Kỳ án dưới chân đèo Pha Đin: Ôm nỗi oan giết cha xuống mồ
- 13:39 24-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 18/9/1989, bà Đặng Thị Nga (SN 1938, ở thị trấn Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) phát hiện chồng mình là ông Trịnh Huy Tùng tử vong dưới giếng.
Kết quả khám nghiệm cho thấy, nạn nhân chết do bị búa đinh, gậy gỗ đập nhiều nhát vào đầu làm vỡ sọ não. Nạn nhân chết trước khi bị ném xác xuống giếng.
Bà Đặng Thị Nga |
Căn cứ vào kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi, tháng 9/1989, Công an Lai Châu (nay tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên) đã khởi tố, bắt giữ 2 người con trai của ông Tùng là Trịnh Công Hiến (SN 1963, đã chết năm 2004) và Trịnh Huy Dương (SN 1970) về tội giết người. Vợ ông Tùng là bà Đặng Thị Nga (SN 1938) sau đó cũng bị bắt.
Ngày 12/4/1990, TAND tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Đặng Thị Nga 36 tháng tù treo về tội che giấu tội phạm. 2 con trai của bà Nga là Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương bị cáo buộc đã sát hại cha mình và lần lượt nhận án 18 năm tù và 12 năm tù.
Mang nỗi oan khuất xuống mồ
Ngày 18/12/1990, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo của các bị cáo và đã tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 10/12/1990 của TAND tỉnh Lai Châu vì lý do: "...Có một số thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố xét xử tại cấp sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được...".
Ngày 27/3/1991, VKSND tỉnh Lai Châu có quyết định trả hồ sơ cho Công an tỉnh Lai Châu điều tra lại. Đến năm 1992, các ông Trịnh Công Hiến và Trịnh Huy Dương được hủy bỏ quyết định tạm giam với lý do "thời hạn tạm giam đã hết".
Từ đó đến nay, vụ án bị treo lơ lửng suốt gần 30 năm mà không có bất cứ kết luận nào từ phía cơ quan chức năng. Theo luật sư Vũ Thị Nga, sau 28 năm bị treo lơ lửng trong hành trình tố tụng, bà Nga và các con bị xã hội khinh bỉ, công ăn việc làm không có, sống lang bạt, vất vưởng vì tiền án, tiền sự giết người. Nỗi thống khổ đó, các con bà Nga phải đeo đẳng từ khi còn là một cậu thanh niên 19 tuổi, đến nay đã gần 50 tuổi.
Gia đình bà Nga đi kêu oan khắp nơi. Luật sư Nga cho rằng: Kết quả khám nghiệm cho thấy, nạn nhân chết do bị búa đinh, gậy gỗ đập nhiều nhát vào đầu làm vỡ sọ não. Nạn nhân chết trước khi bị ném xác xuống giếng.
Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, hội đồng giám định đã khai quật tử thi để điều tra làm rõ thì thực tế ông Trịnh Huy Tùng chết không phải do bị đập nhiều nhát vào đầu bằng búa, gậy, không vỡ hộp sọ... Hài cốt ông Tùng đã được đưa về Viện KHHS, Bộ Công an nhiều tháng để giám định nhưng cũng không có kết quả.
Ông Trịnh Huy Dương |
Theo luật sư Nga, vụ án xảy ra đã hơn 28 năm, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết. Như vậy xét về cả mặt tố tụng và nội dung vụ án đều không có căn cứ kéo dài thêm nữa. Ông Dương và ông Hiến không phạm tội giết bố, vì vậy không có bất kỳ lý do gì để kéo dài việc ra quyết định minh oan cho người vô tội.
Đến tháng 10/2017, cơ quan tố tụng ra quyết định đình chỉ bị can, tuyên bố 3 người trong gia đình bà Nga vô tội. Điều đáng tiếc, không chờ được đến ngày giải oan, năm 2004, ông Trịnh Công Hiến đã qua đời, mang theo nỗi oan khuất xuống mồ.
Trao đổi với phóng viên, bà Đặng Thị Nga cho biết, do tuổi cao, hay đau ốm, bà rất yếu. Bà vẫn nhớ như in sự việc cách đây gần 30 năm khi vừa mang nỗi đau mất chồng, lại thêm nỗi thống khổ vì oan khuất. Bà kể lại: “Tới sáng ngày thứ 3, tôi nghĩ cứ để họ đánh thì mình chết ở đây, không ai minh oan cho mình và con nên nhận tội. Khoảng hơn 10h sáng, tôi được gặp các con để bàn bạc, thằng lớn bảo thôi mẹ nhận tội đi rồi về nuôi các em để bọn con đi tù… Tôi đành nhận tội”. Phần mình, anh Dương cho biết, do không chịu được miệng tiếng thiên hạ, anh phải bỏ xuống miền xuôi kiếm sống. |