Hiện thực hóa ước mong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể
- 08:57 24-10-2017
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận và rà soát, đơn vị đã tổng hợp được 140 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ hai - năm 2018. Trong đó có 19 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Đào nương Nguyễn Thu Thảo đã 3 lần nhận học bổng Vallet của Pháp và đạt nhiều giải thưởng về ca trù từ những năm 2005 đến nay |
Tôn vinh những cá nhân có phẩm chất, tài năng
Với mục đích tôn vinh những cá nhân có phẩm chất đạo đức, tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng, ngay từ lần đầu tiên Nhà nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất - năm 2015, đây đã trở thành hoạt động ý nghĩa đối với những người đang ngày đêm cống hiến để tiếp nối và phát huy những giá trị tinh hoa, truyền thống Việt.
Bà Nguyễn Thị Lan (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) - 1 trong 39 “Nghệ nhân ưu tú” được xét tặng lần thứ nhất và lần này tiếp tục làm hồ sơ mong được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” chia sẻ: “Tôi đã truyền dạy làn điệu hát dô cổ từ năm 1989 thế kỷ trước đến nay để không bị thất truyền, nên khi nhận được danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, tôi rất phấn khởi. Danh hiệu không chỉ để mọi người biết tới công lao cống hiến của một cá nhân và còn đem lại hiệu quả tới các tập thể trong và ngoài nước biết đến nền văn hóa quê hương”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan, giờ ở huyện Quốc Oai ngay cả trẻ con mẫu giáo, nhiều bé đã biết hát dô, và giờ bà vẫn đều đặn trao đổi kiến thức về hát dô với những thế hệ tiếp nối. Tuy nhiên, ở tuổi 61, bà cũng hay gặp phải những lần ốm đau nhưng khó khăn vì điều kiện thu nhập thấp. Hiện bà đang dạy hát dô hoàn toàn miễn phí. Bà Lan hy vọng sẽ có nhiều dịp để những học trò học hát dô được đi giao lưu nhiều hơn ở các tỉnh, thành, được tham gia biểu diễn quốc tế để ngày càng nhiều người biết được cái hay, cái đẹp của hát dô và cuộc sống người đam mê nghệ thuật truyền thống ổn định hơn.
Các hồ sơ tham gia xét tặng danh hiệu bên cạnh loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian ví như ca trù, xẩm, hò cửa đình múa hát bài bông, ca ví thường rang bộ mẹng diễn tấu cồng chiêng dân tộc Mường, tuồng, chèo, chèo tàu, hát sa mạc, múa bồng, múa rồng…; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội còn có loại hình tri thức dân gian như ẩm thực, tò he…
Ông Nguyễn Văn Ổn (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) kể: “Ngoài nổi tiếng vì giò chả Ước Lễ, Tân Ước còn được nhiều người biết đến nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh giày. Trong nhiều năm tham gia thi làm bánh chưng, bánh giày tại Đền Hùng (Phú Thọ), đại diện đoàn Hà Nội, những nghệ nhân xã Tân Ước như ông Nguyễn Văn Ổn đã gặt hái được những thành tích cao, gần đây là giải Nhất làm bánh giày và giải Nhì làm bánh chưng. Đều đặn dịp lễ, Tết, ông Nguyễn Văn Ổn không chỉ hăm hở gói tay những chiếc bánh chưng xanh thơm ngon bằng hạt gạo nếp cái hoa vàng mà còn đi đến tận nhà những thực khách có nhu cầu thuê người gói bánh. Hỏi về bí quyết, ông Nguyễn Văn Ổn bảo: “Gia đình tôi truyền lại cách làm, thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Tân Ước hạt gạo thơm ngon, làm bánh giày trắng dẻo. Thực chất, bánh tôi gói ngon bởi theo thời gian tôi không ngừng trau dồi cách nêm nếm gia vị, kỹ thuật gói tay nhanh”.
Động lực những nghệ nhân trẻ
Trong 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, đáng chú ý là hồ sơ của đào nương Nguyễn Thu Thảo (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội). Tuy mới 24 tuổi nhưng Thu Thảo đã có khoảng 17 năm trong nghề ca trù. Thảo đã đi truyền dạy nghệ thuật ca trù cho những người đam mê nghệ thuật cổ, ngoài ra Thảo biết phân tích những lời thơ trong các thể cách ca trù xưa và các sáng tác mới bây giờ. Hiện nay Thảo đang nắm giữ khoảng hơn 30 làn điệu ca trù và nhiều kỹ thuật, những bí quyết của phách và hát, ca vũ trong ca trù cho các thể cách khó.
“Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” rất cần thiết cho những nghệ nhân làm nghề, vì những nghệ nhân họ truyền dạy nghệ thuật bằng hình thức truyền khẩu, họ không phải những người nghệ sĩ chuyên nghiệp, nên danh hiệu này rất phù hợp với những người đang cống hiến trong các lĩnh vực văn hóa truyền thống”. Đào nương Nguyễn Thu Thảo |
Chia sẻ về ý tưởng tham gia nộp hồ sơ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nguyễn Thu Thảo nói: “Từ khi có công văn xét danh hiệu nghệ nhân trong những năm trước, thực sự tôi đã rất mong chờ và háo hức. Đến năm nay khi đủ năm tháng làm nghề, tôi tham gia nộp hồ sơ”. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình theo nghệ thuật truyền thống, Thu Thảo ý thức rõ đó là niềm tự hào, hãnh diện của bản thân và đồng nghĩa với đó là trọng trách bảo tồn, có trách nhiệm với ca trù. Cô luôn băn khoăn làm sao để gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của gia đình nó giống như một dòng chảy qua các thế hệ sau. Đồng thời, cô mong du khách trong nước cũng như quốc tế có thể biết đến ca trù - bộ môn nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Nguyễn Thu Thảo khẳng định: “Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” rất cần thiết cho những nghệ nhân làm nghề, vì những nghệ nhân họ truyền dạy nghệ thuật bằng hình thức truyền khẩu, họ không phải những người nghệ sĩ chuyên nghiệp, nên danh hiệu này rất phù hợp với những người đang cống hiến trong các lĩnh vực văn hóa truyền thống”. Việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” là nguồn động lực cho những người làm nghệ thuật truyền thống bảo tồn và gìn giữ các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là những người trẻ.
“Tôi đã truyền dạy làn điệu hát dô cổ từ năm 1989 thế kỷ trước đến nay để không bị thất truyền, nên khi nhận được danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, tôi rất phấn khởi. Danh hiệu không chỉ để mọi người biết tới công lao cống hiến của một cá nhân và còn đem lại hiệu quả tới các tập thể trong và ngoài nước biết đến nền văn hóa quê hương”. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lan |