Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cảnh khó tin trong khu biệt thự bỏ hoang giữa Thủ đô

“Lúc cao điểm, trong biệt thự có đến hàng trăm người sinh sống. Thời kỳ ít công nhân nhất cũng phải 40 - 50 người ở đây. Tuy nhiên nhà vệ sinh lúc nào cũng chỉ có một. Vì thế, mọi người phải đợi chờ nhau rất mệt mỏi...", chị Liễu nói.

Dạo một vòng quanh các khu đô thị (KĐT) như KĐT Văn Khê, Văn Phú, Nam Cường, Mỹ Đình, Thiên Đường Bảo Sơn, Geleximco… nằm trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những căn biệt thự có giá trị hàng chục tỉ đồng đang bị xuống cấp và chưa có người ở.

Bên cạnh đó, cũng có những căn biệt thự đã có người vào sinh sống tuy nhiên họ không phải một gia đình mà những lao động phổ thông làm việc tại các công trình xây dựng.

 Cảnh sống của công nhân trong căn biệt thự liền kề tại KĐT Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội.

Sống trong căn biệt thự liền kề tại KĐT Văn Phú (Hà Đông), anh Lò Văn Hới (SN 1981, quê Phổ Yên, Sơn La) cho biết, anh là công nhân xây dựng. Chủ thầu xây dựng đã thuê lại căn biệt thự này làm nơi ăn ở cho các công nhân như anh.

Ngôi nhà có 4 tầng, mỗi tầng có từ 15 đến 30 công nhân sinh sống. Có tầng, chủ thầu xây dựng đầu tư làm giường tầng cho công nhân ở. Mỗi người được sở hữu 1 giường. Thời kỳ đông người, có thể 2 người một giường. Tuy nhiên cũng có tầng không có giường tầng. Các công nhân, nam nữ trải chiếu nằm trên sàn nhà.

Anh Hới cho biết, nhóm thợ như anh được bố trí ở tầng 2 của căn nhà, có giường tầng và trung bình 2 người được sở hữu một chiếc quạt. Đối với anh, cuộc sống như vậy đã là quá tốt so với thời kỳ anh làm công nhân ở các công trình khác, phải ở trong các căn phòng lợp mái tôn, thậm chí căng tạm bằng bạt.

Tuy nhiên, đối với những người mới làm công nhân thì việc thích nghi với cuộc sống ở đây cũng không phải dễ dàng.

 Phía trong căn biệt thự xây thô, chưa hề có cửa, chưa được hoàn thiện nội thất cơ bản là hàng trăm công nhân đang sinh sống.

Anh Hới cho biết, mang tiếng là ở biệt thự nhưng mặt trong của căn biệt thự này mới chỉ được xây thô, không hề có cửa, không có nhà vệ sinh, không có phòng tắm và không có cả điện nước. Sau khi thuê lại cho công nhân, chủ thầu xây dựng mới đấu điện nước và lắp wifi cho công nhân sử dụng. Tuy nhiên khâu vệ sinh, tắm rửa và giặt giũ vẫn là một việc nan giải đối với những người sống ở đây.

Theo anh Hới, trong căn nhà có hàng trăm con người nhưng chỉ xây dựng một bể chứa nước dưới tầng 1. Hàng ngày, nước được bơm đầy bể để tất cả mọi người trong biệt thự sử dụng. Công nhân nam, sau khi đi làm sẽ tập trung quanh bể nước và… tắm tập thể.

Công nhân nữ được “ưu ái” hơn khi có phòng tắm riêng. Đó là một phòng tắm nguyên bản trong thiết kế của căn biệt thự. Phòng tắm này ở tầng 1, nằm cạnh bể chứa nước. Tuy nhiên phòng tắm không hề có điện, cũng không có cửa. Các công nhân phải tự thiết kế thêm cửa cho căn phòng bằng cách lắp lên đó những tấm bạt lượm được ở công trường.

 Cảnh sống tạm bợ trong khu biệt thự bỏ hoang.

Chị Bàn Thị Liễu (quê Sơn La), người nấu cơm cho nhóm thợ ở tầng 3 của căn biệt thự, cũng nói về nỗi khó khăn trong việc sinh hoạt này.

Chị Liễu cho biết, cả biệt thự chỉ có 1 phòng tắm nữ nên các chị em ở nhà nấu cơm phải tranh thủ tắm sớm, có người tắm từ 1, 2h chiều để lấy chỗ cho chị em khác sử dụng. Họ đều phải tranh thủ lúc trời còn sáng bởi nếu trời tối, việc tắm rửa trong một nhà tắm không có bóng điện vô cùng bất tiện. Tuy nhiên theo chị khổ sở nhất vẫn là khoản vệ sinh.

“Thời kỳ cao điểm, cả nhà có đến hàng trăm người sinh sống. Thời kỳ ít công nhân nhất cũng phải 40 - 50 người ở đây. Tuy nhiên nhà vệ sinh lúc nào cũng chỉ có một. Vì thế, mọi người phải đợi chờ nhau rất mệt mỏi. Chưa kể, nhà vệ sinh cũng chỉ được xây dựng tạm bợ, không có cửa…”, chị Liễu nói.

 Theo các công nhân, cuộc sống trong khu biệt thự được xem là tốt hơn rất nhiều so với thời kỳ ở lán, nhà lợp mái tôn. Tuy nhiên khâu vệ sinh, tắm giặt thì vẫn là nỗi ám ảnh của họ.

Một nỗi khổ nữa được công nhân nhắc đến khi sống trong biệt thự đó là diện tích phơi quần áo thiếu thốn. Công nhân phải phơi quần áo ở bất cứ chỗ nào tìm được. Thế nhưng vì số lượng người đông nên vào những ngày thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều, không ít công nhân phải mặc quần áo ẩm đi làm.

Anh Hới cho biết: “Khi đi làm, công nhân được chủ thầu phát quần áo lao động, mỗi người chỉ có 1 đến 2 bộ. Mùa mưa hoặc những ngày thời tiết ẩm, giặt quần áo không khô, nhiều người phải mặc quần áo ướt. Có người phải nghỉ việc ở nhà, hoặc có người cả nửa tháng không dám giặt quần áo”.

“Có thể vì lẽ đó cho nên tháng vừa qua, rất nhiều công nhân bị ốm. Nhiều người còn bị sốt xuất huyết phải nghỉ làm nửa tháng ở nhà bởi ở đây muỗi nhiều vô cùng... ”, anh Hới nói thêm.

(Còn nữa)