp quang đi ngầm kết nối tất cả cơ quan công sở; mạng không dây công cộng với 430 điểm phát sóng tại các khu vực trung tâm TP, các điểm du lịch, khu vực công cộng; Trung tâm dữ liệu của TP có dung lượng lưu trữ đến 100TB sử dụng công nghệ ảo hóa.
Bên cạnh đó, để tạo môi trường liên kết, chuyên nghiệp, quy tụ các doanh nghiệp CNTT cùng làm việc, hợp tác và phát triển, Đà Nẵng đã đầu tư thành lập Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng với tổng diện tích xây dựng hơn 26 ngàn m2. Khu Công viên này hiện có 76 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2.400 lao động, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT lớn trong nước và quốc tế, TP đã triển khai quy hoạch thêm Khu CNTT tập trung Đà Nẵng (341 ha), Khu CNTT tập trung số 2 (56 ha) hiện đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Riêng Khu Công viên phần mềm số 2 (10 ha) đang trong quá trình nghiên cứu khả thi.
Bên cạnh hạ tầng hiện đại thì nguồn nhân lực, môi trường đầu tư cũng là hấp lực lớn thu hút các doanh nghiệp CNTT đầu tư vào TP. Ông Thanh cho biết, hàng năm số nhân lực được đào tạo từ các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn TP trên 2 ngàn người, ngoài ra nhân lực từ các trung tâm đào tạo khác của khu vực cũng đổ về TP. Với nguồn nhân lực trẻ, năng động, được đào tạo bài bản là lợi thế rất lớn để Đà Nẵng thu hút các doanh nghiệp CNTT. Về môi trường đầu tư, Đà Nẵng được đánh giá cao bởi sự lành mạnh, minh bạch, bộ máy chính quyền năng động, kiến tạo cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư cho CNTT thông thoáng. Chính việc dẫn đầu cả nước về Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số quản trị hành chính công, Chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT liên tục trong nhiều năm liền của TP đã chứng minh điều đó.